Theo dõi trên

Trồng cây

19/05/2023, 06:04

Vừa rồi cây xoài của chị hai trồng trong sân nhà tự ra trái bói. Chị chụp hình những trái xoài đầu mùa khoe khắp. Chị bảo không ngờ còn sống được tới ngày cây xoài có trái. Cũng phải, khi chị trồng cây xoài thì chị đã 84 tuổi, nay cây có trái chị đã bước qua tuổi 86. Rồi chị lại buồn buồn: Chẳng biết còn hái được bao nhiêu mùa xoài nữa. Tôi ghẹo chị: Lại sợ chết nữa à. Chị nghe vậy cười vang trong điện thoại.

Nhà có ba chị em, tôi là con trai duy nhất nhưng lại theo quê vợ ở lại thành phố lập nghiệp. Lẽ ra nhà tự phải giao lại cho vợ chồng tôi trông coi hương khói nhưng do ở xa nên tôi giao lại cho chị, tới khi con chị lớn, chị giao lại cho cháu. Nói là giao chứ vợ chồng cháu không ở trong nhà tự mà cất nhà ở bên cạnh, chỉ sáng sáng sang quét dọn thắp nhang, tưới mấy cái cây trong sân. Trong sân nhà toàn những cây kỷ niệm. Ở mé đầu hồi bên trái ngày xưa cha tôi trồng một cây me, giờ đã thành lão me cổ thụ, tán che rợp hết nhà tự. Phía sau nhà là hàng dừa có từ thời ông cố, kỳ lạ sao bao nhiêu năm mà vẫn hiên ngang đứng, trái vẫn sai trĩu nhưng do quá cao nên chẳng ai buồn hái, khi nào trái khô thì tự rụng xuống. Chị hai lựa những trái dừa còn ăn được đem lột vỏ nạo cơm xay, vắt nước cốt nấu chè cho lũ cháu. Rồi chị lại ươm cây con trồng một hàng mé bờ rào phía trước. Chị bảo: Kệ, cho sắp nhỏ mốt có trái uống. Thiệt, giờ hàng dừa chị trồng cũng đã gần chục tuổi, quầy nào quầy nấy ken dày trái, tụi nhỏ uống chán thì đem bán mua bánh kẹo chúng thích. Đằng trước hiên nhà, đợt về ăn giỗ hồi vừa nghỉ hưu, lưu lại chơi cả tháng, tôi mua cây hoa tử kinh trồng, thêm dăm bụi hồng tường vi cho đẹp. Chắc hợp đất, hợp khí hậu, tử kinh năm nào cũng cho hoa hồng tươi mỗi độ hè về. Còn tường vi thì cho hoa quanh năm suốt tháng, tô điểm cho không gian nhà tự bớt quạnh quẽ.

z3974203484373_0b4a0171517a7f58a82fa347a12b21cf_20221222062314.jpg

Mỗi năm một lần, nhà tự đón con cháu phương xa về tụ họp cúng giỗ. Giỗ họ. Bàn cỗ bày từ nhà trong ra nhà trước, tràn xuống chật kín cả hành lang lẫn ngoài sân mới đủ. Mỗi lần giỗ họ, các chị, các dì, các cháu xúm nhau bày biện nấu ăn từ sáng ngày hôm trước tới trưa hôm sau. Cúng kiến ông cha xong, cả họ tụ tập ăn uống, trò chuyện, ca hát. Cũng nhờ có ngày giỗ họ mà anh em họ tộc mới được gặp nhau, biết mặt, chuyện trò, thắt chặt cái sợi dây tình thân. Chứ nếu không có giỗ họ, mạnh người nào người đó sống thì chắc con cháu sinh sau chẳng biết mặt anh em quá.

Trước còn đi làm mỗi năm tôi chỉ về nhà tự dịp giỗ họ, giỗ cha và giỗ mẹ. Còn những giỗ khác thì đã có chị hai đứng ra lo liệu cúng kính, tôi chỉ gửi cho chị chút ít tiền gọi là góp làm đồ cúng. Từ hồi nghỉ hưu, làm tỷ phú thời gian, tôi có năng về nhà tự hơn. Có khi lưu lại cả tháng để đi chơi, thăm bà con họ hàng. Không khí ở quê mát mẻ, thoáng đãng, cảnh vật yên bình khiến tâm hồn tôi cũng thư thái dễ chịu. Tôi cũng muốn chuyển về nhà tự ở lắm, “cáo chết còn quay đầu về núi”, ai khi về già chẳng vọng cố hương. Chỉ là ngặt nỗi vợ tôi phải ở thành phố để chăm cháu cho hai đứa con, cái cảnh chồng một nơi, vợ một nẻo sao mà kéo dài mãi được. Nên tôi chỉ ở chơi chừng tháng là lại phải trở vào thành phố để ở cùng vợ con. Trách nhiệm là chồng, làm cha giờ lại thêm trách nhiệm làm ông nữa, nặng nề lắm thay.

Đợt vừa rồi chị gọi điện báo nhà tự xuống cấp dữ lắm, chắc mấy chị em phải hùn tiền lợp lại mái ngói, gia cố lại kèo cột chứ không mối mọt ăn hết thì nguy. Nghe chị báo tôi tức tốc trở về quê. Rồi thì họp gia đình, họp họ tộc. Mỗi người một ít đóng góp tiền của, ai không có tiền thì góp công. Công việc tu sửa cũng kéo dài cả tháng. Nhà tự lại khang trang, sạch đẹp như xưa. Để đánh dấu dịp trọng đại này, tôi đã mua một cây mít thái, một cây bơ trồng phía trước sân để sau này có tán che cho mát. Ai cũng cười bảo sao tôi già rồi lại đi trồng mít, trồng bơ. Người già như chuối chín cây, trồng cây gì nhanh có trái để hái, ai lại trồng cây lâu năm. Tôi cười đáp: Trồng cây là để ghi nhớ ngày trọng đại, còn trái là để cho con cháu sau này chúng nó hưởng, mình già rồi, phải trồng thứ gì sống lâu hơn mình để sau này con cháu ăn trái mà nhớ đến cha, chú đi trước. Từ đó tôi không còn nghe ai cười chê, gièm pha gì nữa.

Hết một tháng tôi lại tạm biệt nhà tự yêu dấu, tạm biệt quê nhà chôn nhau cắt rốn để vào lại thành phố. Ngày tôi đi, tử kinh nở hồng rực rỡ một góc hiên nhà, mấy bụi tường vi khoe màu hồng phấn tươi rói dưới nắng hè. Tôi bước ra cổng mà sao chân chẳng muốn đi, chẳng muốn rời xa nơi đây, quyến luyến đứng mãi nơi cổng nhìn vào nhà tự, vào cây me, cây xoài, cây tử kinh và mấy khóm tường vi. Rồi lại nhìn cây mít, cây bơ mới trồng trước sân. Sau này, biết tôi có còn được trở về thăm chúng nữa không, chắc lúc đó chúng đã lớn lắm rồi.

Thấy tôi ngẩn ngơ đứng hoài chẳng chịu lên xe, anh cháu vỗ vai thì thầm: Yên tâm, chú sẽ còn về đây hoài hoài, ăn biết bao nhiêu mùa bơ, mùa mít nữa ấy chứ. Tôi bật cười: Chú chỉ mong còn sống mà được ăn mùa trái bói thôi cháu ạ. Khi tôi nói câu đó, trong lòng tôi đã ý thức được rất rõ sự vô thường của đời người, có đó rồi mất đó. Nhưng không sao, chỉ cần những cái cây còn xanh tốt thì chúng sẽ nhắc cho con cháu đời sau nhớ về những người đi trước, những người đã trồng cây cho hôm nay chúng nó hái trái. Vậy là đủ hạnh phúc rồi.

PHAN VỸ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tánh Linh: Lốc xoáy làm tốc mái 5 ngôi nhà
Vào khoảng 17 giờ 30 chiều ngày 17/5, một cơn mưa lớn kéo dài khoảng một giờ đồng hồ trên địa bàn huyện Tánh Linh, trong cơn mưa bất ngờ xuất hiện một luồng lốc xoáy đã làm tốc mái hoàn toàn một nhà và 4 căn nhà bị tốc mái một phần, mái vòm, sập tường tại địa bàn thôn 2 và thôn 3 xã Suối Kiết. Ước tổng thiệt hại khoảng 113 triệu đồng
Nổi bật
Cử tri thị trấn Thuận Nam kiến nghị đầu tư thêm hệ thống nước sinh hoạt
BTO-Trong khuôn khổ Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bình Thuận tiếp xúc cử tri tại huyện Hàm Thuận Nam, chiều nay 6/5, ông Nguyễn Hữu Thông, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục tiếp xúc cử tri thị trấn Thuận Nam, thông báo chương trình nội dung kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở (Nông nghiệp & PTNT, Giao thông Vận tải, Lao động Thương binh & Xã hội), lãnh đạo UBND huyện Hàm Thuận Nam và thị trấn Thuận Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trồng cây