Theo dõi trên

Thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay chính sách

26/07/2022, 16:38

Sau gần 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, người nghèo và các đối tượng chính sách khác của huyện Tánh Linh đã được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập và thoát nghèo.

Nếu như trước năm 2022, xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số La Ngâu, huyện Tánh Linh là địa phương trắng về tín dụng, hộ nghèo, hộ cận nghèo ở đây không có cơ hội được tiếp cận vốn tín dụng chính thống để đầu tư phát triển kinh tế, mà chủ yếu là đầu tư ứng trước của các tư thương tại địa phương, lãi suất cao, sản phẩm thu hoạch phải bán cho tư thương đã ứng vốn nên thường bị ép giá, dẫn đến hiệu quả kinh tế rất thấp. Sau khi Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tánh Linh thành lập. Người nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập và thoát nghèo.

26-7-mo-hinh-nuoi-trau-thon-4-duc-binh.jpg

Anh Nguyễn Văn Thuận, dân tộc K’ho, thường trú bản 2, xã La Ngâu cho biết: Cách đây hơn 10 năm gia đình anh được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay nguồn vốn 50 triệu đồng đối với hộ nghèo. Anh mua 2 con bò và mấy con heo đen về nuôi. Qua thời gian bò, heo đen lớn nhanh và sinh sản ra nhiều bê con, heo con. Hàng năm tích lũy từ việc bán bê con, bán heo và tiền công làm thuê làm mướn gia đình tích cóp mua đất rẫy trồng điều và cao su. Hiện nay nguồn quỹ đất của gia đình anh Thuận được 1,6 ha điều xen canh cây ăn trái, 0,7 ha cao su và 0,2 ha trồng lúa nước. Ngoài ra, còn mướn thêm 5 sào cao su để làm thêm. Nuôi 5 con bò, hơn chục con heo. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí gia đình anh thu về trên 100 triệu đồng.

26-7-mo-hinh-nuoi-heo-den-cua-ong-linh-ban-2-xa-la-ngau.jpg

Trong ngôi nhà khang trang, phía trước là một tiệm tạp hóa với đầy đủ các mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng ăn uống cho người dân. Với tiệm tạp hóa này hộ bà Ngô Thị Hiểm, dân tộc K’ho thường trú bản 2 đã có nguồn thu đáng kể và vươn lên làm kinh tế khá giả. Bà Hiểm chia sẻ: Trước đây gia đình bà thuộc diện hộ nghèo của xã La Ngâu và được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện xét duyệt cho vay 50 triệu đồng. Số tiền này gia đình dùng để mua 2 con bò sinh sản, số tiền còn lại dùng vào việc thu mua măng, nấm, mật ong rừng…bà con kiếm được trên núi. Nhờ chăm sóc chu đáo bò lớn nhanh và sinh sản ra nhiều bê con. Mỗi năm gia đình bán 1 đến 2 con bê để trang trải cho cuộc sống, số còn lại tiếp tục để nuôi. Sau nhiều năm làm ăn, tích lũy có nguồn vốn đáng kể, cộng với vốn từ bán đàn bò, gia đình đầu tư vào quán tạp hóa để phục vụ bà con. Kinh tế gia đình hôm nay đã ổn định có của ăn, của để.

Ông Phan Duy Cường - Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Tánh Linh cho biết: Trong 20 năm thực hiện tín dụng chính sách theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ, huyện Tánh Linh đã tập trung nguồn lực tín dụng qua NHCSXH cho vay được 64.529 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với doanh số cho vay đạt 1.076 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 647 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời, giúp cho 15.032 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được vay vốn, góp phần giúp cho trên 7.770 hộ thoát nghèo, thu hút tạo việc làm cho trên 3.304 lao động, giúp cho 23.286 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, hạn chế học sinh, sinh viên bỏ học giữa chừng vì khó khăn về tài chính, hỗ trợ xây mới và cải tạo 34.407 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 535 ngôi nhà cho hộ nghèo và nhà ở xã hội, hỗ trợ cho vay vốn sản xuất kinh doanh vùng khó khăn 6.247 hộ, tạo điều kiện cho 743 hộ dân tộc thiểu số được tiếp cận vốn chính sách xã hội... Vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, được làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng, do đó, đã từng bước thay đổi cơ bản nhận thức, giúp hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo. Tính đến ngày 30/6/2022, tổng dư nợ của 15 chương trình đạt hơn 446,7 tỷ đồng với hơn 64.500 lượt hộ vay; tăng so với cuối năm 2003: 37 lần về dư nợ, với số tuyệt đối tăng là 427 tỷ đồng, hiện nay với 11.338 hộ có dư nợ. Doanh số cho vay 20 năm: 1.076 tỷ đồng. Doanh số thu nợ 20 năm: 648 tỷ đồng.

Ông Cường cho biết thêm: Đến năm 2030, phấn đấu 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đủ điều kiện vay vốn được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách. Tiếp tục tập trung nguồn lực cho hoạt động tín dụng chính sách, phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách. Hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch tín dụng được giao hàng năm. Phát huy tối đa hiệu quả đồng vốn, góp phần tích cực cùng địa phương phục vụ mục tiêu giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng huyện nông thôn mới Tánh Linh.

NGỌC KHÁNH


(0) Bình luận
Bài liên quan
‎Tàu cá BTh 98750 TS chở 4 lao động bị đâm chìm trên biển
BTO-Sáng nay (25/7), Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận đã có thông tin ban đầu về tàu cá BTh 98750 TS chở 4 lao động bị đâm chìm trên biển Hàm Thuận Nam.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay chính sách