Theo dõi trên

Thích ứng với biến đổi khí hậu cực đoan

29/09/2022, 05:43

Bình Thuận là một trong những tỉnh ở khu vực miền Trung và Tây nguyên chịu ảnh hưởng nặng nề của các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan, trong đó bão, lũ lụt và hạn hán thường xuyên và nguy hiểm nhất.

Biến đổi khí hậu (BĐKH) là thách thức lớn, tác động bất lợi đến mọi mặt của hoạt động kinh tế, dân sinh, đặc biệt đối với khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tình trạng hạn hán, thiếu nước ở một số địa phương vẫn xảy ra do tác động của BĐKH.

ke-song-phu-quy.jpg
Kè chắn sóng huyện Phú Quý. Ảnh: Đ.Hòa

Tác động của biến đổi khí hậu

Như chúng ta đã biết, Bình Thuận là tỉnh nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, quanh năm nóng ẩm, lượng mưa trong năm phân bố không đồng đều. Những năm gần đây trên địa bàn tỉnh còn có những biến đổi bất thường, hiện tượng nắng nóng kéo dài trong mùa khô, lượng mưa phân bố không đều theo quy luật. Điều dễ nhận thấy là cứ sau mỗi mùa gió Đông Bắc, đường bờ biển ở một số khu vực trên địa bàn tỉnh lại tiếp tục bị sạt lở nghiêm trọng, đe dọa đến các khu dân cư bờ biển, khu du lịch và bãi tắm, làm ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, tình trạng sạt lở trên địa bàn tỉnh đang diễn ra với tốc độ khá nhanh. Khu vực thường xuyên xảy ra sạt lở bờ biển là TP. Phan Thiết, thị xã La Gi và huyện Tuy Phong. Thực tế cho thấy, các dòng chảy trên các sông, suối suy giảm nhanh sau khi mùa mưa kết thúc, mực nước ngầm hạ thấp, nắng nóng kéo dài. Lượng mưa thấp nên nước tích trữ trong hệ thống thủy lợi cũng giảm. Bên cạnh đó tình trạng sa mạc hóa ngày càng nghiêm trọng hơn ở các địa phương ven biển. Tốc độ thoái hóa đất diễn ra ngày càng nhanh, đặc biệt tại các vùng trọng điểm khô hạn như huyện Bắc Bình. Bình Thuận cũng được biết đến là vùng có khí hậu tương đối phức tạp, lượng mưa hàng năm thất thường, nhưng lại được thiên nhiên ưu đãi cho tỉnh có nguồn tài nguyên phong phú như đất đai màu mỡ, diện tích lưu vực các con sông chính khá lớn, tài nguyên biển với trữ lượng nguồn lợi hải sản lớn nhất nhì trong khu vực…

Để thích ứng với BĐKH, những năm qua tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách ứng phó với BĐKH, phòng, chống thiên tai, hạn chế thiệt hại về người và tài sản, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng thích ứng với BĐKH. Theo đó các ngành, địa phương đã phối hợp, triển khai có hiệu quả các phương án ứng phó, phòng, chống thiên tai trên toàn tỉnh, tập trung mọi nguồn lực nhanh chóng khắc phục hậu quả, hỗ trợ kịp thời người dân bị thiệt hại do thiên tai gây ra để ổn định cuộc sống. Xác định công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội nhằm ứng phó với BĐKH, tỉnh còn yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân về công tác phòng, chống thiên tai. Rà soát, cập nhật, bổ sung ngay các phương án, kế hoạch, nhiệm vụ phòng, chống thiên tai hàng năm với các tình huống cực đoan, bất lợi nhất của thời tiết nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, đồng thời chủ động công tác cứu hộ, cứu nạn trước, trong và sau thiên tai.

Thích ứng với biến đổi khí hậu

Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả về thích ứng với BĐKH cực đoan trong thời gian tới đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương phải chủ động ứng phó với BĐKH, coi đây là trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái, phát triển bền vững. Chuyển đổi cơ cấu, giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH. Tăng cường kiến thức, nâng cao năng lực thích ứng, bảo đảm sinh kế cho người dân những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề của BĐKH, vùng thường xuyên bị tác động của thiên tai. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới thích ứng BĐKH trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, đồng thời hoàn thiện thể chế, phát triển mạnh thị trường các bon. Chủ động chuẩn bị các phương án, điều kiện phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai phù hợp với từng ngành, lĩnh vực, vùng, nhất là các địa phương ven biển, vùng núi cao, vùng dễ bị tổn thương trước thiên tai. Có phương án chủ động xử lý tình huống xấu nhất ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, đời sống của nông dân. Nâng cấp, bảo đảm an toàn các hồ chứa nước, bảo vệ, đẩy mạnh phục hồi, trồng rừng phòng hộ ven biển, rừng phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ không gian thoát lũ trên các lưu vực sông, lòng sông. Nâng cao năng lực nghiên cứu, giám sát BĐKH, dự báo và cảnh báo thiên tai, năng lực chủ động phòng tránh, giảm nhẹ, thích nghi, ứng phó với BĐKH. Chấn chỉnh công tác bảo vệ, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý môi trường, phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với BĐKH, đẩy lùi tình trạng ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên và suy giảm đa dạng sinh học…

THANH QUANG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Sẽ tạm dừng học 1 năm đối với 5 học sinh tham gia đánh hội đồng
BTO-Mới đây, mạng xã hội lan truyền 2 clip quay lại cảnh 1 học sinh nữ bị 1 nhóm học sinh khác đánh hội đồng khá bức xúc. Sau khi tìm hiểu, được biết những học sinh này thuộc Trường THCS Lương Sơn (Bắc Bình).
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thích ứng với biến đổi khí hậu cực đoan