Theo dõi trên

Nâng cấp

28/09/2018, 08:37

BT- “Sống với thế giới ảo ít đau khổ hơn và có cảm giác mình được nâng cấp lên với nhiều hiểu biết mới, nhiều mối quan hệ mới, nhiều quan tâm mới…”. Một cô giáo quen thật thà nói với tôi như thế. Tôi hứa sẽ suy nghĩ thêm về những điều cô vừa nêu. Từ trên núi tôi nhìn xuống làng mạc đang lô nhô trải theo dọc con đường và những sông suối ngoằn ngoèo như một bức tranh sinh động về cuộc sống con người và lòng tự hỏi: Có thật như thế không? Vậy hóa ra cuộc đời thật là ngược lại sao? Và xét cho cùng thì đời sống ảo nâng cấp đời sống thật hay ngược lại?

                
      
Cảnh một gia đình thay vì trò chuyện với    nhau, thì tất cả mọi người từ lớn đến trẻ đều chăm chăm vào màn hình    điện thoại.

Chiều qua, một người bạn đến nhà chơi kể câu chuyện có thật trong gia đình. Ấy là chuyện người mẹ hay cằn nhằn con cái về việc lúc nào cũng “úp mặt vào điện thoại”, “Có gì hay trong đó mà quên ăn, quên học?”, “Con à, với cái điện thoại thì nghe con cười nói, với những người thật chung quanh sao chỉ im lặng vậy?, “Con à, suốt ngày cứ quẹt quẹt là sao?!”… Rồi đứa con gái lớn lên, rồi đi làm, có tiền nó mua điện thoại mới, cái quẹt quẹt cũ nó mang về cho mẹ, mở cho mẹ trang facebook, cài zalo… và hướng dẫn mẹ sử dụng Google, Youtube...

Anh bạn tôi tự rót thêm ly trà rồi hắng giọng kể tiếp: Từ ngày có cái quẹt quẹt ấy trong tay, bà nhà tôi lại suốt ngày úp mặt vào. Nồi canh không được để tâm nên nhiều lần mặn chát. Nồi cá kho không còn thơm ngon như trước. Sáng đã quẹt quẹt. Trưa quẹt quẹt. Chiều quẹt quẹt. Tối cứ bứt đầu bứt tai, cứ dầm dề nước mắt, cứ khúc kha khúc khích cười với cái quẹt quẹt ấy… Nhiều lúc tới bữa ăn tôi hỏi vui: “Nhà mình mới mua muối hả em?”. Cô ấy rời mắt khỏi màn hình một chốc rồi ừ ừ cho qua chuyện, mãi mấy phút sau, cổ mới giật mình, mới hết ngơ ngác mang nồi canh lên bếp xử lý lại… “Đó, em thấy không, em nói con để rồi bây giờ em cũng vậy, cứ suốt ngày cắm mặt vào cái quẹt quẹt đó”.

Cái quẹt quẹt mà mọi người hay gọi điện thoại Android thông minh ấy thực ra là gì? Android là hệ điều hành có mã nguồn mở dành cho các thiết bị di động có màn hình cảm ứng. Giao diện người dùng của Android dựa trên nguyên tắc tác động trực tiếp, sử dụng cảm ứng chạm tương tự như những động tác ngoài đời thực như vuốt, chạm, kéo giãn và thu lại để xử lý các đối tượng trên màn hình, cho phép người dùng tự do sắp đặt hình dáng cũng như hành vi của thiết bị theo sở thích. Đương nhiên nói về cái lợi thực tế về thế giới được rộng mở, về công việc, về giao tiếp, về giải trí… thì khỏi phải bàn nhưng vấn đề của chúng ta là nó “nâng cấp” đời sống con người theo chiều hướng nào? Sự chủ động chọn lựa và hạn mức sử dụng của chúng ta như thế nào là không quá đà? Tại sao con người phải phản ứng như con đà điểu cắm đầu vào cát khi sợ hãi như thế? Người né tránh nỗi đau đời sống ngày một ngày hai nhưng cả đời có né tránh nổi không, những lúc buông cái điện thoại thông minh hay cái máy tính bảng ấy ra, đối diện với chính mình thì sao? Vấn đề đời sống của chính mình sao không dám đối mặt?... Nhiều, rất nhiều câu hỏi đặt ra khi chúng ta mang trong người nỗi sợ hãi đời sống như thế. Khi chúng ta biết tự đặt câu hỏi như thế thì ắt chúng ta đã biết câu trả lời.

                
Tương tác giữa bố mẹ và con cái rất quan    trọng để trẻ phát triển hành vi xã hội.

Xưa nay, các bậc tiền bối đã từng đúc kết: Sai lầm lớn nhất của đời người là đánh đổi sức khỏe để lấy vật ngoài thân nhưng bây giờ e rằng nên thêm một vế nữa: Sai lầm lớn hơn cả là đánh đổi cuộc đời thực để lấy những cảm giác vui vẻ, an tâm trong thế giới không có thực. Và bi ai lớn nhất của đời người là dùng hạnh phúc để đổi lấy phiền não nhưng bi ai lớn hơn cả là dồn hết đời sống vào một “hạnh phúc” không có thật.

Và nữa. Lãng phí lớn nhất của đời người là dùng thời gian để giải quyết những phiền phức do chính mình tạo ra, nhưng lãng phí hơn cả là dùng gần hết thời gian sống trong một thế giới mà khi tắt máy thì thế giới đó biến mất hoàn toàn.

Ngày nay, có rất nhiều lựa chọn: Sống ý nghĩa, sống lý tưởng, sống ảo, sống nhanh, sống chậm, sống giận, sống nhạt, sống lo âu, sống hận thù, sống bê tha… Chúng ta lựa chọn sống thế nào thì sẽ được các phương tiện công nghệ hỗ trợ nâng cấp theo hướng đó. Sự nâng cấp dẫn đến phân cấp con người đang ngày càng ráo riết và nghiệt ngã. Như vậy chính suy nghĩ chủ quan của chúng ta nâng cấp chúng ta chứ không phải mấy cái “quẹt quẹt” thông minh kia, con người muôn đời vẫn là chủ máy móc.

    
    Lãng phí   lớn nhất của đời người là dùng thời gian để giải quyết những phiền phức   do chính mình tạo ra, nhưng lãng phí hơn cả là dùng gần hết thời gian   sống trong một thế giới mà khi tắt máy thì thế giới đó biến mất hoàn   toàn.

Nguyễn Hiệp



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nâng cấp