Theo dõi trên

Xây dựng nông thôn mới ở Đông Tiến: Gian nan… càng quyết tâm

11/04/2022, 04:54

Xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số Đông Tiến được UBND huyện Hàm Thuận Bắc tạo mọi nguồn lực đầu tư để đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM) vào cuối năm nay.

Niềm vui mới khi xây dựng nông thôn mới

Những ngày này, ở xã Đông Tiến không khí xây dựng NTM sôi nổi khắp nơi. Những công trình dân sinh phục vụ cho đời sống của người dân đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Dưới nắng gắt, những người thợ hồ hì hục làm việc, ai cũng nhanh tay để sớm hoàn thành hạng mục phòng chức năng khác của Trường tiểu học & THCS Đông Tiến, góp phần cho địa phương đạt chuẩn tiêu chí trường học. Đông Tiến có 2 trường học gồm trường mẫu giáo và trường tiểu học - THCS. Năm học 2021 - 2022, Trường TH - THCS Đông Tiến có 18 phòng học, trong đó có 9 lớp học với 202 học sinh 2 cấp học tiểu học và THCS. Diện tích của trường và số học sinh đảm bảo chuẩn theo quy định, tuy nhiên các phòng học khác sử dụng làm khối hành chính - quản trị và các phòng chức năng đều đã xuống cấp, hư hỏng. Vì vậy, để đảm bảo cho xã Đông Tiến đạt chuẩn NTM theo đúng lộ trình, từ cuối năm 2021 UBND huyện Hàm Thuận Bắc đã có quyết định đầu tư cơ sở vật chất cho 2 trường trên với số tiền hơn 11 tỷ đồng. Riêng Trường TH - THCS Đông Tiến đầu tư hơn 6,5 tỷ đồng.

Đường vào khu sản xuất Sông Do – Cà Tót Đông Tiến hoàn thành thuận tiện đồng bào sản xuất.

Cùng với đầu tư đạt chuẩn trường học, con đường vào khu sản xuất Sông Do - Cà Tót dài 470m được đầu tư từ giữa năm 2021 cũng vừa hoàn thành đầu năm nay. Đường bê tông phẳng lỳ rộng 4m có đầy đủ cống thoát nước, công trình phụ trợ. “Nhớ lại, trước đây đường lầy lội, ổ gà, ổ voi vào mùa mưa đường sình lầy chở nông sản gian nan lắm. Có đường từ nay thuận tiện, hy vọng vụ thu hoạch tới đây mùa màng bội thu…”, bà K’ Thị Yểng ở thôn 2 nói.

So với các xã lân cận Đông Giang, La Dạ, xã Đông Tiến hẹp hơn về diện tích cũng như số hộ dân sinh sống với khoảng 329 hộ/1.162 khẩu/2 thôn, hơn 90% là đồng bào K’ho và số ít người Kinh đến lập nghiệp. Đồng bào K’ho nơi đây chủ yếu trồng lúa, bắp, đậu, điều là chính, một số ít trồng thanh long và cây ăn quả khác. Từ khi Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là từ năm 2002 thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy, Đông Tiến là xã được Nhà nước đầu tư nhiều tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, trạm xá, trường học, điện, nước sinh hoạt… Đến nay, Đông Tiến đã đổi thay từng ngày, đời sống người dân được cải thiện.

Trăn trở và nỗ lực “về đích”

Chủ tịch UBND xã Đông Tiến K’ Văn Góa cho biết, qua rà soát xã Đông Tiến hoàn thành được 14/19 tiêu chí, từ đây đến cuối năm xã hoàn thành thêm 5 tiêu chí nữa gồm: trường học, thu nhập, hộ nghèo, tổ chức sản xuất, hệ thống tổ chức chính trị và tiếp cận pháp luật. Trong số các tiêu chí còn lại địa phương lo lắng nhất là tỷ lệ hộ nghèo bởi toàn xã hiện còn 76 hộ nghèo và thu nhập của xã còn thấp hơn so với quy định, chỉ ở mức 37,5 triệu đồng (41 triệu đồng).

Thời gian qua, được sự hỗ trợ nhiều chương trình dự án của tỉnh, huyện đã giúp người dân thoát nghèo, cải thiện thu nhập như nuôi bò sinh sản, giao khoán bảo vệ rừng, đầu tư ứng trước bắp lai, lúa nước… Đặc biệt, 2 năm gần đây đồng bào K’ho ở Đông Tiến bước đầu làm quen với cây trồng mới là đậu bắp được Công ty TNHH sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Hoàng Gia tại huyện Tánh Linh bao tiêu sản phẩm. Đánh giá của địa phương, cây đậu bắp, ớt cho hiệu quả kinh tế ổn định, nhưng diện tích sản xuất hiện chưa nhiều chỉ chừng 10 ha. Mặt khác, sản xuất nông nghiệp đang đối mặt nhiều khó khăn do vật tư nông nghiệp tăng cao, rủi ro thời tiết, sâu bệnh, đầu ra. Thu nhập nhiều cây trồng chính ở xã như bắp lai, đậu các loại đều phụ thuộc vào thời tiết. Người dân mong muốn Nhà nước quan tâm tập huấn kỹ thuật, định hướng cây trồng, vật nuôi hiệu quả, hỗ trợ vay vốn sản xuất… Để nỗ lực hoàn thành 19 tiêu chí, xã Đông Tiến xác định đẩy mạnh tuyên truyền hiểu ý nghĩa, mục đích chương trình chung tay cùng chính quyền địa phương xây dựng NTM, hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt, chú ý bảo vệ môi trường, đặc biệt là quan tâm hỗ trợ kỹ thuật, vốn vay giúp người dân sản xuất hiệu quả, tăng thu nhập.

Khó khăn là vậy, Chủ tịch xã - K’ Văn Góa nói với quyết tâm: “Đồng bào K’ho nơi đây đã thay đổi nhận thức từ ỷ lại sang tự lực vươn lên là điều đáng mừng rồi. Để phấn đấu đạt chuẩn xã NTM cuối năm nay còn khó khăn nhiều lắm, song NTM làm mới diện mạo nông thôn, khó mấy cũng phải gắng làm cho bằng được”.

Cùng với sự hỗ trợ của nhà nước, đồng bào K'ho Đông Tiến tự lực vươn lên.

  …Để phấn đấu đạt chuẩn xã NTM cuối năm nay còn khó khăn nhiều lắm, song NTM làm mới diện mạo nông thôn khó mấy cũng phải gắng làm cho bằng được.

Chủ tịch UBND xã Đông Tiến - K’ Văn Góa

THANH DUYÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Những tháng đầu năm: Tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn
Bước vào năm 2022 với những khó khăn do đại dịch Covid-19 vẫn còn hiện hữu. Riêng đối với sản xuất nông nghiệp, dù thời tiết khá thuận lợi cho sản xuất, nhưng nông dân lại phải đối mặt với những khó khăn, thách thức. Trong đó, có yếu tố rủi ro khó lường từ diễn biến dịch Covid-19, tình trạng lạm phát và những hạn chế từ các cửa khẩu trong việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc...
Nổi bật
Cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết:
Hôm nay đưa vào hoạt động 2 trạm dừng chân tạm thời
BTO-Thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ và Bộ Giao thông vận tải về việc xây dựng tạm trạm dừng chân trên tuyến cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Ban quản lý dự án 7 đã tiến hành thi công 2 trạm dừng nghỉ tạm trên cả hai chiều đường cao tốc, đưa vào hoạt động phục vụ tài xế, người tham gia giao thông vào dịp lễ 30/4 và 1/5.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xây dựng nông thôn mới ở Đông Tiến: Gian nan… càng quyết tâm