Theo dõi trên

“Điểm sáng” trong chính sách giảm nghèo

15/08/2022, 06:04

Qua 20 năm thực hiện Nghị định 78/2002 của Chính phủ về việc ủy thác cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, nguồn vốn tín dụng đã thực sự đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình ủng hộ, là một “điểm sáng” trong chính sách giảm nghèo tại huyện Hàm Thuận Nam.

Hiệu quả từ hoạt động ủy thác cho vay

Hội Phụ nữ thị trấn Thuận Nam là một trong các tổ chức nhận ủy thác với Phòng Giao dịch NHCSXH huyện. Chị Lê Thị Đức Thành – Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Thuận Nam chia sẻ: Nhận ủy thác từ NHCSXH, Hội luôn nỗ lực chuyển tải kịp thời nguồn vốn đến với người dân đủ điều kiện vay vốn trên địa bàn. Thông qua các tổ TK&VV do Hội quản lý, đây chính là “cầu nối” giữa Nhà nước và nhân dân giúp cho người nghèo đủ điều kiện được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi một cách dễ dàng.

Hội Phụ nữ thị trấn Thuận Nam thực hiện cho vay Nghị định 78 của Chính phủ từ năm 2002 đến nay đạt nhiều kết quả. Tổng dư nợ hiện Hội đang quản lý trên 18 tỷ đồng giúp cho 425 hội viên vay vốn, chất lượng tín dụng chính sách tốt, nhiều năm liền duy trì là đơn vị không có nợ xấu. Các hộ vay đều sử dụng vốn vay hiệu quả đầu tư trồng thanh long, buôn bán, xây dựng công trình nước sạch, nhà vệ sinh và trang trải học phí cho con. Bà Lê Thị Dùng ở khu phố Lập Bình, thị trấn Thuận Nam là một điển hình. Năm 1997, bà Dùng từ miền Tây ra thị trấn Thuận Nam, kinh tế gia đình gặp vô vàn khó khăn là hộ nghèo ở thị trấn. “Nhiều năm được vay vốn vay ưu đãi lãi suất thấp, tôi đầu tư trồng trọt, nhất là từ chương trình giải quyết việc làm, tôi vay 50 triệu đồng đầu tư thêm hệ thống nước tưới nhỏ giọt cho vườn ổi lê 1,5 ha và 1.000 trụ thanh long canh tác theo quy trình sản xuất an toàn, giá cả ổn định cho gia đình thu nhập khá”, bà Dùng cho biết. Ngoài bà Dùng, nhiều phụ nữ khác ở thị trấn Thuận Nam nhờ vốn tín dụng ưu đãi đầu tư nuôi thỏ, may gia công thu nhập gia đình ổn định vừa tạo công ăn việc làm cho các phụ nữ khác.

Theo Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Hàm Thuận Nam cho biết, hiện phương thức cho vay ủy thác qua 4 Hội đoàn thể gồm: Phụ nữ, Nông dân, Đoàn Thanh niên và Cựu Chiến binh đang đảm nhiệm 12 chương trình tín dụng chính sách với tổng số tiền trên 355,1 tỷ đồng với 226 tổ tiết kiệm vay vốn (TK&VV) hoạt động tại 56 thôn trên địa bàn 13 xã, thị trấn toàn huyện. Tính đến cuối tháng 6/2022 hiện có 10.194 hộ còn dự nợ ủy thác.

903 tỷ đồng giúp người nghèo vay vốn

Trong 20 năm thực hiện tín dụng chính sách theo Nghị định 78, ngày 4/10/2002 của Chính phủ, huyện Hàm Thuận Nam đã tập trung nguồn lực tín dụng qua NHCSXH cho vay được gần 78.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với doanh số cho vay đạt 903 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 547 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận dễ dàng. Trong đó, 13.361 lượt hộ nghèo được vay vốn đã góp phần giúp cho 5.250 hộ thoát nghèo, thu hút tạo việc làm cho trên 4.000 lao động, 9.456 học sinh, sinh viên vay vốn trang trải chi phí học tập, 67.566 công trình nước sạch ở nông thôn xây dựng và 196 ngôi nhà hộ nghèo xây mới. Nguồn vốn vay ưu đãi góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, trợ lực giúp người nghèo tự vươn lên.

2440.jpg

Theo đánh giá của bà Mai Thị Ngọc Ảnh – Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam: Kết quả đạt được trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện trong 20 năm qua có vai trò quan trọng trong thực hiện Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, trật tự xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện đến cuối năm 2021 xuống còn 1,05%, đời sống của người dân, đặc biệt là người nghèo ngày càng được cải thiện.

Từ 2 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu với dư nợ nhận bàn giao trên 17,5 tỷ đồng, đến nay, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hàm Thuận Nam đang triển khai cho vay 12 chương trình tín dụng chính sách, tổng dư nợ đến 30/6/2022 đạt 356,1 tỷ đồng, tăng 474,4 tỷ đồng, gấp 32,8 lần so với dư nợ khi thành lập. Tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm là 18,2% với 10.212 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang vay vốn.

T.DUYÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Hàm Thuận Nam: Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy
Thực hiện Chỉ thị số 36 của Bộ Chính trị về “Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy”, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, sự chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, huyện Hàm Thuận Nam đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị đối với công tác đấu tranh phòng, chống và kiểm soát ma túy trên địa bàn.
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Điểm sáng” trong chính sách giảm nghèo