Theo dõi trên

Cần “đòn bẩy” cho phụ nữ phát triển kinh tế trong cách mạng chuyển đổi số

03/09/2024, 05:22

Thời gian gần đây hội viên phụ nữ được tiếp cận với chuyển đổi số trong phát triển kinh doanh, phát triển kinh tế tập thể. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với bà Phan Thị Vi Vân – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh với vai trò chủ chốt của Đề án 939, để hiểu thêm về vai trò của phụ nữ khi làm kinh tế tập thể hiện nay…

Phóng viên: Nhiều hoạt động do Hội LHPN tỉnh tổ chức trong thời gian gần đây ít nhiều đã “khai mở” cho cán bộ, hội viên phụ nữ tiếp cận với chuyển đổi số trong phát triển kinh doanh, bà có thể cho biết vai trò của phụ nữ khi làm kinh tế tập thể hiện nay?

Bà Phan Thị Vi Vân: Trong những năm qua, Việt Nam đạt nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực. Có được thành công này phải kể đến vai trò của phụ nữ - một trong những nhân tố đóng góp quan trọng, thiết thực. Khi nền kinh tế có nhiều cơ hội hơn, cho phép phụ nữ tham gia vào nền kinh tế thị trường và khiến nam giới phải chia sẻ trách nhiệm chăm sóc gia đình để giảm nhẹ gánh nặng việc nhà cho phụ nữ, tạo cho họ có nhiều thời gian hơn để tham gia vào các hoạt động khác. Đồng thời tạo ra nhiều cơ hội hơn cho phụ nữ trên thị trường lao động.

dsc05358.jpg

Với những phẩm chất tốt đẹp riêng có của phụ nữ như sự cần cù chịu khó, khéo léo, tỉ mỉ, có tinh thần vượt khó, ý chí và khát vọng vươn lên, sự tinh tế trong giao tiếp ứng xử… được vận dụng phát huy, trở thành lợi thế và chìa khóa thành công của các nữ doanh nhân. Mặc dù vậy, thực tế cho thấy, hiện nay vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế, nhất là kinh tế xanh vẫn chưa được ghi nhận và phát huy đầy đủ do những định kiến về giới. Các doanh nghiệp nữ làm chủ còn nhiều khó khăn trong tiếp cận tài chính, đất đai, công nghệ, các nguồn lực hỗ trợ...

Do đó, trong nền kinh tế hội nhập, phụ nữ cũng phải biết chiếm lĩnh được công nghệ thông tin, bản thân người phụ nữ phải trau dồi kiến thức, hòa nhập với lợi ích tập thể, cá nhân và gia đình. Cần xóa bỏ những rào cản, định kiến và khuyến khích phụ nữ tham gia vào nền kinh tế xanh nhằm bảo đảm điều kiện lao động tốt cho phụ nữ. Các doanh nghiệp do nữ giới làm chủ cũng cần nâng cao nhận thức về yêu cầu xanh hóa nền kinh tế; đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động chị em tham gia các hoạt động phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.

img_3310.jpeg

Phóng viên: Những năm qua Hội LHPN đã có những đóng góp như thế nào để “tiếp sức” cho hội viên phụ nữ tự tin hơn trong phát triển kinh tế gia đình, kinh tế tập thể?

Bà Phan Thị Vi Vân: Với vai trò là tổ chức nòng cốt trong công tác phụ nữ dưới sự lãnh đạo của Đảng, những năm qua, Hội LHPN các cấp đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm đoàn kết, tập hợp, vận động, phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của các tầng lớp phụ nữ trong cả nước. Bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương, các cấp hội đã triển khai phong trào thi đua, các cuộc vận động, các nhiệm vụ trọng tâm, góp phần nâng cao năng lực và chất lượng đời sống mọi mặt cho hội viên, phụ nữ. Trong đó, có các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thiết thực đóng góp vào phát triển kinh tế xanh của đất nước như: Vận động hội viên, phụ nữ chủ động tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng hành cùng nữ doanh nhân phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững. Nhiều sáng kiến, ý tưởng về sản xuất sạch, chế biến sạch, tiêu dùng sạch, mô hình phụ nữ sống xanh được phụ nữ cả nước hưởng ứng.

img_3309.jpeg

Phóng viên: Thời gian gần đây, Hội LHPN tỉnh liên tục tổ chức những hội thảo, tập huấn, hội thi với sự tham gia đông đảo của hội viên. Điều gì khiến bà còn trăn trở?

Bà Phan Thị Vi Vân: Trong nền kinh tế số như hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ do phụ nữ làm chủ còn vướng rất nhiều rào cản trong quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp. Họ có ít thông tin về cơ chế hỗ trợ và quy trình phát triển kinh doanh nói chung. Điều này ảnh hưởng đến việc lập kế hoạch kinh doanh dài hạn và quản lý công việc hàng ngày; đối với các chương trình đào tạo và tư vấn hiện có, học viên cho biết họ thường nghe nói về các chương trình hỗ trợ này nhưng lại nhận được rất ít thông tin chính thức về cách thức đăng ký hoặc gặp khó khăn do thủ tục hành chính và quy định về tiêu chí hợp lệ phức tạp. Trong đó, mấu chốt vẫn là hạn chế về kỹ năng quản lý, tiếp thị và quản trị kinh doanh: kỹ năng yếu trong quản lý, tiếp thị và quản trị kinh doanh là rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Ngoài ra, họ cũng chỉ ra tình trạng thiếu cơ hội đào tạo và nâng cao năng lực dành riêng cho các doanh nhân nữ đang tìm cách cải thiện kỹ năng quản lý, về tiếp cận công nghệ, khó khăn trong quá trình chuyển đổi số này do thiếu kiến thức và hỗ trợ kỹ thuật.

nhan.jpg

Phóng viên: Rõ ràng họ vẫn còn khó khăn trong sự vận hành khi khởi nghiệp?

Bà Phan Thị Vi Vân: Hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, đặc biệt qua Đề án 939 ở địa phương, còn một số hạn chế do công tác phối hợp giữa các bên tham gia thực hiện Đề án còn chưa thực sự chặt chẽ; công tác tăng cường hợp tác quốc tế, huy động nguồn lực, công tác phối hợp lồng ghép hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp chưa thực sự được quan tâm thỏa đáng; công tác kết nối, xây dựng mạng lưới hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp chưa được chặt chẽ, sâu rộng.

Nhìn nhận thực tế thì hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chưa có chiến lược dài hạn, chưa bắt kịp nhu cầu phát triển của doanh nghiệp; nguồn lực hỗ trợ (nhân lực và kinh phí tổ chức các hoạt động) còn hạn chế. Công tác tuyên truyền chưa có nhiều đổi mới, việc hướng dẫn, tư vấn còn lúng túng; một số HTX được hội hỗ trợ, nhưng phát triển chưa thực chất...

img_3311.jpeg
dsc05352.jpg

Phóng viên: Trong nhiều mô hình gần đây cho thấy sự năng nổ của phụ nữ hiện nay, nhất là các bạn nữ trẻ, tuy nhiên họ vẫn đang khó khăn khi tiếp cận với thị trường và đầu ra? Có phải họ đang cần đòn bẩy chính sách?

Bà Phan Thị Vi Vân: Việc hỗ trợ hội viên, phụ nữ tiếp cận thị trường và mở rộng kinh doanh là một trong những mục tiêu quan trọng của các chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Tôi nghĩ, họ cần có đòn bẩy chính sách có thể giúp hội viên, phụ nữ đạt được mục tiêu này. Thứ nhất, hỗ trợ về vốn, họ cần vay vốn ưu đãi từ các chương trình cho vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp, thủ tục đơn giản sẽ giúp hội viên có đủ nguồn vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Và Nhà nước có thể bảo lãnh một phần khoản vay cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, giúp giảm rủi ro cho các tổ chức tín dụng và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phụ nữ tiếp cận vốn.

Bên cạnh đó, họ cần hỗ trợ về đào tạo và nâng cao năng lực từ các khóa đào tạo về kỹ năng kinh doanh, quản lý, tiếp thị, thương mại điện tử sẽ giúp hội viên nâng cao năng lực cạnh tranh. Tham gia các sự kiện này giúp hội viên cập nhật thông tin thị trường, học hỏi kinh nghiệm từ các doanh nghiệp khác... Cùng với những hỗ trợ về pháp lý, kết nối, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, phát triển các sản phẩm đặc trưng… sẽ góp phần tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, giúp hội viên, phụ nữ tự tin hơn trong việc khởi nghiệp và phát triển kinh doanh, từ đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

QUANG NHÂN (THỰC HIỆN)


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tuy Phong: Những mô hình hợp tác xã mang lại hiệu quả kinh tế
Sự chuyển biến rõ nét nhất ở các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác nông nghiệp là việc hình thành các mô hình sản xuất gắn với chuỗi giá trị, tạo ra vùng canh tác tập trung nhằm cung ứng sản lượng hàng hóa đạt chất lượng theo nhu cầu của thị trường. Thời gian qua, tại huyện Tuy Phong, nhiều mô hình kinh tế tập thể đã có nhiều bước đi đột phá cho những mục tiêu trên.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần “đòn bẩy” cho phụ nữ phát triển kinh tế trong cách mạng chuyển đổi số