Theo dõi trên

Vì sao gia tăng các vụ thanh thiếu niên hỗn chiến?

06/04/2022, 10:16

Cảnh những nhóm thanh thiếu niên cầm dao, kiếm tự tạo, rượt đuổi, đâm chém nhau loạn xạ, gây náo loạn trên đường phố, khiến nhiều người phải rùng mình kinh sợ.

Từ sau khi dỡ bỏ giãn cách xã hội, trở lại bình thường mới, lực lượng công an liên tiếp phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vụ hỗn chiến, có vụ lên đến hàng trăm đối tượng tham gia. Rất nhiều người đã chết, bị thương tích nặng, hoặc bị tù tội, sau những vụ hỗn chiến kinh hoàng ấy. Chưa kể tình trạng mất an ninh trật tự công cộng khiến người dân và du khách bất an, lo lắng, đóng cửa sớm, không dám ra đường vào ban đêm.

www-baobinhthuan-com-vn_congan(1).jpg

Công an Phan Thiết Ngăn chặn kịp thời băng nhóm mang hung khí chuẩn bị hỗn chiến. Ảnh tư liệu.

Ở Bình Thuận, hồi tháng 5/2021, hai nhóm thanh niên do mâu thuẫn thắng, thua trong cá độ bóng đá, nên hẹn gặp nhau tại Phan Thiết để giải quyết. Rất may là khi chúng chưa kịp lao vào nhau ẩu đả thì công an đã ập vào tóm gọn, thu giữ nhiều gậy ba khúc, kiếm tự chế, dao phóng lợn.

Tháng 6/2021, Công an Phan Thiết cũng kịp thời ngăn chặn 2 nhóm thanh thiếu niên đang tụ tập lại, mang theo dao, kiếm, gạch đá và cả bom xăng để giải quyết mâu thuẫn với nhau trên mạng xã hội.

Đêm 27/2/2022, hai nhóm thanh niên ở thị trấn Đức Tài (Đức Linh) do mâu thuẫn tiền bạc trong lúc đánh bầu cua, nên hẹn nhau giáp chiến, kết quả 1 người tử vong.

Rạng sáng ngày 28/2/2022, Công an Phan Thiết cũng kịp thời ngăn chặn được nhóm khoảng 20 thanh niên đang tụ tập để giải quyết mâu thuẫn bằng hung khí, tại khu vực bờ kè Hưng Long, thu giữ nhiều dao, kiếm các loại…

Đó chỉ là điểm lại vài vụ việc ở Bình Thuận gần đây, nếu thống kê các vụ hỗn chiến giữa các băng nhóm thanh thiếu niên trên cả nước thì không thể kể hết. Vì sao nhiều người trẻ ngày càng hung hăng và hiếu chiến như vậy? Thay vì chọn cách nói chuyện, dàn xếp, thì dường như bạo lực là cách duy nhất để nói chuyện phải trái với nhau. Theo các chuyên gia tâm lý, nguyên nhân một phần do đặc điểm tâm lý lứa tuổi, thích thể hiện bản thân, tiếp xúc với nhiều điều tiêu cực trong xã hội và thiếu kỹ năng sống.

Tuy nhiên, dư luận cho rằng sâu xa là do sự xuống cấp đạo đức, văn hóa ứng xử trong xã hội ta. Một thực tế không thể phủ nhận là xu hướng sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn đang gia tăng: bạo lực từ trong gia đình, đến bạo lực trong học đường và bạo lực ngoài đường phố. Bạo lực cả trên mạng xã hội khi ai cũng có thể chửi mắng “ném đá hội đồng” người khác, mà chưa cần biết rõ đúng sai, già trẻ? Rất nhiều trường hợp chỉ xuất phát từ những chuyện rất vụn vặt như: chê bai nhau trên mạng xã hội, va quẹt trong giao thông, hay một ánh nhìn thiếu thiện cảm… là sẵn sàng lao vào nhau đâm chém dữ dội theo kiểu “bầy đàn”, bất chấp pháp luật và các hậu quả.

Nếu coi đạo đức là gốc thì việc ngăn chặn các vụ hỗn chiến kinh hoàng của các băng, nhóm thanh thiếu niên không phải là trách nhiệm của riêng lực lượng công an, mà của cả xã hội, của các gia đình và các nhà trường. Sinh thời, Bác Hồ luôn quan tâm tới công tác chăm sóc, giáo dục thanh thiếu niên, Người khẳng định: “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên”.

Cũng như một gia đình ngày một khá giả nhưng đạo đức suy đồi thì chưa hẳn đã hạnh phúc. Rất nhiều người Việt đang trăn trở: “Mong muốn kinh tế phát triển như ngày nay và đạo đức xã hội bằng ngày xưa”.

ĐẶNG DŨNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Lại điệp khúc “trồng - chặt”?
“Giá thanh long còn 500 - 1.500 đồng/kg, nông dân Bình Thuận ứa nước mắt”; “Thanh long 2.500 đồng/3kg không ai mua”; “Thanh long không bán được, nhà vườn điêu đứng”… Chỉ điểm qua vài cái tít trên các báo những ngày qua là hình dung được hoàn cảnh của người trồng thanh long ở Bình Thuận, khi sản phẩm không tiêu thụ được vì ảnh hưởng dịch Covid-19 từ năm 2021 tới nay.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao gia tăng các vụ thanh thiếu niên hỗn chiến?