Theo nhận định, đây là cơn bão có cường độ rất mạnh, tốc độ di chuyển nhanh. Dự báo từ ngày 26/ 9, bão gây gió mạnh, sóng lớn trên vùng biển giữa và Bắc biển Đông.
Chiều tối ngày 27/ 9 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ven biển và đổ bộ vào đất liền khu vực Trung Bộ, trọng tâm là từ Quảng Trị đến Bình Thuận, gây gió mạnh, mưa lớn.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Bình Thuận, nhất là huyện đảo Phú Quý, bảo đảm an toàn về người, tài sản và các phương tiện hoạt động trên biển, phòng tránh gió mạnh, sóng lớn, triều cường gây sạt lở bờ biển, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, sở, ngành, đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa, lũ, ngập lụt. Phân công lãnh đạo, triển khai lực lượng xuống các địa bàn trọng điểm để trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác ứng phó tại cơ sở từ 9 giờ ngày 26/9.
Về bảo đảm an toàn tàu thuyền, lồng bè, UBND tỉnh đề nghị các địa phương ven biển theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến, hướng di chuyển của bão; tình hình gió mạnh, sóng lớn, triều cường, sạt lở bờ biển. Phối hợp với các đồn biên phòng trong khu vực, thông báo cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển, khu vực ảnh hưởng của bão để phòng tránh hoặc di chuyển về nơi tránh trú an toàn.
Chỉ đạo và phối hợp với ban quản lý cảng, khu neo đậu tránh trú bão, tạo điều kiện cho tàu cá, phương tiện vận tải, thuyền viên các địa phương khác vào tránh trú bão. Bộ Chỉ huy đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận, Sở Nông nghiệp và PTNT và các địa phương ven biển gồm Tuy Phong, Bắc Bình, Phú Quý, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, thị xã La Gi và TP. Phan Thiết theo dõi, kiểm đếm và quản lý chặt chẽ việc ra khơi hoạt động của các tàu, thuyền, phương tiện vận tải.
Đồng thời, hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại các khu neo đậu, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn về người, tài sản, lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển.
UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 4 (Noru); sẵn sàng triển khai phương án ứng phó với bão, nhất là vùng cửa sông, ven biển, vùng nguy cơ ngập cao, vùng bị sạt lở để chủ động sơ tán người dân ra khỏi nơi nguy hiểm.
Bảo vệ sản xuất, bảo vệ người dân, công trình trọng điểm, xung yếu, công trình đang thi công, sửa chữa. Song song, bố trí lực lượng, vật tư, máy móc, thiết bị để sẵn sàng ứng phó, xử lý tình huống. Riêng Sở Giáo dục và đào tạo triển khai các biện pháp an toàn cho giáo viên và học sinh, cơ sở giáo dục trước, trong và sau bão…
Theo tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lúc 16 giờ ngày 25/9, vị trí tâm bão Noru ở khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc; 122,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông đảo Lu-Dông (Philippin). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15 (150 -183 km/giờ), giật trên cấp 17. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào Biển Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.