Theo dõi trên

Xây dựng nông thôn mới năm 2023 ở Hàm Thuận Nam: 3 xã ven biển loay hoay với tiêu chí 17

10/11/2023, 05:38

Tiêu chí 17 trong xây dựng nông thôn mới có đến 12 tiểu tiêu chí. Trong khi các tiểu tiêu chí khác, 3 xã Tân Thuận, Tân Thành, Thuận Quý nỗ lực đạt được thì các tiểu tiêu chí liên quan đến nước sạch, cây xanh, việc triển khai cứ vướng mắc.

Bởi vì thiếu nước sạch

Khi Quyết định 318/CP có hiệu lực từ tháng 3/2022 thì 3 xã ven biển của huyện Hàm Thuận Nam đứng trước khó khăn về nước sạch đạt chuẩn. Đó là ở tiêu chí 17, tại mục 17.1 yêu cầu tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh theo quy chuẩn. ≥45%, trong đó ≥25% từ hệ thống cấp nước tập trung. Với dải đất ven biển này vừa xa khu trung tâm huyện vừa có mạch nước nhỉ từ những động cát nên nhiều năm qua, người dân đào, khoan giếng lấy nước sinh hoạt, thành ra chuyện đầu tư hệ thống nước máy   chưa có. Ai cũng thấy là do cách trở, suất đầu tư tăng, vốn nhà nước chưa phù hợp, vốn tư nhân không thu hút được do không có lợi nhuận, ngoại trừ Tân Thành. Thực tế đang cho thấy có sự phân hóa rõ ràng trong đầu tư nước sạch sinh hoạt ở 3 xã này.

htn.jpg
Vườn thanh long ven đường khiến các xã không thể trồng cây xanh theo tiêu chí 17.3.

Nếu xã Tân Thành với những dự án du lịch ven biển, có nguồn nước đủ nên được 1 công ty tư nhân đầu tư hệ thống nước sinh hoạt tập trung thì xã Tân Thuận, ngoài hơn 200 hộ thuộc thôn Thanh Phong đã có nước máy được kéo từ hệ thống nước xã Tân Thành qua, có khoảng 1.000 hộ dân được bắt nước máy từ hệ thống nước của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh. Tính chung thì hiện toàn xã mới có 1.230/3.996 hộ sử dụng nước máy nên tiểu tiêu chí 17.1 của Tân Thuận chưa đạt. Tương tự, xã Thuận Quý cũng thế nhưng hiện còn chưa tìm được phương án giải quyết nào chắc chắn, khả thi.

Hiện có đến 3 phương án cho nước sạch Thuận Quý nhưng cách nào cũng thấy bất lợi. Có nhà đầu tư với kế hoạch bắt nước từ xã Tiến Thành (TP.Phan Thiết) về dự án của mình, sau đó chính quyền và nhân dân Thuận Quý tính toán chuyển nước về. Cách này suất đầu tư lớn, khoảng cách chuyển nước quá xa, dân không đủ tiền đóng góp tham gia. Lại có nhà đầu tư định xây dựng nhà máy nước sinh hoạt tại Đập tràn Suối Nhum nhưng nguồn nước cho nhà máy không đảm bảo, nhất là vào mùa khô, do từ đầu nguồn chảy về Đập tràn Suối Nhum dài hơn 4km và trên hành trình ấy, nước được dân lấy tưới thanh long rất nhiều. Phương án khác là kéo nước sạch sinh hoạt từ xã Hàm Minh về Thuận Quý mất khoảng 10 km thì chỉ hy vọng phải là dự án WB mới có thể.

Hồi hộp vì cây xanh

Ở vùng gió cát ven biển này, việc trồng cây xanh theo 2 tiểu tiêu chí 17.3 và 17.4 là nhọc nhằn hơn những nơi khác. Có khi trồng, cây chết phải trồng lại hoặc cây sống thì chậm lớn, èo uột. Nhưng lo hơn là không có quỹ đất để trồng. Ở nơi có vùng chuyên canh thanh long lớn của huyện Hàm Thuận Nam đã mang lại hiệu quả cao trên thực tế này, việc phải có công viên cùng trồng cây xanh là điều gì đó rất khó để thực hiện. Phải giải phóng đền bù đất trồng thanh long của dân để làm công viên cây xanh sao, khi mà ngay cả cây thanh long đang góp phần giảm khí thải nhà kính? Rồi ngay cả những con đường ở 3 xã, kể cả các tuyến đường lớn đi qua địa bàn như ĐT 719, ĐT 712, hai bên đường đều toàn là vườn thanh long nên không có chỗ cho trồng cây xanh. Mà thanh long không chịu rập nắng, che khuất, trồng cây xanh gần bên sẽ cho bóng mát, làm ảnh hưởng năng suất, chất lượng vườn cây. Ngộ nhỡ, dân khiếu kiện, ai đền bù?

Đó là những vấn đề khiến lãnh đạo các xã ven biển này loay hoay không biết phải thực hiện sao. Vì vậy, trong 1 cuộc họp gần đây, huyện Hàm Thuận Nam đã kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem có thể trao đổi tỷ lệ cây xanh từ rừng tự nhiên lẫn rừng trồng tập trung ở 3 xã ven biển thay cho tỷ lệ cây xanh phải trồng ở các công viên, hai bên đường được không?

Đây là vấn đề vướng mắc phát sinh trên thực tế ở cơ sở trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Thực tế cho thấy có những vướng mắc mà gỡ được đem lại hiệu ứng tốt cho xã hội như đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức trách nhiệm cho phụ nữ trong việc thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt ngay tại gia đình để bảo vệ môi trường, các xã đã làm rất tốt. Nhưng với những vướng mắc trong nước sạch, cây xanh như trên cần có hướng gỡ linh hoạt…

BÍCH NGHỊ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Bình đẳng giới - thước đo của sự văn minh, tiến bộ và công bằng xã hội
1. Cùng với sự phát triển của xã hội, các vấn đề liên quan đến xâm hại, bạo lực, mua bán người diễn biến ngày càng phức tạp. Trong đó, vấn đề bạo lực trên cơ sở giới diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt ngay trong gia đình gây nên hậu quả rất nghiêm trọng cả về thể chất, tinh thần, kinh tế và xã hội.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xây dựng nông thôn mới năm 2023 ở Hàm Thuận Nam: 3 xã ven biển loay hoay với tiêu chí 17