Theo dõi trên

Tánh Linh: Diệt chuột phá hại lúa qua mô hình “Bẫy cây trồng”

21/12/2022, 05:20

Trong vụ mùa năm 2022, vùng sản xuất lúa tại Tánh Linh áp dụng mô hình “Bẫy cây trồng” cho thấy hiệu quả tương đối cao. Tình trạng chuột gây hại cho khu vực có thực hiện mô hình ít hơn so với các vùng sản xuất khác trên địa bàn.

Biện pháp dẫn dụ

Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh nói chung và Tánh Linh nói riêng xảy ra tình trạng chuột gây hại trên cây lúa. Thực tế này khiến không ít nông dân gặp lúng túng dẫn đến lạm dụng phân thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác, làm tăng tính kháng thuốc của đối tượng dịch hại, tăng chi phí đầu tư. Ngoài ra, việc sản xuất liên tục không tập trung theo lịch thời vụ cũng là một trong những nguyên nhân chuột có nơi cư trú, nguồn thức ăn dồi dào để sinh sôi phát triển.

z3972770718973_8d1dad49d6ebd04c476c3560c24e714f.jpg
Mô hình thực hiện năm 2022

Ông Nguyễn Kim Thành- Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp huyện Tánh Linh (trung tâm) cho biết: Từ tháng 8/2022 đến nay đơn vị phối hợp Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh thực hiện mô hình “Bẫy cây trồng” với 3.000 m2 lúa vụ mùa tại xứ đồng Hè Thu, xã Đức Bình. Hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ 100% chi phí sản xuất và trang thiết bị, hướng dẫn kỹ thuật theo quy trình. Nông dân còn được phổ biến kiến thức về đặc tính sinh học, tập tính sinh sản và cách gây hại của chuột. Đồng thời, nắm các biện pháp phòng trừ, kỹ thuật cơ bản về thực hiện bẫy và dẫn dụ, bắt chuột bằng “bẫy cây trồng” trên ruộng lúa. Nhờ vậy, giúp bà con nâng cao nhận thức về việc áp dụng nhiều phương pháp phòng trừ, tiêu diệt chuột gây hại kết hợp việc bảo vệ thiên địch của chuột, bảo vệ môi trường. Mặt khác, từ mô hình người dân địa phương sẽ chủ động áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để giảm mật độ số chuột gây hại trong từng vụ sản xuất trên các xứ đồng.

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, ruộng bẫy trong vụ mùa được bố trí tại khu vực sản xuất của HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Bình. Nông dân xuống giống lúa thơm ST25 sớm hơn 15 - 20 ngày so với ruộng lúa khác trong cùng xứ đồng. Xung quanh ruộng bẫy được rào kín bằng hàng rào ni lon, cao 50 cm nhằm hạn chế chuột leo, cắn phá hàng rào vào bên trong. Ở phía ngoài một rãnh nhỏ có chứa nước kích thước chiều rộng 30 cm. Số lượng bẫy được sử dụng trong mô hình là 22 bẫy, mỗi bờ đặt 5 - 6 bẫy hom để thu gom chuột. Đặc biệt, bẫy hom được làm từ khung sắt, hình hộp chữ nhật 60 cm x 30 cm, xung quanh được bao bằng lưới sắt mắt cáo.

Cần nhân rộng mô hình

Từ khi thực hiện mô hình “Bẫy cây trồng” trong vụ mùa, nông dân đã thu được khoảng 160 con chuột. Theo đánh giá của trung tâm, quá trình theo dõi mô hình, chuột vào bẫy nhiều nhất giai đoạn đầu sau khi sạ. Mặt khác, các hộ dân có ruộng gần khu vực mô hình cũng ít bị chuột cắn phá, giảm một phần chi phí mua thuốc BVTV để trừ chuột, vừa không ảnh hưởng đến sức khỏe vừa bảo vệ môi trường sống của người dân. Nhờ đó thu lãi trên một đơn vị diện tích tăng lên.

www-baobinhthuan-com-vn_bay1.jpg
Diệt chuột nhờ "bẫy cây trồng"

Về khả năng nhân rộng mô hình, ông Nguyễn Kim Thành cho biết, với mô hình “Bẫy cây trồng” trên đất lúa có thể dẫn dụ số lượng lớn chuột trên đồng và có thể tiêu diệt chuột ngay từ đầu vụ sản xuất. Hơn nữa, người dân không phải sử dụng các loại thuốc hóa học mà vẫn có thể thu gom và tiêu diệt được nhiều chuột kéo dài cả vụ. Từ hiệu quả của mô hình, Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp huyện Tánh Linh đang tiếp tục chuyển giao đến nông dân địa phương để nhân rộng mô hình tại các cánh đồng. Bên cạnh đó, để hạn chế việc gây hại của chuột trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, trung tâm đề nghị UBND các xã, thị trấn tiếp tục phổ biến kiến thức, tổ chức ra quân diệt chuột đồng loạt 2 - 3 đợt/năm. Mặt khác, nâng cao tính chủ động phòng trừ chuột trong sản xuất và áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật. Cùng với đó, kết hợp với thực hiện điểm “bẫy cây trồng” trên cây lúa để tiêu diệt chuột và góp phần bảo vệ mùa vụ đạt hiệu quả cao nhất. 

K. HẰNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Phòng chống chuột và  ốc bươu vàng trước khi gieo sạ lúa
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị Phòng nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp các địa phương xây dựng kế hoạch phòng trừ chuột và ốc bươu vàng (OBV) gây hại lúa.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tánh Linh: Diệt chuột phá hại lúa qua mô hình “Bẫy cây trồng”