Với giải pháp phát triển nông nghiệp tuần hoàn ứng dụng trong hợp tác xã, người tham dự tiếp nhận thông tin về mô hình sản xuất nông nghiệp khép kín. Sử dụng các chất thải, phế phụ phẩm trong nông nghiệp làm nguyên liệu đầu vào để tái tạo, sản xuất ra sản phẩm chất lượng đáp ứng với nhu cầu thị trường. Qua đó giúp tối ưu việc sử dụng tài nguyên, giảm lãng phí và góp phần giảm phát thải nhà kính, bảo vệ môi trường. Chẳng hạn, mô hình nuôi trùn quế; mô hình vườn ao chuồng; mô hình lúa - tôm; lúa - cá; mô hình 7R của kinh tế tuần hoàn gồm Rethink (thay đổi tư duy), Refuse (từ chối), Reduce (giảm), Reuse (tái sử dụng), Recycle (tái chế), Repair (Sửa chữa) và Replace (thay thế)…
Theo Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Bình Thuận có 226 HTX thì có 165 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm tỷ lệ 73%. Với nhiều nỗ lực trong thời gian qua, các HTX thay đổi phương thức sản xuất, từng bước ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, dần chuyển sang sản xuất nông nghiệp sử dụng các sản phẩm đầu vào có nguồn gốc hữu cơ, tự nhiên để giảm thiểu chi phí, nâng cao giá trị sản phẩm. Từ những ưu thế hiện có về đất đai, nhân lực và tài nguyên bản địa, các HTX tận dụng để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, hướng đến một nền sản xuất bền vững, bảo vệ môi trường.