BTO - Mùa khô, khi những chân ruộng vụ tháng 3 vừa gặt xong cũng là mùa người quê đổ đi bắt chuột đồng. Đồng khô, lũ chuột rúc sâu vào “cố thủ” trong hang hốc ven bờ. Bắt chuột mùa này chủ yếu dùng cuốc xẻng, xà beng mà đào. Vỡ bờ cũng chẳng sao; chấp nhận vỡ, xong đắp lại, miễn sao trừ được lũ chuột ác ôn chuyên cắn phá hoa màu. Xưa, đào chuột phải mang theo chài vi (dụng cụ làm bằng tre, có hình dáng như cái phễu. Cắm “miệng phễu” úp chụp lên hang; chuột lao vào sẽ bị mắc kẹt nơi “đáy phễu”). “Nhà tí” vốn tinh ma: hang nào cũng có ngách chính, ngách phụ (tức cửa thoát hiểm); đôi khi đến vài ba ngách! Phát hiện ra hang chuột, phải vạch cỏ tìm, cắm chài vi chặn kì hết các ngách, sau đó theo cổng chính đào vào. Bị đánh động, chuột sẽ lồng lộn tìm cách thoát thân: theo “cửa thoát hiểm” phóng ra ắt chui tọt vào chài vi. Có chú ranh ma, biết ngách phụ bị chặn, liều mình xông thẳng ra ngách chính (đang bị đào) hòng tẩu thoát! Nỗ lực tuyệt vọng ấy ít cơ may thành công, bởi người đào...