Tham dự có lãnh đạo các bộ, ngành, Ban Tổ chức 248, đại diện lãnh đạo 8 tỉnh, thành phố (gồm TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Thuận và Ninh Thuận), lãnh đạo các hiệp hội, Hội Doanh nghiệp, doanh nghiệp tiêu biểu khu vực Đông Nam bộ, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh năm 2021, 2022...
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy khẳng định: Văn hóa doanh nghiệp không chỉ là hình ảnh doanh nghiệp mà còn là hình ảnh quốc gia, với các hành vi ứng xử cụ thể. Đó là ứng xử với khách hàng, cộng đồng, là cách giao tiếp với đối tác trong và ngoài nước, trách nhiệm với xã hội, nhất là khi chúng ta tham gia vào các hiệp định đối tác song phương, đa phương thì vai trò của văn hóa doanh nghiệp càng được thể hiện sâu sắc, toàn diện. Trải qua các giai đoạn phát triển của đất nước, cùng với nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa, nhiệm vụ xây dựng văn hóa doanh nghiệp ngày càng được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, kế thừa, bổ sung, phát triển và hoàn thiện trong các Nghị quyết trọng tâm về văn hoá… Trong đó, Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam là bộ chuẩn mực đầu tiên về văn hóa kinh doanh được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện, các bộ, ngành tham gia. Quá trình xây dựng đã nhận được sự đóng góp trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các bộ, ngành, nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp và báo chí truyền thông. Bộ tiêu chí sau khi hoàn thành đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cho phép ban hành làm căn cứ cho việc xét công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá kinh doanh Việt Nam”.
Cụ thể, Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam gồm có 2 phần với 5 điều kiện bắt buộc, 19 tiêu chí cụ thể và 51 chỉ số đánh giá, đo lường. Trong mỗi nhóm tiêu chí có các tiêu chí cụ thể và các chỉ số đánh giá, đo lường kèm theo. Trong đó nhấn mạnh tới các yêu cầu bắt buộc: Không buôn lậu, không trốn thuế; không sản xuất, kinh doanh hàng giả, sản phẩm độc hại; không nợ lương và bảo hiểm xã hội của người lao động; không lừa đảo, lợi dụng hoặc làm hại các tổ chức, cá nhân khác; không vi phạm pháp luật.
Phần 2 là các tiêu chí đánh giá được chia thành 5 nhóm: Lãnh đạo doanh nghiệp phát triển bền vững; xây dựng và thực thi văn hóa doanh nghiệp; thượng tôn pháp luật; đạo đức kinh doanh; trách nhiệm xã hội. Trong đó nhóm “Trách nhiệm” xã hội đưa ra nhiều tiêu chí về chuẩn mực quản lý môi trường, tham gia vào tiến trình xây dựng chính sách của Nhà nước, đóng góp từ thiện, hỗ trợ phát triển cộng đồng cũng như có chính sách ưu tiên sử dụng nhân sự, nguyên liệu, sản phẩm và dịch vụ của Việt Nam…
Tại hội nghị, các diễn giả có nhiều kinh nghiệm về xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp trong thời đại chuyển đổi số ở Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm xung quanh chủ đề “Văn hóa doanh nghiệp thời chuyển đổi số”. Đồng thời diễn ra lễ ký kết chương trình phối hợp triển khai Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam giữa Ban Tổ chức 248 và 8 tỉnh, thành phố, một số hội, hiệp hội trong khu vực Đông Nam bộ.