Câu chuyện của người nông dân ở Hàm Hiệp, Hàm Thuận Bắc phá bỏ hơn 10 tấn thanh long, đang trong thời điểm mất giá. Hình ảnh trên mạng xã hội người đàn ông phủ phục bên cạnh đống thanh long khiến người ta giật mình.
Bài toán giá
Có dịp ngồi trò chuyện với người nông dân ở Mương Mán (Hàm Thuận Nam). Câu chuyện giá thanh long rớt thê thảm trong thời điểm này, khiến người nông dân không ít địa phương lao đao. Ông N.Q.Q (xã Mương Mán), có hơn 1.000 trụ thanh long ở đất Hàm Thạnh, với hơn 10 năm gắn bó, giờ cũng buông theo nhịp thở thoi thóp của thị trường. Ông chia sẻ: Thanh long ra theo mùa bằng công sức của gia đình, nếu bán được 6.000 đồng/kg sẽ huề vốn, thậm chí lỗ nhẹ nhưng không đáng kể, nhưng sẽ không có tiền đầu tư vào lứa kế tiếp. Còn nếu thuê người làm, giá phải được 8.000đồng/kg, xem như huề vốn và dư một chút gọi là có cơm ăn và không có đầu tư cho lần tiếp theo
Hớp ngụm trà, ông Q chia sẻ thêm: Thanh long ra theo mùa phải nằm từ giá 10.000đồng/kg trở lên mới có lãi. Nhưng, người nông dân phải đối diện với thực trạng hiện nay khi giá phân, thuốc, xăng cắt cỏ ... tăng chóng mặt. Một bao phân có giá dao động từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng, tùy theo mỗi nơi. Như vậy, 1 tấn thanh long giá 1.000đồng/kg hiện nay chỉ mua được 1 bao phân 50kg. Đối với thanh long chong đèn trái mùa, bán giá 10.000đồng/kg xem như huề vốn ( nếu là điện thuê ), 12.000 đồng/kg dư chút đỉnh , 15.000đồng/kg có dư để còn đầu tư vào lứa tiếp theo.
Một lứa thanh long, trung bình xịt thuốc và phân bón tốn rất nhiều, khoảng từ 20 - 30 triệu cho 1 lứa trái của vườn 10 tấn . “Tùy vào vườn và khu vực, sẽ chênh lệch đôi chút” – ông Q nói. Nếu chong đèn điện thì phải cộng thêm tiền thuê bóng từ 5 – 10 triệu tùy theo số lượng nhiều có thể hơn. Những hộ gia đình có bóng thì đỡ một phần. Chưa kể, nạn trộm cắp bóng đèn gia tăng ở các địa phương. Tiền điện tính theo bậc thang giờ cao điểm, sử dụng bình điện của gia đình thì 1.500 đồng – 1.800 đồng/kWh. Bình điện thuê từ 2.500 – 3.500 đồng/kWh tùy vào thỏa thuận hai bên thì có thể từ 6 – 7 triệu hoặc từ 20 - 25 triệu đồng nếu làm số lượng lớn. Đó là những khoản chi cơ bản nhất cho một vườn thanh long, chưa kể những chi phí phát sinh, nhỏ lẻ. Điều đó cho thấy rằng, nông dân là những người gánh chịu chi phí nhiều, rủi ro cao hơn gấp nhiều lần thương lái, để có được một lứa thanh long khoảng 10 tấn, hàng mùa thường mất trung bình 25 - 40 triệu đồng, hàng chong đèn trái mùa thì 35 – 50 triệu đồng.
Mỗi lứa mỗi lo âu
Trên thực tế, nông dân là người nhìn ở góc độ nào cũng bị bủa vây bởi bài toán đầu vào và đầu ra. Chưa kể sức ép của thương lái, là có thật. Ước mơ về trái thanh long Bình Thuận được đa dạng hóa đầu ra, đa dạng hóa sản phẩm mới là giải pháp bền vững cho trái thanh long.
Đã có nhiều những giải pháp, và trên thực tế, trong đó đa dạng hóa sản phẩm và đa dạng hóa thị trường được xem là giải pháp hiệu quả, cùng với việc đảm bảo các yêu cầu về tiêu chuẩn và chất lượng sản phẩm. Ngoài sản phẩm chính là trái tươi, đã có hàng chục các sản phẩm tiêu dùng có thành phần trái thanh long, như: Trà thanh long, rượu thanh long, nha đam thanh long, thanh long sấy dẻo, thanh long sấy lạnh, bánh mì thanh long, bún thanh long, bánh tráng thanh long, mì tôm thanh long... Những sản phẩm này đã có mặt hầu hết thị trường trong nước, một số sản phẩm đã xuất khẩu. Nhưng đến nay, số liệu thống kê về đóng góp của các sản phẩm này chưa rõ nét.
Hiện nay, thanh long và một số sản phẩm từ thanh long đã có mặt ở thị trường châu Á, châu Âu, châu Mỹ, trong đó có một số thị trường khó tính. Hiện đang tiếp tục được mở rộng, theo cách đa dạng hóa. Nhưng ngặt nỗi, tình trạng ứ đọng, mất giá, rớt giá thê thảm, chỉ còn 1.000 đồng/kg, trong khi thanh long chong đèn giá tầm 10 ngàn đồng/kg tại vườn thì mới có lợi nhuận đôi chút. Tình trạng phụ thuộc cửa khẩu của Trung Quốc, cứ lập đi lập lại điệp khúc không thông quan hoặc đóng cửa khẩu biên giới. Hơn 70% sản lượng thanh long của Bình Thuận phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Tháo gỡ để có chính sách rõ ràng, bền lâu bằng những văn bản hành chính cụ thể giữa hai bên nhằm bảo đảm cho sự trao đổi hàng hóa thông suốt liên tục, không bị ách tắc từ những quyết định đơn phương trong nhiều năm qua, gây ảnh hưởng cho nông sản Việt Nam. Con đường buôn bán tiểu ngạch qua các cửa khẩu của nông sản Việt Nam hiện rất gập ghềnh và cần một hướng đi mới, hiệu quả hơn.
Ông Lê Văn Thành (thôn Phú Nhang – xã Hàm Hiệp, Hàm Thuận Bắc), hơn 20 năm trồng thanh long, đã chấp nhận cắt bỏ hơn 10 tấn thanh long vì quá rẻ. Ông Thành chia sẻ: tiền điện 12 triệu, tiền phân 30 triệu, tiền phân, thuốc xịt tàn, thuốc trái, xịt nấm dây, nấm trái 4 triệu, tiền công làm của 1 người trong vòng 2 tháng hết 14 triệu, tiền Vuốt tai thanh long khi chín để chuẩn bị bán 6 triệu... Ít nhất cho 1 pha điện hết 66 triệu đồng. Nếu chạy điện đạt thì được 10 tấn. Trung bình 1 tấn 6,6 triệu, nhưng với giá hiện tại, chưa tới 1.000 đồng/kg, thì làm sao đây?! |