Theo dõi trên

Về Hàm Thuận Nam nghe chuyện được mùa tôm, cá

20/09/2023, 06:13

Đang vào chính vụ cá nam, nhưng hầu hết ngư dân trong tỉnh than thở sản lượng không bằng mọi năm. Ấy vậy mà, ở 3 xã ven biển huyện Hàm Thuận Nam, câu chuyện trúng mùa khiến nhiều người tò mò và ao ước…

Lộc biển

Thông tin ấy đã thôi thúc tôi về vùng biển xinh đẹp phía Nam của tỉnh những ngày đầu tháng 9, nơi có ngọn Hải đăng Kê Gà cổ nhất nước với tuổi đời hơn 125 năm. Vùng biển Thuận Quý hôm ấy êm như tờ, những gợn sóng nhỏ tấp vào bờ nhẹ tênh, dễ chịu, thong dong như tâm hồn của những ngư dân nơi đây sau nhiều đêm đánh bắt bội thu. Các ghe thúng tập trung nhộn nhịp sau 1 đêm đánh bắt, ai cũng vui cười rạng rỡ bởi sau nhiều năm “biển đói”, năm nay họ mới có lại cảm giác “lộc” biển mang lại. Câu chuyện được mùa cá tôm rộn ràng khắp các quán cà phê dọc bờ biển, nhà ai cũng “trúng đậm” ngay thời điểm vào năm học mới, nên đỡ gánh nặng chi phí học hành cho nhiều gia đình làm nghề biển nơi đây.

Anh Nguyễn Quang Thái (thôn Thuận Thành) là một trong nhiều ngư dân nơi vùng biển này không giấu được niềm vui hơn 10 năm gắn bó với nghề, chia sẻ: “Năm nay, vùng biển Hàm Thuận Nam tôm, cá tìm về trú ngụ nhiều lắm. Hơn 2 tháng nay, thúng tôi đi tầm 3 - 5 triệu đồng/ngày, có ngày được 9 - 10 triệu đồng, thu nhập gấp 10 lần so với trước đây, ghe thúng nào cũng trúng, nên ngư dân ham lắm, tranh thủ đi hàng ngày. Ngoài mực, cá thông thường, nhiều loài “biệt tăm” gần chục năm nay mới có lại như cá ngân, vẹm, dòm nâu, đặc biệt tôm hùm, tôm bạc có giá trị kinh tế cao đã xuất hiện trở lại…”. Không riêng gì anh Thái, anh Ninh, anh Chính… ở Thuận Quý đều “khoe” như một niềm hãnh diện khi ai hỏi tới.

z4685595224751_5eb6f58551159b8ab02fc7762616c4aa.jpg
Đội lặn phải kiểm tra từng cụm chà sau khi được thả xuống biển.

Khi tôi hỏi các anh có biết lý do vùng biển mình tại sao được mùa không? Họ bảo biết chứ, nhờ địa phương đang thực hiện mô hình đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi hải sản. Họ còn biết rõ, mô hình này xuất phát từ chính ý tưởng, đề xuất của ông Phạm Cường và Nguyễn Nùng - những ngư dân tâm huyết tại xã Thuận Quý. Thấy nguồn lợi dần cạn kiệt, năm 2008, hai cậu cháu làm đơn gửi ngành chức năng xin giao vùng biển để bảo vệ, khoanh dưỡng, tổ chức khai thác hợp lý nguồn lợi sò lông. Tuy nhiên, ý tưởng ấy quá mới mẻ, nên chưa thể triển khai. Hơn 30 năm bám biển, ông Nguyễn Nùng - Hội phó Hội Cộng đồng quản lý sò lông Thuận Quý thuộc vùng biển như lòng bàn tay.

Ông Nùng cho biết: “Thiên nhiên ban tặng cho vùng biển này rất phong phú về thủy sản, sò lông, sò điệp, tu hài và các loại nhuyễn thể nhiều vô cùng. Nhưng do ngư dân khai thác kiểu tận diệt, nên nguồn lợi theo từng năm mất dần, khiến ngư dân bỏ thúng lên bờ. Từ năm 2015, Hội Nghề cá tỉnh xây dựng “Mô hình thí điểm đồng quản lý sò lông góp phần quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lợi thủy sản và bảo vệ hệ sinh thái ven biển tại xã Thuận Quý” – là mô hình đầu tiên trong cả nước, như một sự thử thách cho ngư dân Thuận Quý”.

Để mô hình ra đời, ông Huỳnh Quang Huy – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh kể: “Từ lá đơn của ngư dân Thuận Quý, chúng tôi cũng ấp ủ thực hiện dự án, nhưng lúc ấy chưa có pháp lý, hướng dẫn nào rõ ràng về mô hình này. Sau rất nhiều buổi gặp gỡ trao đổi, tuyên truyền, thuyết phục, nhiều ngư dân chấp nhận thực hiện, dù chẳng có kinh phí hỗ trợ nào. Song song đó, chúng tôi phải làm rất nhiều văn bản giải trình, phản biện cả cấp tỉnh và cấp huyện, gian nan lắm thì mô hình thí điểm này mới nên hình nên dáng và duy trì đến hôm nay”.

Làng biển hồi sinh

Sau khi dự án ra đời, Hội Cộng đồng ngư dân xã Thuận Quý bắt tay vào thực hiện ngay, tổ chức thi công và thả 10 cụm điểm theo phương pháp lồng đá, mỗi lồng có trọng lượng khoảng 6 - 10 tấn. Riêng năm 2018, Hội Cộng đồng Thuận Quý tiếp tục thả 7 cụm điểm, trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 50% và cộng đồng đối ứng 50%. Từ những kết quả mang lại của dự án, trong năm đó, Chương trình UNDP/GEF SGP tiếp tục tài trợ thực hiện nhân rộng cho 2 xã Tân Thành, Tân Thuận. Có sự tiếp sức, hoạt động thả rạn nhân tạo được người dân tăng cường triển khai nhằm đánh dấu vùng biển thực hiện đồng quản lý, ngăn chặn hoạt động của các nghề cấm nhất là lưới kéo, lờ dây, tạo nơi sinh sống, sinh sản cho nguồn lợi thủy sản. Đặc biệt, tại xã Tân Thuận đã xây dựng và vận hành được mô hình “Đội giám sát cộng đồng IUU” với hơn 50 thành viên tham gia.

Tính đến nay, Hội Cộng đồng ngư dân 3 xã đã thả xuống biển hơn 60 cụm chà. “Từ những khối bê tông được thả cố định, ngư dân sẽ cột thêm những cội chà kết từ lá dừa từ điểm này sang điểm khác tạo thành “mái nhà” có bóng mát, làm nơi cho cá tôm vào trú ngụ, sinh sản. Bên cạnh đó, các Hội Cộng đồng ngư dân đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các thành viên trong quá trình đánh bắt theo dõi, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ vùng biển đã đánh dấu, nhờ đó môi trường sống của các loài thủy sản dần được hồi sinh, ngư dân mới có cơ hội “trúng mùa” như năm nay”, ông Đồng Văn Triễm – Hội trưởng Hội Cộng đồng ngư dân xã Thuận Quý chia sẻ. Vào năm 2020, các hoạt động của dự án tài trợ đã kết thúc, tuy nhiên nhìn thấy hiệu quả từ mô hình đồng quản lý mang lại, nên UBND huyện Hàm Thuận Nam đã quyết định duy trì và phát triển mô hình này giai đoạn 2020 – 2025, công nhận và giao quyền mặt nước biển trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho các Hội Cộng đồng ngư dân, trong đó, Thuận Quý là 16,5 km2, Tân Thành là 9,2 km2 và Tân Thuận là 17,7 km2.

“Phải nhìn nhận từ sau khi mô hình đưa vào triển khai, làng biển nơi đây hồi sinh mạnh mẽ, nhiều ngư dân bỏ biển đã trở lại với nghề, số lượng thuyền thúng tăng lên nhiều, ai cũng phấn khởi sau những chuyến biển đầy ắp cá, tôm. Minh chứng rõ nhất là họ tự nguyện xin gia nhập vào Hội Cộng đồng ngư dân, tự đóng góp kinh phí để làm chà”, ông Phan Văn Ba – Hội trưởng Hội Cộng đồng ngư dân xã Tân Thành chia sẻ thêm.

“Có lẽ, cái được lớn nhất mà dự án mang lại là đã làm thay đổi suy nghĩ, nhận thức của người dân một cách rõ nét. Hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản, cạnh tranh mâu thuẫn trong khai thác tại vùng biển áp dụng đồng quản lý đã được hạn chế và giảm thiểu đáng kể, nhất là vi phạm của nghề giã cào bay, nghề lưới kéo, lặn trái phép, sử dụng nghề/ngư cụ cấm… Từ một vài hộ dân đăng ký ban đầu, đến nay đã kết nạp được 288 hộ, tự huy động đóng góp được hơn 210 triệu đồng để xây dựng nguồn quỹ duy trì sinh hoạt và tổ chức các hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đặc biệt nhất, từ thí điểm thành công, mô hình đã được luật hóa theo quy định tại điều 10, Luật Thủy sản năm 2017 với quy định về đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, mới được Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành hướng dẫn thực hiện”, ông Huỳnh Quang Huy - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết thêm.

Mùa cá nam vẫn còn, kéo dài đến hết tháng 9 ÂL, vì thế 3 làng chài ven biển nơi Kê Gà vẫn rộn ràng, nhộn nhịp buổi sáng mai. Hơn 500 ghe thúng toàn huyện hoạt động ven bờ, dường như đã tăng lên gấp đôi, bởi câu chuyện Hàm Thuận Nam được mùa cá tôm đã lan truyền khắp tỉnh, không chỉ là niềm vui, còn là niềm tự hào sau bao năm những ngư dân nơi đây nhọc nhằn ra sức bảo vệ, giữ gìn nguồn lợi cho con cháu đời sau.

z4685597519116_f2e94cd9b6fcaec60dd9f4f38ea37c11.jpg
Nhân viên Chi cục Thủy sản cùng ngư dân khảo sát vùng biển thực hiện mô hình đồng quản lý.

Dù các thành viên trong hội hoạt động không thù lao, nhưng mô hình này đem lại hiệu quả thiết thực, giúp nguồn lợi thủy sản trong vùng tăng lên, thu nhập của ngư dân cải thiện đáng kể. Đây sẽ là một trong những yếu tố cốt lõi để người dân nhìn nhận, ủng hộ chủ trương của Nhà nước. Do đó, ngành chức năng sớm tổng kết, đánh giá mô hình để có cơ sở nhân rộng mô hình này đến các địa phương có biển khác" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải chỉ đạo tại buổi khảo sát và làm việc với Hội Cộng đồng ngư dân 3 xã mới đây.

GHI CHÉP: MINH VÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Nhân rộng mô hình đồng quản lý sò lông
 BTO- Sau 3 năm thực hiện thí điểm mô hình đồng quản lý sò lông trên diện tích 16,5km2 tại vùng biển xã Thuận Quý bước đầu hiệu quả: Nguồn lợi sò lông được phục hồi, mật độ tại thời điểm cao nhất đạt khoảng 150 con/m2, thời điểm đạt thấp nhất khoảng 10 con/m2. Khi nguồn sò lông được phục hồi sẽ tạo thu nhập ổn định đối với ngư dân từ hoạt động khai thác. Bên cạnh đó, xuất hiện trở lại nhiều tôm hùm con, cá ngựa trong vùng dự án, sản lượng mực, một số loại cá có sự gia tăng đáng kể. Các bãi ốc ruốc con, ốc tỏi, sò nước... xuất hiện và sinh sản, nền đáy biển ít bị cào xới, tàn phá do hoạt động của nghề giã cào kéo qua. Thực hiện mô hình góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò hệ sinh thái biển, giảm được hành vi vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản như: khai thác không đúng kích cỡ, mùa vụ, sử dụng xung điện, chất nổ và hoạt động sai tuyến giã cào… Từ hiệu quả của mô hình, dự kiến mô hình sẽ tiếp tục nhân rộng ở vùng biển các xã Tân Thuận và...
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Về Hàm Thuận Nam nghe chuyện được mùa tôm, cá