Theo dõi trên

Đảng lo “mạch sống” cho người dân vùng hạn. Bài 2:

23/05/2023, 05:18

Bài 2: Mong chờ dòng nước mát từ Hồ Ka Pét

Theo ngành chức năng tỉnh, với các công trình thủy lợi vừa và nhỏ đã xây dựng trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam thì năng lực tưới theo thiết kế là hơn 5.000 ha. Tuy nhiên trên thực tế chỉ đáp ứng tưới được khoảng 26% diện tích đất trồng cây hàng năm. Nếu mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp cũng như đáp ứng các nhu cầu phát triển công nghiệp, dịch vụ và sinh hoạt… thì dòng nước của dự án Hồ Ka Pét chính là niềm mong mỏi của chính quyền và người dân nơi đây.

Khát…

Theo nhận định của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh, những năm qua, tình trạng thiếu nước sản xuất và sinh hoạt đã và đang tiếp diễn trên diện rộng ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân trong tỉnh. Đặc biệt là ở một số khu vực vùng núi, vùng cao nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Hàm Thuận Nam sinh sống. Không chỉ thiệt hại lớn về kinh tế do cây trồng bị chết, bị giảm năng suất, đất sản xuất bỏ hoang mà trong đời sống hàng ngày, người dân cũng chật vật xoay xở tìm nguồn nước sinh hoạt.

ho-chua-nuoc-tan-lap-anh-n.-lan-.jpg
Hồ chứa nước xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam cạn kiệt vào cao điểm mùa khô. 

Gần đây nhất vào năm 2020, tỉnh Bình Thuận công bố tình trạng khẩn cấp do hạn hán cấp độ 2 xảy ra trên địa bàn. Toàn tỉnh đã phải cắt giảm gần 14.000 ha diện tích cây trồng trong vụ đông - xuân và hơn 30.000 ha lúa vụ hè - thu không thể sản xuất, chờ mưa và hơn 30.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Nhiều diện tích cây trồng lâu năm ở các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Tân... không có nguồn nước thủy lợi để tưới. Hàng ngàn ha thanh long bị khô hạn, nhiều vườn bị héo úa do không có nước trong thời gian dài, gây thiệt hại nặng nề cho nông dân địa phương. Nguồn nước ngầm bị suy giảm mạnh. Các giếng khoan, giếng đào hầu hết đều trong tình trạng cạn nước, có nhiều khu vực không còn nước hoặc nhiễm mặn.

ho-thuy-loi-song-mong-anh-n.-lan-1-1-.jpg
Hồ Sông Móng trơ đáy vào mùa khô. 

Không chỉ vậy, nước sinh hoạt cũng thiếu trầm trọng, nhất là địa bàn Hàm Thuận Nam và Hàm Tân. Năm đó, toàn tỉnh có 38 xã, phường, thị trấn thiếu nước sinh hoạt cục bộ. Hơn 26.000 gia đình với trên 97.000 người ở khu vực nông thôn thiếu nước sinh hoạt… Trước tình hình trên, tỉnh đã yêu cầu các sở ngành liên quan và các địa phương khẩn trương thực hiện ngay những giải pháp ứng phó, nhằm hạn chế thiệt hại cho sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân; huy động mọi lực lượng vận chuyển nước sinh hoạt, không để người dân thiếu nước uống do hạn hán. Ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền về diễn biến hạn hán để người dân chủ động tích trữ, sử dụng tiết kiệm nguồn nước, tỉnh Bình Thuận cũng đã triển khai cấp bách các giải pháp để dẫn nước, trữ nước, cấp nước, nhất là kéo các đường ống nước từ các hồ chứa bổ sung nước cho các nhà máy nước và đến các khu dân cư thiếu nước sinh hoạt. Trước mắt, để giải quyết vấn đề thiếu nước, các địa phương đã tổ chức chở nước về cấp cho người dân ở những vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Thực tế những năm gần đây, do diễn biến thời tiết cực đoan dưới tác động của biến đổi khí hậu, tình hình khô hạn kéo dài và thường xuyên xảy ra, nhất là đối với các xã vùng cao huyện Hàm Thuận Nam. Điều đáng nói là liên tục trong nhiều năm, tình trạng khô hạn xảy ra với mức độ ngày càng khốc liệt đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, an sinh xã hội và phát triển kinh tế của địa phương. Trong khi đó các công trình thủy lợi trong khu vực hầu hết là các công trình nhỏ, đập dâng chỉ nhờ dòng chảy cơ bản không có khả năng điều tiết nên không thể đảm bảo nguồn nước để phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt và phát triển kinh tế.

Chính vì vậy, vấn đề đặt ra là phải đảm bảo nguồn nước. Đây là yếu tố then chốt, khó khăn nhất của khu vực phía nam tỉnh nói chung và huyện Hàm Thuận Nam nói riêng trong nhiều năm qua, là yếu tố mang tính sống còn quyết định đến việc phát triển ổn định, bền vững ở hiện tại cũng như trong tương lai.

z4346021306488_4ee3a366da1d98ec56a84ab774f44984.jpg
Phối cảnh Hồ chứa nước Ka Pét.

Hồ Ka Pét – “mạch sống” tương lai

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu khiến tình hình hạn hán diễn ra ngày một phức tạp và khốc liệt ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân, giải pháp đầu tư xây dựng hồ chứa có dung tích lớn sẽ góp phần quan trọng trong việc khắc phục tình trạng hạn trong phạm vi huyện Hàm Thuận Nam và vùng phía nam Bình Thuận. Mặt khác, theo Quy hoạch phát triển thủy lợi Bình Thuận giai đoạn 2011 - 2020 tầm nhìn 2030, dự báo vùng phía nam của tỉnh Bình Thuận sẽ thiếu 153 triệu m3 (chiếm 55% toàn tỉnh), trong đó lưu vực sông Cà Ty – hồ Ka Pét thiếu 111,7 triệu m3, chiếm 73% tổng lượng thiếu của vùng nam Bình Thuận. Như vậy, để đáp ứng nhu cầu nước cho sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác thì việc đầu tư xây dựng hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam là rất cần thiết và cấp bách.

z4346020886380_81bde6287129448b109c302550d2006a.jpg
Hồ chứa nước Ka Pét có dung tích chứa hơn 51 triệu m3.

Chia sẻ về tầm quan trọng của dự án, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Dương Văn An cho biết: Dự án Hồ chứa nước Ka Pét là dự án đầu tư xây dựng mới với tầm quan trọng quốc gia, được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV (Nghị quyết số 93). Dự án có thời gian chuẩn bị đầu tư từ năm 2016 - 2019 mới được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Đây là mong chờ và là niềm vui rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Thuận. Mục tiêu đầu tư của dự án đã được Quốc hội ban hành chủ trương đầu tư, đó là cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp; cấp nước thô cho khu công nghiệp và sinh hoạt của người dân; phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận.

Dự án bao gồm công trình hồ chứa nước, các công trình đầu mối và hệ thống các kênh thuộc địa phận xã Mỹ Thạnh và Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam. Sau khi hoàn thành, dự án cấp nước tưới trực tiếp cho trên 7.000 ha gồm khu tưới Mỹ Thạnh, Hàm Cần; bổ sung nước kênh Sông Linh – Cẩm Hang; tiếp nước để mở rộng cho khu tưới của hồ Sông Móng; cấp nước thô cho Khu công nghiệp Hàm Kiệm II và nước sinh hoạt cho khoảng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và TP. Phan Thiết. “Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, hạn hán thường xuyên, nguồn nước khan hiếm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân, việc đầu tư xây dựng hồ chứa nước Ka Pét có quy mô dung tích chứa hơn 51 triệu m3 sẽ góp phần quan trọng trong việc khắc phục tình trạng hạn và phát triển kinh tế - xã hội cho huyện Hàm Thuận Nam và vùng phía nam Bình Thuận” - Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An chia sẻ thêm.

Có thể khẳng định, Dự án Hồ chứa nước Ka Pét phù hợp với tâm tư, nguyện vọng và mong muốn của nhân dân về vấn đề nước cho sản xuất và sinh hoạt. Vì tính chất quan trọng, cần thiết đó mà từ nhiều năm nay dự án Hồ chứa nước Ka Pét là công trình nhận được sự quan tâm rất lớn của các cấp chính quyền, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XIV, khóa XV và chính quyền, nhân dân huyện Hàm Thuận Nam...

Hồ Ka Pét sẽ cấp nước tưới cho 7.762 ha, gồm khu Mỹ Thạnh, khu đập Hàm Cần, khu Sông Linh – Cẩm Hang, khu hồ Ba Bàu, khu Sông Móng; cấp nước thô cho Khu công nghiệp Hàm Kiệm II khoảng 2,63 triệu m3/năm, phục vụ nước sinh hoạt của khoảng 120.000 người dân. Đồng thời hồ Ka Pét sẽ điều tiết, giảm lũ, cải tạo môi trường và phát triển du lịch bằng cách trung chuyển nước từ hồ La Ngà 3 (khi hồ được xây dựng) sang lưu vực sông Cà Ty với lưu lượng lớn nhất khoảng 8,30 m3/s để cấp nước tưới cho nông nghiệp, cho sinh hoạt, công nghiệp, du lịch – dịch vụ và điều tiết nước cho vùng hạ du gồm huyện Hàm Thuận Nam và TP. Phan Thiết…

Bài 1: Chật vật đi tìm mạch nguồn sự sống

Bài 3: Niềm vui lớn đã đến rất gần...

THU HÀ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Đoàn công tác của Quốc hội khảo sát về điều chỉnh dự án Hồ chứa nước Ka Pét
BTO- Tại buổi làm việc với UBND tỉnh về dự án hồ chứa nước Ka Pét chiều qua (8/3), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy đã chia sẻ với khó khăn của tỉnh Bình Thuận do ảnh hưởng khô hạn, thiếu nước đồng thời ủng hộ tỉnh trong việc thực hiện dự án.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đảng lo “mạch sống” cho người dân vùng hạn. Bài 2: