Theo dõi trên

Trực tuyến toàn quốc về phòng chống thiên tai:  Phòng là chính, chỉ đạo từ sớm, từ xa

25/04/2022, 14:40

Sáng 25/4, Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022 đã diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai (PCTT), Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN). 

Hội nghị được kết nối trực tuyến với hơn 700 điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và UBND cấp quận, huyện. Tại điểm cầu UBND tỉnh Bình Thuận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phong chủ trì, cùng sự tham dự của một số sở, ban, ngành.

z3366600631940_7bb250caa2f541f4ebf570381844c24f.jpg
Điểm cầu tại UBND tỉnh Bình Thuận

Theo Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và TKCN, trong năm 2021 cả nước đã xảy ra 18/22 loại hình thiên tai, trong đó có 12 cơn bão, áp thấp nhiệt đới; 326 trận dông, lốc, mưa lớn, 170 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất, 139 trận động đất và 403 điểm sạt lở nguy hiểm… Hậu quả đã làm 108 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế trên 5.200 tỷ đồng. Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra từ đầu năm 2022 đến nay ước tính lên tới 2.400 tỷ đồng.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, năm 2022 có khả năng xuất hiện bão mạnh trái quy luật và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông. Lượng mưa có xu hướng gia tăng, gây ra hiện tượng mưa cực đoan.

image(1).jpeg
Thiên tai xảy ra tại Bình Thuận

Riêng tại Bình Thuận, trong năm qua tình hình khí tượng thủy văn (KTTV) diễn biến ít phức tạp hơn với những năm trước. Tuy nhiên các hiện tượng KTTV nguy hiểm như dông sét, mưa lớn cục bộ, nắng nóng, gió mạnh trên biển đã gây ảnh hưởng nhất định đến đời sống dân sinh cũng như phát triển kinh tế ở địa phương. Đến hết tháng 12/2021, khu vực vùng biển Bình Thuận xảy ra nhiều đợt sóng lớn, gió mạnh gây khó khăn cho giao thông, khai thác và nuôi trồng thủy hải sản trên biển. Đặc biệt, gây sạt lở bờ biển, ảnh hưởng nghiêm trọng đến dân sinh-kinh tế tại các địa phương như Tuy Phong, sụt lún kè Đồi Dương (TP.Phan Thiết)...Tổng giá trị thiệt hại toàn tỉnh năm 2021 khoảng 93, 290 tỷ đồng.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đánh giá, thiệt hại do thiên tai năm 2021 giảm đáng kể so với năm 2020. Nguyên nhân chủ quan là sự chỉ đạo, lãnh đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ ngành, cơ quan, các địa phương và toàn hệ thống chính trị cơ sở. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Trong đó, công tác dự báo thiên tai tuy có nhiều cố gắng nhưng chưa đảm bảo được yêu cầu. Việc đầu tư khắc phục hậu quả thiên tai còn chậm; công tác vận hành hồ chứa còn bất cập, sự phối hợp thông tin giữa thượng nguồn, hạ nguồn, tỉnh- huyện chưa tốt, kịp thời…

Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, dự báo thiên tai ngày càng khó lường, cực đoan. Do đó, nhiệm vụ phòng chống thiên tai năm 2022 và những năm tiếp theo rất phức tạp. Phó Thủ tướng yêu cầu các cấp bộ, ngành, địa phương tập trung đổi mới, nâng cao năng lực công tác theo dõi dự báo thiên tai. Đây là công việc rất khó, đòi hỏi trách nhiệm, đầu tư nguồn lực. Mặt khác, chúng ta phải xác định phương châm “phòng là chính, chỉ đạo từ sớm, từ xa” và phải triển khai ngay trên cả nước.

Phải nâng cao chất lượng tham mưu, ứng phó tình huống khi thiên tai xảy ra. Trong đó, vai trò của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cấp cơ sở rất quan trọng. Bên cạnh, cần có lực lượng phòng chống thiên tai chuyên nghiệp; đẩy mạnh công nghệ thông tin, tuyên truyền phổ biến kiến thức, lồng ghép phòng chống thiên tai ở các địa phương. Song song, cần quan tâm đầu tư nâng cấp đê điều, hồ đập, đầu tư trang thiết bị đê điều. Cần triển khai thực hiện tốt các chỉ thị về phòng chống thiên tai của Ban Bí thư, nghị quyết, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về PCTT.

KIỀU HẰNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Phổ biến, hướng dẫn phòng chống thiên tai, lụt bão năm 2022
BTO - Mới đây tại TP. Phan Thiết, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh phối hợp với Viện Khoa học công nghệ - Bộ Xây dựng tổ chức lớp tập huấn phổ biến và hướng dẫn phòng chống thiên tai năm 2022. Tham dự tập huấn có trên 300 đại biểu là cán bộ quản lý, lực lượng chuyên trách làm công tác PCTT và TKCN từ cấp tỉnh đến cấp xã, cùng các đối tượng khác trong cộng đồng quan tâm đến công tác PCTT.
Nổi bật
Triển khai các giải pháp thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công từ tháng đầu tiên năm 2025
BTO-Chiều 3/1, đồng chí Nguyễn Hoài Anh -ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đồng chí Đoàn Anh Dũng- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chủ trì cuộc họp đánh giá tình hình thực hiện dự toán thu, chi ngân sách nhà nước và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, đồng thời thảo luận giải pháp triển khai trong tháng 1/2025.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trực tuyến toàn quốc về phòng chống thiên tai:  Phòng là chính, chỉ đạo từ sớm, từ xa