Nguy cơ thiên tai ở vùng ven biển
Huyện Tuy Phong có đến 8/11 xã, thị trấn giáp biển. Toàn huyện có khoảng 3.000 tàu cá. Địa hình của Tuy Phong phức tạp, bao gồm cả rừng núi, đồng bằng, ven biển và biển đảo. Đáng nói, những năm gần đây thiên tai xảy ra ngày càng gia tăng, bất thường, mức độ tàn phá ngày càng ác liệt và không theo quy luật nhất định. Sự biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay diễn ra nhanh hơn so với dự báo, là một trong những thách thức lớn. Trong đó, Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, đặc biệt là nước biển dâng, hạn hán, bão, lũ…
Riêng tại huyện Tuy Phong, với chiều dài hơn 50km bờ biển, hàng năm địa phương chịu ảnh hưởng gián tiếp của nhiều cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào khu vực lân cận, uy hiếp đến các khu dân cư, phá hủy công trình kiến trúc, cơ sở hạ tầng kinh tế, nhà cửa, gây thiệt hại lớn đến sản xuất nông – lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản... Diễn biến thiên tai ngày càng bất thường, phức tạp và dồn dập với nhiều loại hình xảy ra, ảnh hưởng trên phạm vi rộng và gây hậu quả lớn mà phải mất nhiều năm chúng ta mới có thể khắc phục được. Nhất là với vùng ven biển, nhiều đợt sóng to, gió mạnh kết hợp triều cường gây sạt lở bờ biển, hư hại tàu thuyền của ngư dân. Đơn cử cuối tháng 12/2021, bão số 9 trùng với thời điểm triều cường đã đánh chìm 5 tàu thuyền, 3 chiếc thuyền khác bị sóng đánh dạt vào bờ gây hư hỏng nặng, ước giá trị thiệt hại khoảng 1,3 tỷ đồng.
Phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ”
Ông Nguyễn Trung Trực - Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong cho biết, tại địa phương có nguy cơ xảy ra các sự cố, thảm họa như vỡ đê bao bãi xỉ tại Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, sự cố tràn dầu, tàu thuyền bị va đập, hư hỏng hay bị đâm va chìm trên biển... Do đó, chúng tôi xác định phòng chống thiên tai là nhiệm vụ của mọi người và của toàn xã hội. Hiện nay, địa phương chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng trong các lĩnh vực phòng tránh, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ” và “Tổ nhân dân tự quản” ở các địa phương. Nâng cao nhận thức, hiểu biết và năng lực tự phòng ngừa của mỗi người dân trong cộng đồng. Mặt khác hướng dẫn, phổ biến kỹ thuật chằng, chống nhà cửa và xây dựng mới ở những nơi thường hay xảy ra thiên tai, lũ, bão, sét, ngập lụt... Hàng năm huyện rà soát, bổ sung, điều chỉnh kế hoạch di dời, sơ tán dân khi có bão, ATNĐ đổ bộ, hoặc khi có lũ, ngập lụt, xác định các vùng xung yếu, vùng ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai, vùng hạ du ảnh hưởng của xả lũ công trình hồ chứa nước để lập kế hoạch hợp lý. Xây dựng lực lượng, chuẩn bị phương tiện, vật tư dự phòng, kinh phí và tuyên truyền đến từng hộ gia đình, người dân về phương án di dời dân cư ở các vùng ảnh hưởng của thiên tai.
Riêng UBND các xã, thị trấn chủ động rà soát, kiểm tra và chuẩn bị các mặt hàng thiết yếu như gạo, mì tôm, nước uống đóng chai, dầu thắp sáng, bao cát... Khi có thiên tai xảy ra sẽ chủ động để đảm bảo về đời sống, sinh hoạt cho nhân dân, tự chủ động xử lý, ứng phó, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả nhanh, đạt hiệu quả. Các xã ven biển xây dựng kế hoạch bảo đảm an toàn cho ngư dân và bố trí neo đậu tàu thuyền, phương án di dời tàu thuyền. Kiểm tra, quản lý hiệu quả các tàu thuyền hoạt động trên biển, nhất là tàu thuyền đánh bắt xa bờ. Bên cạnh việc phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng chống thiên tai, huyện Tuy Phong cũng đề xuất cấp trên, bố trí vốn, triển khai xây dựng một số đoạn kè bảo vệ bờ biển, như: Kè biển xã Bình Thạnh, Liên Hương, Phan Rí Cửa, Chí Công, Vĩnh Tân, Vĩnh Hảo, Phước Thể.