Theo dõi trên

Học sinh giỏi… đã giỏi thực sự ?

05/06/2018, 09:03

BT- Hiện các trường phổ thông đang bước vào những ngày cuối cùng của năm học, với các hoạt động tổng kết, công bố bảng điểm và xếp loại học sinh. Không khó để thấy bảng thành tích của nhiều em chỉ toàn điểm 9, điểm 10. Nếu chỉ nhìn ở góc độ thống kê thì đây là con số đáng khích lệ. Nhưng thành tích đó có phản ánh đúng thực lực học sinh không.

Với những người sinh ở thế hệ 8X, tổng kết cuối năm bạn nào điểm trung bình chung cả năm từ 8.0 được coi là thần tượng của lớp. Mỗi lớp hơn 30 học sinh nhưng học sinh giỏi có khi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng bây giờ, điểm tổng kết cả năm 8.0 được xem là “bình thường”. Một lớp hơn 30 em thì có đến hơn 20 em học sinh xuất sắc… Dĩ nhiên, học sinh đạt được nhiều điểm 10, rất đáng được khen và tự hào. Vì đó là kết quả sau cả một năm con cái và phụ huynh cùng nỗ lực, ai cũng muốn khoe với mọi người. Nhưng bây giờ dường như điểm 9, 10 đã trở thành phổ biến. Ngày xưa, khi con cái được điểm 10, được danh hiệu học sinh giỏi, có khi phụ huynh háo hức đi khoe cả làng. Bây giờ, đạt điểm 8 mới là hiếm, nhiều trường ở thành phố, số học sinh tiên tiến trong một lớp có khi chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Học sinh than chương trình nặng quá, nhiều bài khó quá, nhưng đến cuối năm học vẫn là “rừng điểm 10”. Bởi bây giờ, điểm số là kết quả nỗ lực của không riêng học sinh, mà còn của phụ huynh và cả giáo viên. Áp lực thi đua, chỉ tiêu phấn đấu đặt ra ở mỗi đầu năm học vô tình đã tạo áp lực bắt buộc không chỉ học sinh mà ngay cả giáo viên cũng chạy đua để đạt thành tích đó. Nhiều giáo viên cũng thừa nhận, chuyện thầy cô chấm nới tay, phóng khoáng hơn nhiều cách đây 10 năm. Nếu không làm vậy, giáo viên buộc phải gây áp lực học tập lên học sinh. Có những trường, đặc biệt ở khối tiểu học và trung học cơ sở tỷ lệ học sinh có kết quả học tập trên 9.0 khá nhiều và dĩ nhiên các em phải học giỏi ở tất cả các môn. Nhưng kết quả đó có phản ánh đúng thực chất không? Vậy điểm 9, điểm 10 mà các em đạt được ở môn mang tính giáo dục nhân cách học sinh như: giáo dục công dân, văn học, lịch sử… có phản ánh đúng lượng kiến thức mà các em tiếp thu được hay chỉ là hình thức, đối phó?

Chuyện điểm số, tỷ lệ học sinh giỏi hiện nay đang có sự phân vùng rõ nét. Ở thành phố, thị trấn tỷ lệ học sinh giỏi cao hơn, còn ở các huyện tỷ lệ này khá thấp. Có thể học sinh ở thành phố được tiếp cận với vi tính, với nhiều loại sách nên các em học giỏi hơn. Nhưng hai trường ở cùng một phường mà tỷ lệ học sinh giỏi cách nhau khá xa? Trong thành phố, những trường được coi là trường điểm, trường tốp bao giờ cũng có tỷ lệ học sinh giỏi cao hơn những trường còn lại. Nhưng trong những kỳ thi đại học trước đây và kỳ thi trung học phổ thông quốc gia hiện nay lại diễn ra theo chiều hướng ngược lại: thủ khoa, thí sinh đạt 30 điểm phần lớn nằm ở những trường huyện.

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV mới đây, vấn đề đạo đức xã hội lại được các đại biểu Quốc hội đưa ra. Bạo lực gia đình, bạo lực học đường, đạo đức nghề nghiệp sa sút khiến nhiều người bất an. Thay vào việc đánh giá học sinh dựa trên điểm số thì ngành giáo dục nên có những giải pháp để hình thành nhân cách học sinh…

    
    Không phủ   nhận, trẻ em hiện nay rất thông minh, tiếp cận cái mới rất nhanh. Thời   đại công nghệ giúp các em tiếp cận được với kiến thức dễ dàng hơn. Nhưng   trong số học sinh xuất sắc, học sinh giỏi đó có bao nhiêu em giỏi thật   sự, điểm thi phản ánh đúng năng lực học tập. Hay đó lại là kết quả của   những buổi học kèm do chính thầy cô đang trực tiếp dạy các em trên lớp…

Mai Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Mặt trận Phan Thiết: Thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua
Các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước luôn được Mặt trận và các tổ chức thành viên TP. Phan Thiết chú trọng triển khai thực hiện với nhiều hình thức, thu hút ngày càng đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Qua đó, góp phần giáo dục, tập hợp, động viên nhân dân tăng cường đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh địa phương.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Học sinh giỏi… đã giỏi thực sự ?