Mua bán, bao chiếm phức tạp
“Tấc đất, tấc vàng” - một trong những câu tục ngữ đúng nhất mọi thời đại, nhất là hiện nay khi đất đai trở nên có giá trị vì nhu cầu sử dụng đất của con người ngày càng cao. Điều ấy thấy rõ qua cơn “sốt” đất trên khắp cả nước, trong đó có Bình Thuận thời gian qua. Cho đến nay dù đã tạm lắng nhưng vẫn còn âm ỉ, nhiều người còn tư tưởng bao chiếm đất để bán, không chỉ với đất nền mà còn đất nghĩa địa tại các nghĩa địa. “Hiện nay đất mồ mả rất đắt, trước đây gia đình nào có người chết cứ đưa ra nghĩa địa chôn cất, bây giờ phải mua chứ đất đâu ra mà chôn cất”, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, thị trấn Lương Sơn, cho biết.
Lương Sơn có tổng diện tích đất tự nhiên gần 3.000 ha trải đều trên 2 thôn, 6 khu phố. Trong đó, diện tích đất dành cho người đã khuất hơn 13 ha, gồm nghĩa trang Đồng Công khoảng 5 ha và nghĩa trang Dòng Lăng hơn 8 ha.
Được quy hoạch trên giấy và hiện trạng là vậy nên người dân thị trấn lâu nay hễ có người nhà nằm xuống là đưa về chôn cất 1 trong 2 nghĩa trang này, nơi không người quản lý như nhiều nghĩa trang khác. Chính vì thế mạnh ai nấy bao chiếm giữ đất giành phần cho gia đình, dòng họ, nhất là ở nghĩa trang Dòng Lăng. “Nhiều gia đình bao chiếm ở đây, không còn đất cho hộ gia đình khác chôn cất người quá cố. Cho nên nảy sinh tình trạng mua bán đất nghĩa địa ở đây ngày càng phức tạp”, chị Đinh Thị L, ngụ khu phố Lương Nam chia sẻ. Tình trạng này xảy ra nhiều năm qua, đến nay trở nên đỉnh điểm khi cơn “sốt” đất nền kéo qua, tác động đến nhiều loại đất khác tăng giá. Từng có những vụ va chạm xảy ra liên quan tranh chấp đất nghĩa địa bao chiếm giữa người khu phố Lương Tây và Lương Nam và các khu phố trưởng phải đứng ra hòa giải.
Chính vì vậy, nhiều gia đình đi mua đất của những hộ gia đình có đất giáp ranh nghĩa trang để chôn cất người thân. “Đất trong nghĩa trang bây giờ không còn, phải đi sâu vào phía bên trong, mua của người dân, mỗi mảnh khoảng 100 m2, trị giá trên dưới 60 triệu đồng”, bà Nguyễn Thị H, ở thị trấn Lương Sơn, người chứng kiến dì của mình đi mua đất nghĩa địa của một người dân có đất gần nghĩa trang Dòng Lăng, nói về thực trạng “sốt” đất nghĩa địa hiện nay.
Cần giải pháp căn cơ
Đất nghĩa trang đều thuộc quản lý của Nhà nước, cho phép người dân chôn cất người quá cố theo phong tục, với mục đích đảm bảo vệ sinh môi trường, đáp ứng nhu cầu về việc an táng và giữ được những phong tục tập quán... Nhưng không có nghĩa là ngoài chôn cất người quá cố còn bao chiếm giành phần cho người còn sống, khi nằm xuống có chỗ chôn. Nếu ai cũng bao chiếm như vậy sẽ không đủ đất, đồng nghĩa xảy ra tình trạng thiếu đất cho người về thế giới bên kia.
Với hơn 13 ha đất nghĩa trang của Lương Sơn - thị trấn có hơn 3.000 hộ/17.000 khẩu, là diện tích không hề nhỏ, người dân bao chiếm tùy tiện dẫn đến tình trạng “vượt rào” nghĩa trang ra bên ngoài mua. UBND thị trấn Lương Sơn cho biết đã triển khai nhiều cuộc ra quân tháo dỡ rào bao chiếm, nhưng sau đó đâu cũng vào đó, nên thị trấn xác định đây là việc làm thường xuyên. “Thị trấn xác định đây là việc làm rất khó vì liên quan đến tâm linh, nhưng cũng phải làm nếu phát hiện người dân bao chiếm sẽ tổ chức tháo dỡ", ông Nguyễn Quốc Thanh – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lương Sơn cho biết.
Tuy vậy, biện pháp tháo dỡ cũng chỉ tạm thời, cơ bản các nghĩa trang phải có ban quản lý như ở một số địa phương khác, như nghĩa trang Phan Thiết hoặc xây dựng nhà hỏa táng. Vì quỹ đất dành cho người đã khuất hiện đang bị thu hẹp hoặc không còn đất để quy hoạch mở rộng thêm nghĩa trang. Tình trạng này không riêng ở thị trấn Lương Sơn mà nhiều nơi khác. Nếu làm được thì nạn buôn bán, tranh giành đất nghĩa địa sẽ không còn xảy ra, ngược lại sẽ ngày càng trở nên phức tạp hơn.
Nghị định 23 ngày 5/4/2016 của Chính phủ về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng đã quy định về nguyên tắc quản lý, sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa. Theo đó, tất cả các nghĩa trang, cơ sở hỏa táng phải được quy hoạch, việc quy hoạch, đầu tư xây dựng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng phải tuân thủ pháp luật về quy hoạch, xây dựng, bảo vệ môi trường...