Theo dõi trên

Phòng ngừa tai nạn lao động trên biển

07/03/2019, 09:11

BT- Dù không phải cao điểm mùa biển động, nhưng thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn lao động trên biển làm nhiều người chết và mất tích…  

                
   Tàu cá ra khơi đánh bắt ở cửa biển Phan    Thiết.

Tai nạn liên tiếp

Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 7.184 chiếc tàu thuyền, với lực lượng lao động thường xuyên làm việc trên biển trên dưới 40.000 người. Để đạt sản lượng khai thác cao, thời gian qua ngư dân Bình Thuận đã mạnh dạn đầu tư đóng tàu công suất lớn, công cụ máy móc như tời, cẩu để thay sức người trong đánh bắt. Dù vậy, sức con người vẫn là lao động chính trong hoạt động đánh bắt. Chủ phương tiện đã chú trọng trang bị các phương tiện thông tin liên lạc, thiết bị an toàn hàng hải, hệ thống phao cứu sinh để hạn chế rủi ro tai nạn trên biển. Thế nhưng một thực trạng đáng báo động xảy ra từ đầu năm 2019 đến nay là có quá nhiều vụ tai nạn trên biển xảy ra, làm nhiều người chết, mất tích. Thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm đã có 7 vụ tai nạn lao động rơi xuống biển và chìm tàu làm 7 ngư dân trên địa bàn tỉnh chết, mất tích, trong đó chủ yếu ở các địa phương như: La Gi, Tuy Phong, Phú Quý…

Vụ việc nghiêm trọng xảy ra ngày 12/1/2019, khi tàu cá BTh 99323 TS, công suất 420CV, do ông Cao Tư (SN 1980, trú tại thôn Hiệp Thành, xã Tân Hải, thị xã La Gi) làm thuyền trưởng, khi đang hoạt động cách mũi Kê Gà 12 hải lý thì bị phá nước chìm tại chỗ. 8 lao động đã được tàu BTh 97193 Ts hoạt động gần đó cứu vớt, 2 lao động còn lại mất tích và tử vong được tìm thấy vài ngày sau đó. Một tuần sau, tàu cá BTh 96513 TS của ngư dân huyện Tuy Phong bị sóng đánh chìm, làm 2 người chết và mất tích. Vụ gần đây nhất xảy ra ở vùng biển Phú Quý vào đêm 1/3, anh Nguyễn Tú Vương, hành nghề lặn biển đã bị mất tích khi đang hành nghề và gặp nước xoáy. Một tình trạng đáng nói là gần đây, số vụ lao động rơi xuống biển khi đang đánh bắt gia tăng cho thấy, công tác an toàn lao động khi đánh bắt trên biển là vấn đề cần được báo động.   

Để an toàn khi ra khơi?

Theo Thanh tra Thủy sản, một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nhiều vụ tai nạn là do nhận thức của ngư dân về an toàn lao động trên biển còn thấp. Nhiều ngư dân chưa ý thức được rằng, lao động đi biển là loại lao động căng thẳng, nặng nhọc và thường xuyên đối mặt với nhiều rủi ro do thiên tai. Qua thực tế kiểm tra về công tác bảo đảm an toàn cho người và tàu cá tại một số địa phương đã cho thấy, công tác này bị buông lỏng và bộc lộ nhiều hạn chế. Ngư dân Nguyễn Văn Tý (ngụ phường Phú Hài, TP. Phan Thiết) chia sẻ: Dù biết trang bị phao cứu sinh trên biển là điều cần thiết để đảm bảo tính mạng trên biển, nhưng hầu hết không thuyền viên nào mặc áo phao trong quá trình lao động trên biển, ngoại trừ lúc tắm biển hay lúc khẩn cấp. Nguyên nhân được ông Tý cho rằng do trong lúc đánh bắt thuyền viên luôn trong tâm thế lao động vất vả, thời tiết thì nóng nực, áo phao ít nhiều vướng víu, cản trở các động tác lao động… 

Có thể thấy rằng, mặc dù công tác kiểm tra, kiểm soát điều kiện đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển dù có được quan tâm chế tài, xử lý, thì ý thức tự giác, chấp hành của chủ thuyền và thuyền viên đóng vai trò quan trọng. Do đó, bên cạnh việc chấp hành đầy đủ các điều kiện an toàn trước khi ra khơi như: trang bị đủ số lượng áo phao, phao cứu sinh đúng và đủ số lao động trên tàu; bình chữa cháy… thì việc luôn nhắc nhở nhau chú ý an toàn trong khi đánh bắt và trong sinh hoạt hằng ngày trên tàu luôn là vấn đề cần lưu ý.

Phúc Sinh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phòng ngừa tai nạn lao động trên biển