Theo dõi trên

Cầu nối vững chắc giữa nông dân với Đảng, Nhà nước. Bài 3

30/08/2024, 20:30

Bài 3: Lấy người nông dân là trung tâm và động lực phát triển

BTO- Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với hội nông dân và phong trào nông dân. Song song, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, xây dựng tổ chức hội là trách nhiệm của hệ thống chính trị và xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong đó chủ yếu, trực tiếp là cấp ủy, chính quyền và ban chấp hành hội nông dân các cấp.

Đây là một trong số những quan điểm chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận (khóa XIV) trong Chương trình hành động số 79 – Ctr/TU ngày 24/3/2024 về thực hiện Nghị quyết số 46 -NQ/TW về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.

Phát triển nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh

Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đã xác định: Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế; nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Nghị quyết số 46-NQ/TW đã khẳng định rất rõ sự quan tâm của Đảng đối với việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.

0ad845a381dd26837fcc.jpg
Nông dân thực hiện mô hình “Cánh đồng không rác thải”.

Kết quả từ mô hình “Cánh đồng không rác thải” do Hội nông dân tỉnh phát động ở các cấp hội cơ sở nhằm hưởng ứng tiêu chí về môi trường khi địa phương thực hiện về đích xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Nam Chính (Đức Linh) là một điển hình tại Bình Thuận. Theo đó, thay vì vứt bừa bãi bao bì, vỏ chai lọ thuốc bảo vệ thực vật như trước, nay người dân sau khi phun thuốc đã thu gom rác vào các bể thu gom rác thải trong sản xuất nông nghiệp được đặt ngay tại ven đường để xử lý. Không chỉ riêng Nam Chính mà dọc trên những cánh đồng sản xuất lúa quy mô lớn tập trung hay vùng nguyên liệu sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, canh tác sầu riêng an toàn của các xã như Sùng Nhơn, Mê Pu, xã Đa Kai (Đức Linh), Bắc Ruộng (Tánh Linh), Hàm Minh, Thuận Quý (Hàm Thuận Nam)... đều được đặt những bể thu gom rác thải trong sản xuất nông nghiệp. Nông dân Lê Văn Xá (thôn 1, xã Bắc Ruộng, Tánh Linh) cho biết, nông dân chúng tôi đều vui mừng và ý thức được tác hại của rác thải nông nghiệp nên luôn bỏ rác vào bể, góp phần bảo vệ môi trường và bảo vệ chính sức khỏe của mình.

2ead4c43893d2e63772c.jpg
Hội Nông dân tỉnh triển khai mô hình thu gom rác thải nông nghiệp tại xã Sùng Nhơn.

Cùng với việc vận động bà con nông dân thu gom, bỏ rác đúng nơi quy định để những cánh đồng trên địa bàn tỉnh không còn rác thải, Hội Nông dân tỉnh thực hiện mô hình canh tác lúa thân thiện môi trường thuộc Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường”, do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam triển khai.

e7a76adbdda57afb23b4(2).jpg
Nông dân Tuy Phong áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường.

Cùng với 24 tỉnh, thành trong cả nước, tại Bình Thuận dự án được triển khai thực hiện từ năm 2021 trên địa bàn 4 xã Phú Lạc, thị trấn Liên Hương (huyện Tuy Phong), xã Hải Ninh, xã Hồng Thái (huyện Bắc Bình). Việc triển khai mô hình đã góp phần hỗ trợ nông dân sản xuất theo hướng hiện đại và bền vững, giảm thiểu những tác động xấu ảnh hưởng đến môi trường; tạo điều kiện phát triển sinh thái đồng ruộng, giảm tác động của dịch hại, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh; tăng khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp với 3 khâu kỹ thuật là: tưới ướt khô xen kẽ, giảm phân hóa học và xử lý rơm rạ. Những mô hình, dự án mang lại hiệu quả của Hội nông dân các cấp đã từng bước phát huy vai trò nòng cốt chính trị, hướng về cơ sở, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao hiệu quả các hoạt động hỗ trợ nông dân, phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước.

Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với hội nông dân

Thực hiện Nghị quyết của Trung ương, Chương trình hành động số 79 -CT/TU của Tỉnh ủy Bình Thuận nêu rõ một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần thực hiện trong thời gian tới. Đó là đổi mới tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết nông dân, nâng cao hiệu quả phong trào nông dân.

8726b771760fd151881e.jpg
Hội Nông dân TP. Hà Nội và Hội Nông dân Bình Thuận tổ chức hoạt động tặng quà cho nông dân có hoàn cảnh khó khăn tại Bình Thuận.

Bên cạnh, cùng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ hội đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nghề cho nông dân, lao động nông thôn và hoạt động dịch vụ, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Động viên nông dân tích cực tham gia các chương trình mục tiêu quốc gia, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động.

Đồng thời phát huy vai trò của hội nông dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh…Nhất là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phối hợp chính quyền, mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và các hội quần chúng với hội nông dân. Trong đó, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với hội nông dân. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo…Lãnh đạo cấp ủy đảng, chính quyền định kỳ làm việc với hội nông dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, giải quyết khó khăn vướng mắc trong hoạt động hội. Khuyến khích đảng viên ở nông thôn tham gia sinh hoạt trong tổ chức hội. Cùng với việc tạo điều kiện cho hội nông dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách , pháp luật của nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn…

Ông Nguyễn Phú Hoàng - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết thêm, các cấp Hội thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thể hiện tốt vai trò nòng cốt của Hội trong đổi mới và nâng cao hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, liên kết làm dịch vụ, tạo vốn, đào tạo nghề, giải quyết việc làm...

8381bf02180fbf51e61e.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh làm việc với Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh về công tác tổ chức Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2023 - 2028 (thời điểm giữ vai trò là Phó Bí thư Tỉnh ủy).

Để thực hiện tốt Nghị quyết số 46-NQ/TW, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã tập trung xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết đồng bộ, phù hợp với thực tiễn hoạt động của các cấp Hội và các phong trào nông dân trong giai đoạn mới đảm bảo cụ thể, thiết thực, hiệu quả để Nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Coi trọng quá trình tổ chức thực hiện nhằm phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới bền vững. Từ đó xây dựng hội nông dân các cấp trở thành cầu nối vững chắc giữa nông dân với Đảng, Nhà nước, góp phần tích cực cùng Đảng bộ tỉnh nhà đạt được những thành tựu quan trọng trong thời gian tới.

 Nội dung Nghị quyết số 46 -NQ/TW của Bộ Chính trị đặt mục tiêu: Hằng năm, cả nước phấn đấu kết nạp từ 200.000 hội viên nông dân mới trở lên; 100% cán bộ hội nông dân chuyên trách các cấp, chi hội trưởng chi hội nông dân được bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ; thành lập mới 5.000 tổ hội nông dân nghề nghiệp, 500 chi hội nông dân nghề nghiệp. Riêng Tỉnh ủy Bình Thuận đặt mục tiêu hằng năm phấn đấu kết nạp 2.000 hội viên nông dân mới trở lên; đào tạo, bồi dưỡng nghề cho 3.700 hội viên nông dân, lao động nông thôn; thành lập mới 248 tổ hội nông dân nghề nghiệp, 124 chi hội nông dân nghề nghiệp trở lên…

Bài 1: Hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế

Bài 2: Khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng phong trào nông dân

KIỀU HẰNG - NGỌC HÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Ấn tượng gian trưng bày sản phẩm nông nghiệp tại Đại hội Hội LHTN Hàm Thuận Nam
BTO-Sáng 8/8, Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) huyện Hàm Thuận Nam tổ chức Đại hội đại biểu Hội LHTN Việt Nam huyện lần thứ VII, nhiệm kỳ 2024 – 2029. Trong khuôn khổ đại hội tại hội trường huyện Hàm Thuận Nam, gian hàng trưng bày sản phẩm của thanh niên thu hút sự quan tâm của đông đảo người xem.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cầu nối vững chắc giữa nông dân với Đảng, Nhà nước. Bài 3