Theo dõi trên

Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai năm 2023: Từ ứng phó đến hành động sớm

22/05/2023, 05:33

Ngày 13/2/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 173/QĐ-TTg, từ ngày 15 đến 22/5 hàng năm làm Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai với mục đích nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, người dân trong công tác phòng, chống thiên tai.

Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày truyền thống Phòng, chống thiên tai Việt Nam (22/5/1946 – 22/5/2023), phóng viên Báo Bình Thuận đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hùng Tân (ảnh) – Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh xung quanh vấn đề này!

z4363027954491_5e86cb6e47a1844725e803899cdddd04.jpg
Ông Nguyễn Hùng Tân - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh.

Chào ông! được biết chủ đề Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai năm 2023 là: “Từ ứng phó đến hành động sớm”. Ông có thể nói rõ ý nghĩa của chủ đề này và các hoạt động hưởng ứng tại Bình Thuận những ngày qua?

Hiện nay, yêu cầu bảo đảm an toàn trước thiên tai của xã hội ngày càng cao trong bối cảnh quy mô dân số và nền kinh tế tăng nhanh. Những thách thức đặt ra đối với công tác phòng, chống thiên tai rất lớn, nhất là khi tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng làm cường độ thiên tai trung bình có xu thế gia tăng, tần suất thiên tai lớn xuất hiện dày hơn, xuất hiện nhiều đợt thiên tai cực đoan trái so với quy luật trước đây. Vì vậy, từ ứng phó đến hành động sớm là việc làm thực sự cần thiết. Qua đó, nhận biết được loại thiên tai sắp xảy ra để hành động sớm, dựa vào cảnh báo sớm để thông báo kịp thời đến người dân và các cấp chính quyền, chỉ đạo quyết liệt để phòng tránh ngay từ những giờ đầu...

Với chủ đề của năm 2023 “Từ ứng phó đến hành động sớm” nghĩa là các cơ quan quản lý nhà nước cùng người dân, doanh nghiệp cần phải có sự chuẩn bị đầy đủ về các phương án ứng phó, lực lượng, phương tiện, vật tư và hậu cần để ứng phó với từng loại thiên tai. Đồng thời cần có sự chỉ đạo, phối hợp, hiệp đồng nhịp nhàng từ Trung ương đến địa phương, chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống thiên tai có thể xảy ra trên cơ sở những thông tin cảnh báo, dự báo thiên tai của ngành Khí tượng thủy văn. Hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai năm 2023 tại Bình Thuận với mục tiêu nâng cao tinh thần trách nhiệm của các sở, ngành, đơn vị, địa phương và người dân trong cộng đồng; sẵn sàng các phương án ứng phó với thiên tai, đặc biệt là trong mùa mưa, bão năm 2023. Đồng thời, tăng cường thông tin, truyền thông nhằm nâng cao hiểu biết, năng lực, kỹ năng nhằm chủ động phòng ngừa, ứng phó với thiên tai của người dân trong cộng đồng; treo pano, băng rôn với các khẩu hiệu tuyên truyền hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai tại trụ sở làm việc.

z4363034177396_de4e05635d6a954e709e1f5bbcbb6555.jpg
Thiên tai gây ngã đổ cây cối.

Hiện nay Bình Thuận đang bước vào giai đoạn chuyển mùa, với dự báo diễn biến thời tiết phức tạp khó lường, nhất là hiện tượng El nino vào giữa cuối năm 2023. Ông có thể nhận định nguy cơ xảy ra thiên tai từ nay đến cuối năm?

Theo nhận định, tình hình thời tiết, thủy văn năm 2023 ở nước ta nói chung và Bình Thuận nói riêng sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường do tác động cực đoan của biến đổi khí hậu. Bão và áp thấp nhiệt đới năm 2023 trên khu vực biển Đông có khả năng tương đương với trung bình nhiều năm (khoảng 10-12 cơn). Dự báo lượng mưa các khu vực trong tỉnh ở mức xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Đặc biệt, nguy cơ xảy ra thiên tai từ nay đến cuối năm có thể có các loại hình như mưa với tần suất lớn gây ngập lụt trên diện rộng. Ngoài ra, bão mạnh đổ bộ trực tiếp vào khu vực Bình Thuận, (bão hoạt động nhiều hơn từ tháng 8 – 10 và giảm dần từ tháng 11/2023); lũ ngập lụt trên diện rộng và mưa to kèm dông sét cục bộ, với gió giật mạnh; hạn hán thiếu nước có thể xảy ra vào cuối mùa mưa.

z4363040670110_7aea74cc79e9837bcc6ad42ad67bbc69.jpg
Lốc xoáy gây tốc mái nhà dân.

Việc chủ động phòng ngừa thiên tai cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, nhất là ý thức chủ động của người dân. Ông có thể cho biết những việc cần “hành động sớm” trong năm 2023?

Trước những thách thức của thiên tai hiện nay, các ngành, địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống thiên tai. Qua đó, nhằm tạo ra chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu cũng như người dân, cộng đồng. Trong đó, tập trung ưu tiên thực hiện tốt các giải pháp: Chủ động thực hiện tốt phòng ngừa thiên tai, nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Chủ động rà soát, lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện kiểm soát an toàn thiên tai; điều chỉnh cơ cấu sản xuất phù hợp với khả năng, xu thế diễn biến thiên tai và điều kiện của từng vùng, từng địa phương. Nâng cao năng lực của toàn xã hội, nhất là của chính quyền các cấp, cộng đồng doanh nghiệp, người dân. Người dân chủ động thực hiện phòng, chống thiên tai với sự hỗ trợ về thông tin cảnh báo, chỉ dẫn phòng, tránh của chính quyền các cấp. Song song, chủ động ứng phó với mọi tình huống thiên tai trên cơ sở chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó với các kịch bản có thể xảy ra, trong đó có phương án ứng phó với lũ lớn, với bão mạnh, siêu bão, hạn hán thiếu nước kéo dài. Mặt khác, thường xuyên kiện toàn tổ chức bộ máy phòng, chống thiên tai, bảo đảm tính chuyên nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật.

Xin cảm ơn ông!

KIỀU HẰNG (THỰC HIỆN)


(0) Bình luận
Bài liên quan
Bắc Bình: Đề nghị hỗ trợ nông dân bị thiệt hại do thiên tai
Ngày 31/10, UBND huyện Bắc Bình đã có báo cáo tổng hợp về tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn trong tháng 9/2022, với tổng giá trị thiệt hại ước tính gần 2,7 tỷ đồng.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai năm 2023: Từ ứng phó đến hành động sớm