Bài 1: Chật vật đi tìm mạch nguồn sự sống
Trung tuần tháng 5, những cơn mưa rào mùa hạ chợt đến rồi vội vã đi khiến cho “cơn khát” của người dân 2 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số Hàm Cần, Mỹ Thạnh - huyện Hàm Thuận Nam chưa thể vơi. Người dân nơi đây đã và đang loay hoay tìm nguồn nước để sinh hoạt và sản xuất...
Giếng “mọc” giữa đáy sông
9 giờ sáng. Ông Mang Văn Nở ở thôn 1 - xã Hàm Cần - huyện Hàm Thuận Nam cùng một số hộ dân trong xóm lại tay cuốc, tay xẻng đi về phía cuối nguồn sông Linh đào giếng chắt nước để dùng sinh hoạt và cho gia súc uống. Là con sông lớn nhất xã Hàm Cần, không biết tự bao giờ, sông Linh trở thành mạch nguồn sự sống của người dân nơi đây. Dù mới đầu mùa hạ nhưng dòng sông Linh đã cạn kiệt, trơ đáy. Nhiều khúc sông Linh đá cát dưới lòng sông lộ thành từng bãi dài hàng chục mét. Dạo bước trên thảm đá của đáy sông, chúng tôi cảm nhận được sức nóng tưởng chừng như có thể làm tan chảy cả đôi giày. Phía xa xa là một cánh đồng cây cỏ héo khô, phủ một màu bàng bạc.
Ông Mang Văn Nở tay vừa cuốc đất không ngừng nghỉ, vừa nói với tôi, mấy năm trước gia đình ông có thanh long nhưng vì không có nước tưới nên đành nhổ bỏ để trồng bắp lai. Dù vậy, bây giờ là mùa nắng, đất khô cằn nên không xuống giống được, ông Nở đào giếng trước mắt là để lấy nước sinh hoạt. “Năm nào cũng vậy, cứ vào cao điểm mùa khô, khoảng 3, 4 hộ dân trong làng góp công đào giếng ở cuối dòng sông Linh này. Sau đó, góp tiền mua máy bơm nước từ dưới sông lên rồi lọc, để lắng cặn và sử dụng. Nước này dùng để uống, rửa rau, rửa chén, tắm giặt và tất cả mọi sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày” - ông Nở cho biết. Chia sẻ về tình trạng thiếu nước tại thôn 1, ông Mang Cẩn - Trưởng thôn cho biết: Thôn 1 chủ yếu là đồng bào dân tộc Raglai (Rắc-lây). Toàn thôn có 525 hộ với 1.867 khẩu, tổng diện tích cây trồng của thôn là 800 ha, 100% đều phụ thuộc nước trời. “Có mưa có nước, hết mưa là hết nước luôn. Toàn thôn có khoảng 100 ha thanh long nhưng cũng đang thoi thóp chờ nước trời, diện tích còn lại đều bỏ trống, trơ trọi” - ông Cẩn nói.
Chia tay xã Hàm Cần, chúng tôi men theo con đường liên xã, băng qua 10 km đường rừng để đến với xã Mỹ Thạnh tìm hiểu tình hình thiếu nước. Giữa cái nắng gay gắt, chị Nguyễn Thị Mỹ vẫn tất tả đi lượm phân bò kiếm tiền nuôi sống gia đình và cho con cái đi học. “2 sào đất lúa tui đã bỏ không mấy tháng nay, dù đã thử nhiều cách để tìm nguồn nước sinh hoạt và sản xuất nhưng chúng tôi đành bất lực vì các con mương, con suối trong làng đã khô cạn” - chị Mỹ buồn rầu nói.
Ông Trần Ngọc Quảng - Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thạnh cho biết: Mỹ Thạnh có gần 300 hộ dân là đồng bào dân tộc Rai sống phụ thuộc vào nông nghiệp nhưng hiện tại toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của xã chỉ sản xuất được 1 vụ nhờ vào nước trời. Các chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp để đồng bào thoát nghèo không phát huy tác dụng vì người dân không có nước sản xuất. Hiện đời sống kinh tế tại đây vô cùng khó khăn, những người dân trong xã đều phải đi làm mướn, lượm phân bò hoặc phải vào rừng kiếm mật ong, trái rụng. Việc phát triển kinh tế - xã hội của xã hết sức khó khăn, dù chưa chính thức bước vào mùa hạn nhưng diện tích đất nông nghiệp của xã phải bỏ không do thiếu nước...
Mong mỏi... nguồn nước
Theo đại diện lãnh đạo huyện Hàm Thuận Nam, toàn huyện hiện có khoảng 23 công trình thủy lợi có khả năng khai thác nước với tổng năng lực thiết kế tưới khoảng 12.656 ha, diện tích thực tưới khoảng 6.081 ha. Do đa số là đập dâng và ao bàu nhỏ, nên khả năng trữ nước để cung cấp trong mùa khô rất hạn chế, chỉ tưới được trên 13,50% diện tích đất sản xuất của toàn huyện. Không chỉ vậy, cuộc sống của người dân các xã khu vực vùng núi, vùng cao nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Mỹ Thạnh, Hàm Cần hầu hết còn gặp nhiều khó khăn do thường xuyên bị thiếu nước cho sản xuất, sinh hoạt. Nước trên các sông đã được khai thác từ lâu, phục vụ mọi hoạt động của con người như sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, nuôi thủy sản... Nguồn nước ngầm hiện nay đang bị khai thác tràn lan, thiếu kiểm soát để phục vụ tưới chủ yếu cho cây thanh long, dẫn đến tình trạng cạn kiệt và xâm nhập mặn xảy ra ở nhiều nơi. Tuy nhiên, do các công trình đã xây dựng có quy mô nhỏ, hầu hết là đập dâng khai thác dòng chảy cơ bản nên hiệu quả chưa cao, và sẽ không đáp ứng yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai.
Nhằm đảm bảo đủ nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất vụ đông xuân 2022 - 2023, ngay từ đầu tháng 4/2023, UBND huyện Hàm Thuận Nam ban hành kế hoạch điều tiết nguồn nước phục vụ cấp nước sinh hoạt và nước tưới mùa khô năm 2023. Kế hoạch nêu rõ, tính đến ngày 3/4/2023, dung tích hữu ích của các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện là 18,755 triệu m3. UBND huyện yêu cầu tổ chức quản lý, điều tiết hợp lý nguồn nước của các ao, hồ, đập thủy lợi phục vụ cho kế hoạch sản xuất đông xuân 2022 – 2023. Trong đó, ưu tiên cân đối cấp đủ nước vào mục đích sinh hoạt đến ngày 30/6/2023, sau đó cân đối điều tiết phục vụ sản xuất và nước uống cho đàn gia súc trong mùa khô. Riêng cấp nước sinh hoạt, ưu tiên nguồn nước cung cấp phục vụ vào mục đích sinh hoạt cho nhân dân. Phấn đấu cấp đủ nước vào mục đích sinh hoạt đến ngày 30/6/2023. Các xã quản lý và khai thác tốt các nguồn cung cấp nước sinh hoạt hiện có trong nhân dân như giếng khoan, giếng đào... Riêng các hệ thống nước, thường xuyên kiểm tra nguồn cung cấp nước để có kế hoạch phân phối nước sinh hoạt theo nhu cầu sử dụng của nhân dân.
UBND huyện Hàm Thuận Nam cũng lưu ý đối với các khu vực nguồn nước giếng bị cạn kiệt đang gặp khó khăn về nước sinh hoạt, UBND các xã, thị trấn tổ chức phát động nhân dân nạo vét, tu sửa các giếng hiện có. Đồng thời đào các giếng tạm ở các sông suối đã cạn nước, bảo vệ những khúc sông sâu còn đọng nước để khai thác sử dụng, tránh bị ô nhiễm; vận động nhân dân đóng góp tổ chức khoan giếng tập thể để có nguồn nước hợp vệ sinh sử dụng. Đối với những vùng thiếu nước sinh hoạt sau ngày 30/4/2023, UBND các xã, thị trấn xây dựng phương án hỗ trợ cấp nước cho các đối tượng ưu tiên như hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt tại các xã Hàm Cần, Mỹ Thạnh, Tân Lập...
Ông Nguyễn Văn Phúc - Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam cho biết: Trong những năm qua, vào cao điểm mùa khô huyện đều bị thiếu nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Đặc biệt mới vào đầu mùa khô 2023, huyện đã phải cắt nước tưới thanh long trong vòng một tháng để đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân. Riêng đối với 2 xã Mỹ Thạnh và Hàm Cần hầu như đất sản xuất nông nghiệp bị thiếu nước trầm trọng, quá trình sản xuất gặp thiên tai nắng hạn gây thiệt hại cho sản xuất của bà con, đặc biệt là cây bắp lai. Đối với cây thanh long và cây màu khác cũng trong tình cảnh tương tự... Chính vì vậy, chính quyền và nhân dân huyện Hàm Thuận Nam mong muốn Quốc hội, tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng hồ Ka Pét bởi đây là bức xúc nhất của huyện và cũng là mong mỏi bấy lâu của người dân, đặc biệt là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số Hàm Cần, Mỹ Thạnh.
“Năm nào cũng vậy, cứ vào cao điểm mùa khô, khoảng 3, 4 hộ dân trong làng góp công đào giếng ở cuối dòng sông Linh này. Sau đó, góp tiền mua máy bơm nước từ dưới sông lên rồi lọc, để lắng cặn và sử dụng” - ông Mang Văn Nở ở thôn 1 - xã Hàm Cần chia sẻ.