Theo dõi trên

Vi nhựa, rác thải nhựa: Nguy cơ ô nhiễm đa dạng sinh học biển

17/12/2020, 08:39

BT- Hội thảo ảnh hưởng của vi nhựa và rác thải nhựa đến đa dạng sinh học ven biển Bình Thuận do Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh tổ chức mới đây được sự quan tâm của nhiều người bởi vấn đề nan giải này. 

                
   Chung tay dọn dẹp rác thải ven biển. Ảnh:    Đ.Hòa

Theo các nhà khoa học, mỗi năm tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt của cả nước gần 16 triệu tấn. Riêng lượng rác thải nhựa thải ra môi trường mỗi ngày gần 18.000 tấn, nước ta nằm trong số 5 quốc gia thải rác hàng đầu ra biển, với khối lượng khoảng 1,8 triệu tấn mỗi năm. Với tốc độ sử dụng đồ nhựa túi ni lon như hiện nay, Việt Nam được xếp vào nước có số lượng rác nhựa thải ra gấp đôi so với các nước có thu nhập thấp. Rác thải nhựa ở đại dương sẽ phá hủy môi trường tự nhiên, ảnh hưởng tiêu cực đến các loại thủy, hải sản…

Tại Bình Thuận, theo thống kê của Sở Tài nguyên & Môi trường, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị trên địa bàn tỉnh 1.485 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom mới đạt 63,76%, chất thải rắn sinh hoạt khu vực nông thôn 560 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom 58,6%. Một phần rác thải nhựa trong số ấy chưa thu gom hết đã ảnh hưởng môi trường sông, biển. Nhất là các khu vực ven biển, bờ kè, bến đò dân cư đông đúc, lượng rác thải hàng ngày nhiều, cộng với việc một số người dân thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, rác thải vứt tràn lan. Cùng với rác thải từ hoạt động của ngư dân trên biển theo con nước thủy triều tấp vào bờ, tạo nên mùi hôi, ảnh hưởng môi trường xung quanh, hoạt động du lịch…

Các đại biểu đã đề xuất một số giải pháp xử lý rác thải nhựa cho Bình Thuận như: phân loại thu gom rác thải đầu nguồn để xử lý, chuyển đổi sang phát triển các sản phẩm sử dụng từ nhựa sinh học, chuyển rác thải biến thành năng lượng, tận dụng rác thải nhựa gia công làm vật liệu xây dựng, chế tài trong vi phạm môi trường… Đồng thời các địa phương vận động nhân dân, khách du lịch bảo vệ môi trường ven biển. Các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn (ĐH Phan Thiết, Cao đẳng Cộng đồng Bình Thuận…), cơ sở giáo dục đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền để mỗi sinh viên, học sinh là một “đại sứ” bảo vệ môi trường. Mỗi sinh viên là một tuyên truyền viên cho chính gia đình, bạn bè, người thân và nhân dân về ý thức bảo vệ môi trường, chung tay làm sạch bãi biển… Đồng thời kiến nghị UBND TP. Phan Thiết xem xét tăng tỷ lệ diện tích mặt sông vớt rác trên sông Cà Ty để mở rộng việc thu gom, hạn chế rác thải mặt sông; cũng như phương án xử lý rác biển khu vực Hàm Tiến - Mũi Né của đơn vị chuyên trách là Công ty Thái Hải Phượng.

Cùng với đó, các chuyên gia lĩnh vực môi trường cũng đề nghị chính quyền các địa phương có biển cần tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào, chiến dịch thu gom, làm sạch bãi biển quy mô quốc gia, địa phương và cộng đồng cư dân ven biển ít nhất mỗi năm 2 lần. Trong đó, cần lưu ý việc bố trí các thiết bị lưu chứa và các địa điểm tập kết chất thải, rác thải nhựa phù hợp, an toàn, thuận lợi, bảo đảm mỹ quan và vệ sinh môi trường. Huy động sự tham gia tích cực hơn nữa của người dân trên địa bàn trong thu gom; đồng thời khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động thu gom, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa ở các lưu vực sông, khu vực các hệ sinh thái ven biển. Vận động nhân dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa đại dương.

T.Khoa



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vi nhựa, rác thải nhựa: Nguy cơ ô nhiễm đa dạng sinh học biển