Theo dõi trên

Thiên địch bị loại trừ, ốc sên tấn công thanh long

17/11/2017, 09:38

BT- Bên cạnh tác dụng diệt trừ sâu hại, nấm bệnh, các loại thuốc hóa học bảo vệ thực vật diệt luôn thiên địch. Với sự tấn công của ốc sên vào vườn thanh long Bình Thuận như hiện tại, theo chúng tôi đây là cái giá của sự lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật.

                
Ốc sên cắn thanh long. Ảnh: Ngọc Lân

Tan nát vì ốc

Theo nhiều nông dân, ốc sên này  từng xuất hiện 3 năm gần đây,  và người dân phòng ngừa bằng các biện pháp phun thuốc…  Năm nay, loài này xuất hiện rất dày, phát triển rất nhanh. Mặc dù người trồng thanh long kết hợp phun thuốc và soi đèn bắt vào ban đêm, nhưng không ngăn được sự tấn công của ốc sên. Ốc ẩn nấp dước gốc thanh long và từ đầu trụ bên trong các bẹ dây thanh long. Khi gặp mưa, ốc xuôi ngược theo các cành ăn từ đọt non cho đến hoa, trái chín; ăn rất nhiều bù lại thời gian trốn nắng. Khi ốc di chuyển, thì để lại vết nhớt trên trái, bẹ dây thanh long. Ngay thời điểm đậu trái, nếu ốc sên gặm vào cạnh tai, thân trái  thanh long, thì khi thanh long chín sẽ có những vết sẹo loang lổ, giảm giá trị. Trở thành  hàng dạt, thương lái nếu mua giá cũng rất thấp.

Ốc sên có 4 râu, đường kính khoảng 2 cm. Con trưởng thành vỏ cứng màu vàng nâu. Con nhỏ vỏ khá mềm, chỉ cần bóp nhẹ sẽ vỡ. Ốc sinh sản lưỡng tính,  tự thụ tinh hoặc thụ tinh chéo. 

 Lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật

Nếu năm 2014 có khoảng 80 loại thuốc trừ sâu bệnh sử dụng trên các cánh đồng  thanh long Bình Thuận, thì năm 2015  lượng thuốc trên tăng thêm 40 loại. Nâng tổng  lượng thuốc trừ sâu bệnh  sử dụng cho cây thanh long là 123 loại; chưa kể 11 loại thuốc kích thích sinh trưởng và nhiều loại phân bón lá có chứa chất điều hòa sinh trưởng. Ứơc tính, mỗi năm nông dân Bình Thuận sử dụng khoảng 1.400 tấn thuốc bảo vệ thực vật, trong đó có khoảng 400 tấn thuốc trừ cỏ, 700 tấn thuốc trừ sâu, 300 tấn thuốc trừ bệnh.

Ông Lê Văn Mười (Hàm Hiệp – Hàm Thuận Bắc) cho biết: Từ khi có nụ đến lúc thu hoạch,  mỗi tuần đều phun xịt thuốc phòng trừ các loại bệnh kết hợp phân bón lá, thuốc dinh dưỡng cây trồng… Đó là ngày nắng. Vào mùa mưa, số lần phun dày hơn, 5 ngày /lần. Đa số người trồng thanh long pha thuốc rất đậm đặc, không đúng liều lượng hướng dẫn dán trên bao bì nên chi phí cho thuốc tăng đáng kể. Bên cạnh tác dụng diệt sâu hại, trừ nấm bệnh, các loại thuốc bảo vệ thực vật ấy cũng diệt luôn cả những con côn trùng có ích (thiên địch). Một khi thiên địch  giảm sút, các loại dịch hại kháng thuốc còn sống sót sinh sản nhiều hơn. Đó là cái giá của sự lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Nuôi thiên địch           

Theo kinh nghiệm của các nhà vườn của các tỉnh khác, vỏ ốc khá dày diệt trừ bằng phun thuốc trừ sâu sẽ không đạt hiệu quả cao, lại gây ô nhiễm môi trường. Chủ yếu sử dụng phương pháp thủ công như soi đèn bắt đêm; thả thiên địch như cóc, ếch, nhái để  diệt ốc sên; dùng thuốc trộn vào thức ăn để ốc tìm tới ăn và tự chết. Các vườn liền kề phối hợp diệt ốc đồng loạt trong một thời điểm để tránh ốc di chuyển từ vườn này sang vườn khác.

Thêm vào đó, việc vệ sinh vườn tược khá quan trọng để ốc sên không còn nơi trú ẩn và sinh sản. Với đặc tính ăn đêm, nhà vườn không tưới thanh long vào chiều tối, tạo môi trường ẩm ướt cho ốc sên bò kiếm ăn và phát triển nhanh.

Trang Minh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thiên địch bị loại trừ, ốc sên tấn công thanh long