Nếu ai một lần được đến với mảnh đất thân yêu ấy mới cảm nhận của những đội thuyền xưa kia làm nên cột mốc lịch sử khẳng định chủ quyền của vùng đất xa bờ hàng trăm km…”.
Những lời giới thiệu mở đầu đầy hùng hồn và thật duyên dáng của thí sinh Huỳnh Thị Thúy An về mảnh đất Trường Sa – Hoàng Sa đã thu hút và chinh phục độc giả, Ban giám khảo của cuộc thi “Sách và khát vọng cống hiến” do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức. Với lối dẫn chuyện mượt mà, thu hút, Thúy An đã chọn cuốn sách “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa” của Thượng úy Nguyễn Xuân Thủy và đã vượt qua gần 1.750 bài dự thi khắp cả nước tham gia dự thi để đạt giải Nhất. Đây là cuốn sách của Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành vào năm 2011, đạt giải vàng tại Lễ trao giải thưởng sách Việt Nam lần thứ 8 năm 2012 do Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức. Với một tình yêu da diết về Trường Sa, Thúy An đã cho bạn đọc chuyến du lịch tham quan Trường Sa qua 90 trang sách chỉ trong gần 30 phút với những hình ảnh hết sức sống động và đáng tự hào về vùng đất này.
Chỉ có thương và cảm mến Trường Sa, người giới thiệu sách mới đề cập từng chi tiết trong sách đến với mọi người một cách cuốn hút như thế với từng “thước phim” chiếu chậm như: Ra đảo, Mùa biển lặng, Mùa biển động, Kỳ thú biển trời Trường Sa, Thám hiểm đáy biển Trường Sa và Những người giữ đảo. Bạn đọc cứ ngỡ như mình đang được ở Trường Sa, được ngắm cảnh, cảm nhận cái nắng, gió, trò chuyện với con người trên đảo vậy.
Gặp An vào những ngày cuối năm, bản thân An dù rất bận rộn cho công việc tại trường, nhưng những cảm xúc về một Trường Sa - Hoàng Sa trong cô vẫn luôn hiện diện như mới được đến nơi và về. An nói về Trường Sa, như nói về ngôi nhà thứ 2 mà mình được sống tại đó. An kể về những con sóng có lúc hiền lúc dữ, những đảo nổi đảo chìm và nhà giàn, những mùa gió thổi làm con người nơi đó hanh hao, rồi kể về những cây bàng vuông, bàng tròn sừng sững giữa thời tiết khắc nghiệt. Ở đó đặc biệt là những cái tết của những chiến sĩ xa nhà, thiếu thốn không khí gia đình… nhưng họ luôn vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ canh giữ đất trời Tổ quốc. Hơn 10 năm trước, An cũng từng đạt giải nhì cấp tỉnh về cuộc thi cán bộ thư viện giỏi, rồi đạt giải 3 cấp quốc gia. Dường như những chủ đề An chọn dự thi cũng đều nói về mảnh đất nơi đầu sóng ngọn gió. “Phải chăng em đã yêu Trường Sa - Hoàng Sa mất rồi. Em muốn được một lần đặt chân tới đây, để cảm nhận hết những gì em thấy, để em có đủ kiến thức giới thiệu cho các bạn học sinh về một Trường Sa - Hoàng Sa mà không cần phải mượn từng hình ảnh trong trang sách biển, đảo hay trên mạng để giới thiệu cho các em nghe”, Thúy An bộc bạch.
Phụ trách công tác thư viện 13 năm nay, việc băn khoăn cho văn hóa đọc đang là nỗi lo lớn với An. Thực trạng hiện nay, ngày càng có nhiều bạn trẻ thờ ơ với sách, chỉ đam mê với điện thoại thông minh và các công cụ truy cập tiện lợi, lười tìm đến thư viện… khiến cô thủ thư trẻ luôn khát khao tìm tòi, sáng tạo từng giải pháp phù hợp để truyền cảm hứng đọc sách đến từng học sinh, khơi gợi niềm đam mê đọc sách. “Muốn họ tìm đến với sách, hơn ai hết mình phải đọc, cảm nhận được cái hay, cái mới để truyền cảm hứng đến với họ, nếu không cho dù sách có hay đến mấy cũng không có được độc giả đón nhận”, An chia sẻ.
Chính vì lẽ đó, tủ sách tại thư viện Trường THCS Phước Hội 2 (La Gi) - nơi Thúy An làm thủ thư luôn được làm mới từng ngày. An luôn bày bố, trang trí những góc đọc sách với đủ sắc màu ngộ nghĩnh, đặt những chiếc bàn xinh xắn dưới bóng mát ngoài sân tạo điểm nhấn lạ mắt để thu hút học sinh tìm tới mỗi ngày. Thư viện của trường An được xem như một “thư viện xanh” với rất nhiều đầu sách phong phú, cập nhật kịp thời những tác phẩm mới với nhiều tên sách hay của nhiều nhà xuất bản. An cho biết: Bằng rất nhiều hình thức khác nhau để truyền cảm hứng, có khi là giới thiệu sách trước cờ, kể chuyện em nghe vào những buổi ngoại khóa theo từng chủ đề, chủ điểm. Đặc biệt, trường An xây dựng tủ sách biển, đảo với gần 80 đầu sách đủ loại viết về Trường Sa – Hoàng Sa để góp thêm kiến thức cho các học sinh về mảnh đất biển, đảo thiêng liêng đã thu hút học sinh đến với sách ngày càng nhiều hơn.
Những cuốn sách mà An giới thiệu dường như đã làm Trường Sa xích gần hơn với cuộc sống ở đất liền, để các độc giả nhí thêm yêu và hiểu hơn cột mốc biên cương của Tổ quốc. Và An - cô thủ thư luôn yêu Trường Sa cũng mong muốn sẽ có thêm nhiều nguồn sách phong phú viết về Trường Sa - Hoàng Sa, để mỗi ngày được kể cho các em nghe về nơi ấy - nơi cột mốc biên cương khẳng định chủ quyền của Việt Nam, không ai dám ngang nhiên xâm phạm.