Theo dõi trên

La Gi: Bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

26/08/2019, 08:53

BT- Tính đến ngày 16/8 toàn tỉnh ghi nhận 2.089 trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue (SXHD), trong đó có 28 trường hợp SXHD nặng và 1 trường hợp tử vong tại huyện Tánh Linh. Riêng tại thị xã La Gi, đến ngày 16/8 đã ghi nhận 217 trường hợp mắc SXHD, trong đó có 1 trường hợp SXHD nặng, không có trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2018, số trường hợp mắc SXHD tại thị xã tăng 9 lần, địa bàn có số ca mắc cao là phường Tân An, xã Tân Phước, phường Bình Tân.  Nếu như năm 2018 khi số bệnh nhân SXH ở nhiều huyện tăng cao thì tại thị xã La Gi giảm đến 70,83% so với năm 2017. Năm 2018 là thời điểm thấp nhất trong vòng 4 năm qua, tuy nhiên điều lo ngại số người mắc bệnh SXH năm 2019 có nguy cơ gia tăng rất lớn. Từ thời điểm tháng 6/2019, số ca mắc SXHD của toàn thị xã tăng cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ của 3 năm (2016, 2017, 2018). Cho tới thời điểm hiện tại đã ghi nhận 9/9 xã/phường có số ca mắc SXHD.

                
Thị xã La Gi yêu cầu từng hộ gia đình thực    hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy.

Từ đầu năm đến nay, toàn thị xã ghi nhận 31 ổ dịch, tăng 15,5 lần so cùng kỳ năm 2018. Số ổ dịch nhỏ được ghi nhận 8/9 xã, phường chiếm 88,8% số xã, phường toàn thị xã, tập trung tại phường Bình Tân, Tân An và xã Tân Phước. Các ổ dịch đều được xử lý theo đúng theo quy định của Bộ Y tế. Đối với các trường hợp mắc hoặc nghi mắc SXHD đều được phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Hầu hết từ trạm y tế đến bệnh viện đều bố trí phòng khám, thu dung điều trị và đều xây dựng kế hoạch cụ thể các phương án, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện đảm bảo thu dung cấp cứu, điều trị người bệnh đáp ứng cho tình huống dịch. Ngoài ra, Trung tâm Y tế đã phối hợp với các UBND xã/phường làm vệ sinh môi trường diệt lăng quăng/bọ gậy bằng hình thức cuốn chiếu cho từng thôn/khu phố với tổng số lần ra quân hơn 10 đợt. Mặc dù, nhiều địa phương đã triển khai tích cực các biện pháp phòng chống dịch SXHD, tập trung vào các xã/phường có số mắc cao như Tân An, Tân Phước và Bình Tân. Tuy nhiên, trên địa bàn có người mắc bệnh SXHD vẫn còn rất nhiều hộ gia đình có vật dụng chứa nước trong và xung quanh nhà có lăng quăng, đây là lý do làm dịch bệnh bùng phát, khó ngăn chặn. Mặt khác, việc kiểm soát bệnh SXH ổn định rất khó khăn vì chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Trước tình hình diễn biến hiện nay của dịch bệnh SXHD, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm thị xã La Gi xác định phòng chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và liên tục ở tất cả các xã/phường. Trong đó, ban sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về các biện pháp phòng chống dịch bệnh SXHD. Quá trình tuyên truyền sẽ nêu rõ trách nhiệm của người dân trong vệ sinh môi trường, vệ sinh trong từng gia đình để làm giảm nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh, tránh tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào việc phun hóa chất. Chú trọng triển khai vệ sinh môi trường làm giảm dần số muỗi Aedes từ đó làm giảm véc tơ truyền bệnh SXHD, vừa tạo ý thức và tinh thần trách nhiệm cho người dân trong phòng chống dịch bệnh. Đồng thời tập trung vận động, thuyết phục, yêu cầu từng hộ gia đình phải đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; súc rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa. Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ... Các đơn vị liên quan sẽ chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị phòng chống dịch. Đồng thời, tổ chức thường trực trong các ngày nghỉ lễ, sẵn sàng các đội cơ động chống dịch, điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới khi cần thiết.

KIM ANH



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
La Gi: Bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp