Theo Bộ Tài nguyên & Môi trường, nguồn nước ở Việt Nam hiện đang được khai thác phục vụ cho các mục đích sử dụng khoảng 84 tỷ m3/năm, trong đó từ nước dưới đất khoảng 3,8 tỷ m3/năm (tương đương 10,5 triệu m3/ngày), nước mặt khai thác sử dụng khoảng 80,6 tỷ m3/năm (221 triệu m3/ngày). Việc khai thác, sử dụng tập trung chủ yếu vào 7 - 9 tháng mùa khô; trong đó trên 80% lượng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp (khoảng 65 tỷ m3/năm), cơ cấu sử dụng nước đang có xu hướng tăng dần cho công nghiệp, thủy sản, sinh hoạt. Dự báo đến năm 2030 nhu cầu nước khoảng 122 tỷ m3/năm, tăng 1,5 lần so hiện nay, tình trạng thiếu nước diễn ra nghiêm trọng nếu không được kiểm soát. Bình Thuận nằm ở vùng cực Nam Trung bộ, bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu những năm qua nên phải “sống chung” với cảnh hạn hán ngày càng gia tăng, tình trạng thiếu nước không phải là hiếm.
Ông Đỗ Văn Thái, Phó Giám đốc Sở TN & MT cho hay: Sở đã đề xuất một số giải pháp quản lý khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước tại các công trình cấp nước tập trung. Khu vực lấy nước mặt phải có biển báo giới hạn bảo vệ nguồn nước, bộ phận chắn rác tại vị trí lấy nước; nơi khai thác nước dưới đất phải có hàng rào bảo vệ xung quanh các giếng, hạn chế xả thải theo hình thức thấm đất vào khu vực bảo hộ các giếng khai thác. Việc quy hoạch xây dựng các nhà máy nước ở gần các nguồn nước thô (hồ chứa, sông, suối), tạo thuận tiện lấy nguồn nước thô phục vụ sản xuất nước sinh hoạt, thuận tiện quản lý, bảo vệ vệ sinh nguồn nước. Ngành chức năng lập hành lang bảo vệ nguồn nước tại các hồ chứa, sông suối, gắn camera ở các công trình hồ chứa nước bảo vệ an ninh an toàn hồ chứa, nguồn nước.
Trước đó, tỉnh đã và đang thực hiện các giải pháp công trình bảo vệ phát triển rừng, tăng cường đầu tư các công trình thủy lợi để đảm bảo tưới tiêu, đồng thời phòng chống hạn từng địa phương. Như ở huyện Tuy Phong áp dụng các biện pháp tưới nước tiết kiệm; chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp thổ nhưỡng, nguồn nước; xây dựng vùng chuyên canh thuận lợi cho hệ thống tưới nước tiết kiệm. Bắc Bình chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng bắp, màu tại những nơi nguồn nước hạn chế trong mùa khô; người dân tận dụng tối đa nguồn nước dồi dào sông Lũy cho tưới tiêu, phòng chống hạn. Hàm Thuận Bắc có các công trình thủy lợi cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng nước; huyện tập trung kiên cố hóa hệ thống kênh mương tránh thất thoát nước trong quá trình khai thác. Hai huyện (Hàm Thuận Nam, Hàm Tân) người dân sử dụng các loại giống cây ngắn ngày, khả năng chịu hạn. Trong khi đó, huyện (Tánh Linh, Đức Linh) tiếp tục đầu tư hệ thống kênh mương nội đồng tăng cường tưới tiêu; xây dựng vùng chuyên canh thuận lợi cho hệ thống tưới tiết kiệm; tận dụng tối đa nguồn nước dồi dào sông La Ngà phục vụ sản xuất. Vùng ngoại ô TP. Phan Thiết, thị xã La Gi, người dân khai thác nguồn nước từ các ao, hồ tưới tiêu, sử dụng thêm giếng khoan, giếng đào cho sinh hoạt. Riêng đảo Phú Quý đã và đang đầu tư xây hồ chứa nước phục vụ tưới tiêu, sinh hoạt; nhân rộng mô hình tưới nước tiết kiệm, chuyển đổi cây trồng phù hợp địa chất...