Thời gian gần đây, thị xã La Gi liên tiếp xảy ra các trường hợp tàu cá của ngư dân địa phương khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do xuất phát từ lợi ích kinh tế, khiến một bộ phận nhỏ ngư dân vẫn cố tình “phớt lờ” các quy định của pháp luật và bất chấp hậu quả nặng nề khi vi phạm vùng biển các nước để đánh bắt hải sản trái phép. Chỉ tính riêng trong năm 2022, đã xảy ra 2 vụ/3 tàu cá/19 lao động bị lực lượng Malaysia bắt giữ.
Trước thực trạng đó, Đồn Biên phòng Phước Lộc đã quyết liệt đẩy mạnh công tác kiểm soát, quản lý chặt chẽ các tàu cá khi ra khơi. Bên cạnh việc tích cực phối hợp với địa phương và cơ quan chức năng rà soát, thống kê tàu cá, ngư dân thường xuyên neo đậu, hoạt động ngoài tỉnh có nguy cơ cao vi phạm khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài để đưa vào diện quản lý, theo dõi đặc biệt. Đồng thời, đẩy mạnh tăng cường việc tuần tra kiểm soát, quản lý nhân hộ khẩu.
Trung tá Nguyễn Khánh Hùng – Đồn trưởng Đồn Biên phòng Phước Lộc cho biết: Đơn vị đã phân công nhiệm vụ cho mỗi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị phụ trách từ 2 - 3 phương tiện tàu cá và chủ động lên kế hoạch tuyên truyền, quản lý, giám sát cũng như trực tiếp chịu trách nhiệm trước Chỉ huy đơn vị nếu những phương tiện này vi phạm.
Theo đó, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã trực tiếp gặp gỡ từng chủ phương tiện để nắm bắt tình hình. Đồng thời, triển khai tích cực các giải pháp vận động, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng như cảnh báo về những biện pháp xử lý nghiêm khắc theo Nghị định 42 của Chính phủ, tăng nặng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản… nhằm nâng cao hiệu quả cảnh báo, răn đe, ngăn ngừa các hành vi khai thác bất hợp pháp…
Như ngư dân Võ Văn Bộ (khu phố 5, phường Phước Hội) chủ phương tiện tàu cá có công suất trên 800 CV. Thường xuyên tham gia các buổi tập huấn, cũng như được lực lượng chức năng đến tận nhà tuyên truyền, phổ biến quy định về khai thác thủy sản. Ông hiểu rõ về hành vi đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài không chỉ gây thiệt hại cho bản thân mà còn ảnh hưởng đến uy tín của mặt hàng thủy sản Việt Nam, làm ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia. Và hơn hết chính ngư dân phải chịu thiệt hại trực tiếp về kinh tế. Vì vậy, ông nắm rõ các chế tài xử phạt cũng như thẳng thắn lên án, phê phán đối với những trường hợp vi phạm và hiểu rằng chỉ có khai thác có trách nhiệm mới có thể đảm bảo được sự phát triển bền vững trong hoạt động nghề cá.
Có thể thấy, cùng với việc tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát tại cửa biển, ngăn chặn hoạt động đưa tàu cá đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài thì công tác tuyên truyền có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần làm chuyển biến nhận thức của bà con ngư dân. Song song đó, bằng những việc làm thường xuyên, cụ thể, giao trách nhiệm cho từng cán bộ, chiến sĩ đã phát huy hiệu quả, kịp thời nắm bắt đầy đủ thông tin về tàu cá nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý ngay từ đầu, không để xảy ra tình trạng tàu cá ngư dân địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài.