Lượng khách tăng đột biến, trong khi hạ tầng giao thông chưa đáp ứng, nên có những thời điểm xảy ra ùn tắc, kẹt xe cục bộ. Các bãi đậu xe của các khách sạn, nhà hàng, resort quá tải, khách phải đậu xe trên lề đường, vỉa hè và cả dưới lòng đường, góp phần gây cản trở, ùn tắc giao thông.
Để hạn chế ùn tắc, lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè làm nơi đậu, đỗ xe, gây mất trật tự giao thông ở KDL quốc gia Mũi Né. Mới đây TP Phan Thiết đã có chủ trương bố trí tạm thời 5 vị trí đậu, đỗ xe phục vụ du lịch tại phường Hàm Tiến, tranh thủ cả đường xuống biển giữa các khu du lịch, trường học, sân bóng, hay lòng đường Võ Nguyên Giáp. Nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời, tình thế.
Nhìn rộng ra nhiều thành phố du lịch khác. Cảnh quá tải xe cộ, đường sá tắc nghẽn không di chuyển được, đã xảy ra ở TP. Đà Lạt, nhất là dịp lễ, tết. Chính quyền thành phố đã phải kêu gọi nhân dân địa phương thông cảm và chia sẻ, bằng cách chỉ sử dụng xe máy, hạn chế dùng ô tô, để nhường đường cho khách.
Còn khách đến TP. Vũng Tàu lại lo không có chỗ đậu xe, những ngày lễ, tết bãi đậu xe quá tải, nên nhiều du khách không biết để xe đâu, phải đậu bừa qua đêm trên vỉa hè, lề đường, góc phố, vừa không yên tâm cho “xế yêu” của mình, vừa gây bức xúc cho người dân địa phương.
Nhiều nơi cũng đang phải “chữa cháy” bằng cách cải tạo một số khu đất trống làm bãi đậu xe cho du khách, để giảm ùn tắc trong các dịp lễ tết. Trong lúc chờ quy hoạch xây dựng các bãi đậu xe ngầm hay bãi đậu xe cao tầng trong thành phố.
TP. Phan Thiết cần sớm xúc tiến việc gọi vốn đầu tư xã hội hóa vào xây dựng bãi đậu xe ở các tuyến đường tập trung đông khách. Việc này cần làm gấp vì dự báo lượng khách và phương tiện đến Phan Thiết - Mũi Né sẽ còn tăng nhanh trong thời gian tới. Chỉ tiêu đặt ra đến năm 2025 Bình Thuận sẽ đón từ 8-9 triệu lượt khách/năm, chủ yếu dồn về KDL quốc gia Mũi Né.
Được biết, một đô thị phải có từ 3-4% diện tích đất dành cho giao thông tĩnh. TP Phan Thiết đang dành bao nhiêu phần trăm?