Bởi hiện nay, phía Trung Quốc vẫn kiên trì chính sách "Zero COVID", trong đó có việc quản lý nghiêm ngặt đối với người và hàng hóa nhập cảnh vào quốc gia đông dân nhất thế giới. Còn tại thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) cũng đang thực hiện công tác chống dịch bằng việc giãn cách xã hội, vì vậy việc thông quan trở lại tại cửa khẩu, lối mở biên giới trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện chưa xác định thời gian cụ thể.
Hơn nữa thời gian Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang cận kề, dẫn đến doanh nghiệp, người lao động Trung Quốc sẽ nghỉ tết sớm hơn mọi năm do nước này yêu cầu người làm việc tại cửa khẩu, cảng biển của Trung Quốc có tiếp xúc với hàng hóa được xác định là đối tượng rủi ro cao. Thế nên đây là đối tượng phải cách ly bắt buộc 21 ngày trước khi rời khỏi khu vực cửa khẩu biên giới, hoặc cảng biển để về quê đón tết…
Sở chức năng cho rằng những yếu tố trên sẽ tác động đến việc thông quan hàng hóa, vì trong trường hợp cửa khẩu, lối mở biên giới tỉnh Quảng Ninh thông quan trở lại thì thời gian thực hiện còn rất ngắn và là áp lực lớn đối với năng lực thông quan tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, trong đó có tỉnh Quảng Ninh.
Do vậy để hàng hóa nông, lâm, thủy, hải sản khi đưa ra đến các tỉnh biên giới không phải chờ đợi, lưu kho, lưu bãi trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, Sở Công Thương Quảng Ninh khuyến cáo các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, kinh doanh dịch vụ vận tải, hiệp hội các địa phương... tạm thời tạm dừng đưa hàng hóa ra đây để xuất sang Trung Quốc.
Trước tình hình này, Sở Công Thương Bình Thuận đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Ban quản lý các KCN, Liên minh HTX tỉnh, các hiệp hội khẩn trương thông báo nội dung nêu trên đến các doanh nghiệp, HTX là thành viên có hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc được biết. Qua đó chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất - kinh doanh trong thời gian tới cũng như đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid - 19 theo quy định.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiến hành rà soát tình hình sản xuất hàng nông, lâm, thủy sản của người dân, doanh nghiệp trong tỉnh theo từng thời điểm cụ thể. Nhất là mùa vụ thu hoạch đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 và hướng dẫn cụ thể các địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất hợp lý, phù hợp với dự báo nhu cầu thị trường tiêu thụ, tránh tình trạng khủng hoảng thừa cục bộ, giá giảm sâu.
Với doanh nghiệp, HTX cần chủ động nghiên cứu, tìm hiểu, cập nhật tình hình những yêu cầu của thị trường xuất khẩu, xem xét lựa chọn các phương thức xuất hàng khác như qua cảng biển. Điều này cũng nhằm giảm tải cho các cửa khẩu đường bộ, đồng thời quan tâm thực hiện giao dịch xuất khẩu theo thông lệ quốc tế thông qua hợp đồng mua bán ngoại thương. Liên hệ chủ hàng phía Trung Quốc để đàm phán chuyển dần sang hình thức chính ngạch như: Tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quy cách đóng gói, chất lượng, chủng loại…
Thời gian tới, sở chức năng sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, kênh phân phối nhằm kết nối, đẩy mạnh việc thu mua, tiêu thụ sản phẩm nông sản, thủy sản cho doanh nghiệp, HTX và nông dân của tỉnh… Quá trình thực hiện giao nhận, xuất khẩu hàng hóa, giao dịch với hệ thống tập đoàn, siêu thị, trung tâm thương mại nếu có phát sinh khó khăn, vướng mắc thì phản ánh về Sở Công Thương Bình Thuận (qua đầu mối là Phòng Quản lý thương mại).