Dịch Covid - 19 bất ngờ bùng phát và lây lan diện rộng trong 2 năm vừa qua đã tác động tiêu cực đến hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề. Với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn Bình Thuận cũng không ngoại lệ, tất cả đều phải gồng mình chống chịu và nỗ lực vượt khó. Và đã có không ít doanh nghiệp đứng vững trước thách thức của đại dịch, tiếp tục bước vào chặng đường mới với kỳ vọng đồng hành cùng địa phương hướng tới phát triển bền vững...
Thấy được tiềm năng
Mới đây vào cuối tháng 6, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị “Công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Bình Thuận năm 2021 và giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2022”. Sự kiện này cũng là dịp để lãnh đạo địa phương gặp gỡ, trao đổi và ghi nhận tiếng nói thật lòng của nhà đầu tư, doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề về Bình Thuận.
Nhà máy điện gió Thái Hòa do Tập đoàn Thái Bình Dương làm chủ đầu tư.
Khách sạn Vipol Mũi Né được đầu tư tại Bình Thuận.
Như bà Phạm Thị Mão - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Vinapoland (thuộc nhóm công ty thành viên của Công ty NASZ RYNEK VARSZAVA có trụ sở tại Vacsava - Cộng hòa Ba Lan) đã nói lên cảm nhận của mình. Theo đó cho biết, hưởng ứng lời kêu gọi đầu tư của Đảng - Nhà nước, Công ty NASZ RYNEK VARSZAVA quyết định triển khai một số hoạt động trên nhiều lĩnh vực tại Việt Nam. Trong đó có lĩnh vực du lịch tại Bình Thuận, cụ thể là dự án Khách sạn Vipol Mũi Né và Khu du lịch Thiên Trang thuộc địa bàn TP. Phan Thiết.
Dù tham gia lĩnh vực được cho là “rất mới” đối với doanh nghiệp này, song Công ty TNHH Vinapoland vẫn có niềm tin vào một tương lai phát triển rất lớn tại vùng đất cực Nam Trung bộ. Bởi doanh nghiệp cảm nhận được thương hiệu du lịch biển Phan Thiết - Mũi Né sau gần 30 năm hình thành và phát triển đã khẳng định vị thế trong nước lẫn quốc tế. Thêm nữa là có vị trí địa lý và thời tiết khí hậu vô cùng thuận lợi, tài nguyên du lịch dồi dào, người dân thân thiện mến khách, còn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội thì đúng như tên gọi Bình Thuận: “Bình an” và “Thuận phát”…
Trong khi đó Tập đoàn Thái Bình Dương có quy mô hoạt động đầu tư kinh doanh được phát triển trên cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, đồng thời vươn ra một số nước trong khu vực với gần 20 doanh nghiệp thành viên và đơn vị có vốn góp. Tại Bình Thuận, đơn vị tham gia góp mặt ở nhiều dự án nổi bật nhằm góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng của địa phương như Cảng Quốc tế Vĩnh Tân, Nhà máy Nhiệt điện (thuộc huyện Tuy Phong). Hưởng ứng chủ trương của Đảng - Nhà nước về việc đẩy mạnh kinh tế xanh, vì vậy doanh nghiệp tiếp tục triển khai dự án Nhà máy điện gió Thái Hòa trên địa bàn huyện Bắc Bình.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Công Thương Bình Thuận năm 2022, đại diện Tập đoàn Thái Bình Dương cũng đã chia sẻ quá trình đầu tư dự án Nhà máy điện gió Thái Hòa. Qua đó cho rằng định hướng chiến lược xây dựng Bình Thuận trở thành trung tâm năng lượng mang tầm quốc gia là hoàn toàn đúng, bởi nơi đây hội đủ yếu tố và sở hữu tiềm năng, lợi thế rất lớn về nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời...
Và sự đồng hành
Tiềm năng và lợi thế tạo sức hút các nhà đầu tư là vậy. Nhưng trong bối cảnh đại dịch Covid - 19 bất ngờ xuất hiện, diễn biến phức tạp và khó lường như 2 năm vừa qua khiến các doanh nghiệp đứng trước vô vàn khó khăn. Với Công ty TNHH Vinapoland - chủ đầu tư Khách sạn Vipol Mũi Né và Khu du lịch Thiên Trang cũng thừa nhận có gặp một số lúng túng trong việc triển khai thi công ở giai đoạn đầu bùng phát dịch bệnh. Tuy nhiên, doanh nghiệp đã tích cực phối hợp chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan để từng bước vượt khó, đảm bảo vừa thi công an toàn vừa chống dịch hiệu quả. Nhờ đó dự án Khách sạn Vipol Mũi Né (cao 22 tầng) vẫn triển khai thực hiện đúng tiến độ, hoàn thành sau 16 tháng thi công và đưa vào hoạt động từ dịp lễ 30/4 - 1/5 vừa qua.
Vượt qua đại dịch, Công ty TNHH Vinapoland cảm nhận được sự đồng hành từ phía địa phương, trong đó lãnh đạo tỉnh luôn lắng nghe tâm tư nguyện vọng và kịp thời chỉ đạo cơ quan chức năng hướng dẫn nhà đầu tư, thúc đẩy các quy trình thủ tục để hỗ trợ triển khai dự án. Nhất là sự linh hoạt cũng như quyết liệt trong xử lý những vấn đề phát sinh do sự thiếu thống nhất và đồng bộ giữa các văn bản pháp lý về quy hoạch… Với tư cách một nhà đầu tư, đại diện Công ty TNHH Vinapoland cho biết hoàn toàn ủng hộ và cam kết đồng hành cùng chính quyền địa phương, nhân dân Bình Thuận để chung sức phát triển ngành du lịch nói riêng và kinh tế tỉnh nhà nói chung.
Đối với Nhà máy điện gió Thái Hòa, đại diện chủ đầu tư cho hay: Dự án bắt đầu khởi công xây dựng trong bối cảnh dịch Covid - 19 đang bùng phát mạnh trên toàn thế giới (cuối năm 2020). Đặc biệt tại thời điểm xây dựng, dự án này sử dụng thiết bị tua - bin gió trên bờ lớn nhất tại Việt Nam, vì vậy đòi hỏi nhân sự phải có kinh nghiệm, thiết bị lắp đặt phải đặc thù. Thế nên khi đó, doanh nghiệp đứng trước thách thức cực đại do tình hình dịch bệnh làm gián đoạn, thậm chí là đứt gãy chuỗi sản xuất, gây ra tình trạng thiếu thốn nhân lực, máy móc, thiết bị vật tư…
Nhưng trong quá trình triển khai, nhà đầu tư đã nhận được sự đồng hành của cơ quan quản lý nhà nước từ công tác chuẩn bị, đảm bảo các thủ tục, giấy phép theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời bằng sự nỗ lực của Tập đoàn Thái Bình Dương, các nhà thầu và nhờ sự hỗ trợ kịp thời của các sở ngành địa phương nên Nhà máy điện gió Thái Hòa đã vượt qua “bão dịch”, hoàn thành phát điện thương mại cho toàn bộ 18 tua - bin trước thời hạn ngày 31/10/2021 theo quy định của Chính phủ... Trên phương diện là nhà đầu tư lâu năm tại Bình Thuận, thời gian tới Tập đoàn Thái Bình Dương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất nhiều dự án tiềm năng tại địa bàn tỉnh (như các dự án: Điện gió Hòa Thắng 1.1, Điện gió Thái Phong, Điện mặt trời Thái Phong, Điện gió gần bờ Pacific - Tuy Phong).
Ở lĩnh vực du lịch - một trong những ngành nghề gánh chịu hậu quả nặng nề nhất do tác động tiêu cực của đại dịch Covid - 19, nhưng trong bối cảnh đó, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đã dồn sức, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Nhất là kịp thời hỗ trợ tiêm vắc - xin phòng, chống dịch Covid -19 trong toàn ngành để du lịch Bình Thuận mạnh dạn sớm mở cửa đón khách nội địa (từ cuối tháng 10 năm ngoái), thực hiện giảm tiền thuê đất, tiền điện năm 2021... Đến nay sau thời gian chịu ảnh hưởng của đại dịch, ngành du lịch Bình Thuận chính thức mở lại toàn bộ hoạt động trong điều kiện bình thường mới và dần phục hồi với nhiều tín hiệu khởi sắc. Thế nên theo Hiệp hội Du lịch thì hiện nay chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh của Bình Thuận đã đạt hiệu quả tích cực, nhiều nội dung kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp được lãnh đạo tỉnh, các sở ngành và địa phương liên quan sẵn sàng đồng hành, chia sẻ khó khăn kịp thời, thực chất...
Bài 2: Nỗ lực được ghi nhận