Theo dõi trên

Giải quyết bức xúc “khát” nước ở Phan Hòa. Bài 1

12/04/2023, 05:45

“Vướng thủ tục gì, cần thiết thì xin ý kiến Trung ương, không thể để tình trạng này kéo dài. Phải lấy lợi ích của người dân đặt lên hàng đầu và sớm giải quyết dứt điểm”. Ý kiến trên của Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng tại cuộc họp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Bắc Bình cuối tuần qua, đã đặt ra vấn đề cần giải quyết bức xúc thiếu nước sạch ở Phan Hòa, kéo dài mấy năm nay, nhất là khi nắng nóng đang vào mùa cao điểm, ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhiều hộ dân.

Bài 1: Vướng thủ tục chuyển giao, dân mỏi mòn chờ nước

Là 1 trong 4 xã thuần đồng bào Chăm của huyện Bắc Bình, lại là xã nông thôn mới nhưng mấy năm nay, nhiều hộ dân ở xã Phan Hòa (Bắc Bình) lại khổ sở vì chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt vào giờ cao điểm. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do nhà máy nước không đáp ứng công suất, trong khi thủ tục chuyển giao lại cho đơn vị khác quản lý còn vướng thủ tục…

Thức đêm “hứng” nước

Những ngày đầu tháng tư, người dân xã Phan Hòa (Bắc Bình) lại rộn ràng nhân dịp Tết Ramưwan của đồng bào Chăm Bà Ni. Nếu so với thời điểm mấy năm trước khi chưa được công nhận xã nông thôn mới (năm 2017), thì vùng đất “thiếu mưa thừa nắng” này đã có nhiều đổi thay. Đường sá hầu hết được bê tông hóa từ đầu làng đến các con hẻm nhỏ, nhiều ngôi nhà cao, rộng rãi mọc lên san sát. Ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Chánh (thôn Bình Thắng, xã Phan Hòa) cũng là một trong số những cơ ngơi được xây mới khang trang, nâng nền cao ráo so với mặt đường mấy năm nay.

z4254804479893_4fc778bd4a416752fd79382f650c68b8.jpg
Ông Nguyễn Văn Chánh thức hàng đêm để hứng nước sinh hoạt.

Lẽ thường, đối với mỗi gia đình, khi có được một ngôi nhà mơ ước, họ sẽ vui biết nhường nào. Ông Chánh cũng không ngoại lệ. Nhưng ngặt nỗi, từ khi làm nhà mới, cũng là khởi đầu chuỗi ngày nguồn cung cấp nước sinh hoạt của gia đình gặp khó khăn, khiến cuộc sống đảo lộn. Nền nhà cao so mặt đường, cũng đồng nghĩa với đường ống dẫn nước vào nhà yếu, hầu như không có nước vào giờ cao điểm, buộc gia đình 3 thành viên phải mua thêm nước bình để sử dụng. Khi dẫn chúng tôi ra chỗ phi đựng nước của gia đình, ông Chánh bộc bạch: “Năm nay đã 90 tuổi, nhưng hầu như đêm nào tôi cũng phải thức giấc vào nửa đêm để ra sân canh, hứng nước vào bồn chứa”. Chúng tôi nhìn sang phía hàng rào bên kia, hàng xóm của ông cũng đang để một bình chứa nước lớn trước sân. Tôi liền liên tưởng đến hình ảnh… canh nước tương tự của không ít gia đình trong xã.

z4254794206115_01a89f0cd55ee9c17dd33209a414a2c7.jpg
Bà Thuận Thị Tuyết bày tỏ nỗi niềm thiếu nước.

Nắng trưa gay gắt đã đứng bóng, nhưng câu chuyện về “khát” nước sinh hoạt tại xã Phan Hòa vẫn chưa lắng xuống. Đầu con đường bê tông chạy dọc xóm, mấy hộ dân của thôn vẫn tụ họp đầu ngõ, bàn chuyện nước sinh hoạt. Khi chúng tôi hỏi chuyện, họ không ngần ngại chia sẻ: “Hầu như ban ngày không có nước dùng, chúng tôi phải hứng nước vào bồn ban đêm. Có hôm chẳng hứng được xô nước nào”.

Người trong làng, trong đó có bà Thuận Thị Tuyết - một người dân sống lâu năm ở thôn Bình Thắng phân trần thêm: “Ngày thường đã đành, những ngày diễn ra lễ hội lớn của đồng bào, nhu cầu dùng nước tăng cao, chuyện thiếu nước lại càng trầm trọng hơn”. Bà Tuyết kể: “Vào dịp Tết Ramưwan vừa rồi, cháu tôi đang học ở TP. Hồ Chí Minh, dẫn thêm bạn bè về chơi. Ở được 2 ngày, do không có nước tắm rửa, tụi nhỏ đành phải vào lại Sài Gòn vì sợ phiền gia đình và thấy bất tiện. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị đến xã, huyện nhưng cứ năm này qua năm khác chỉ biết đi “mót” nước. Đã vậy, chúng tôi phải è lưng trả tiền nước hàng tháng”.

z4254792054735_44afe10b304e607bd98d987eee597d4c.jpg
Trạm cấp nước sinh hoạt nông thôn Phan Rí Thành, thuộc Ban quản lý công trình công cộng huyện Bắc Bình.

Nhà máy nước chỉ đáp ứng một nửa nhu cầu

Theo tìm hiểu của phóng viên, mấy năm nay, không ít hộ dân địa phương đang rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt là vào những giờ cao điểm mùa khô. Những giếng nước trong làng thu hút đông đảo người dân 3 thôn của xã Phan Hòa đến múc từng can về sử dụng. Tuy nhiên, do bị khai thác triệt để, nên nguồn nước ngầm ở các giếng khoan dần cạn, nhiễm phèn, chỉ đáp ứng cho việc giặt giũ, vệ sinh nhà cửa. Riêng nước sinh hoạt, ăn uống, tắm rửa, bà con phải mua với giá 10.000 – 15.000 đồng/bình về sử dụng”. Đáng nói, việc người dân thuần Chăm xã Phan Hòa thiếu nước đã diễn ra gần 5 năm nay, riêng 2 năm trở lại đây, tình trạng thiếu nước càng trầm trọng.

Thông tin từ UBND huyện Bắc Bình, Nhà máy xử lý nước Phan Hòa do Ban Quản lý công trình công cộng huyện Bắc Bình quản lý, vận hành và chỉ có công suất tối đa 500 - 700 m3/ngày, đêm. Tuy nhiên, hiện nay nhà máy này đang phải “gồng mình” để phục vụ cho nhân dân xã Phan Hòa và hơn 800 hộ dân 2 thôn Bình Thủy và Bình Lễ của xã Phan Rí Thành. Đại diện Ban Quản lý công trình công cộng huyện Bắc Bình thừa nhận, nhà máy nước hiện nay đã xuống cấp, cộng với dân sinh mỗi năm một tăng, nên năng lực chỉ đáp ứng một nửa nhu cầu của người dân. Mặc dù đơn vị quản lý nhà máy nước đã phải mua thêm nước từ Chi nhánh cấp nước Bắc Bình (thuộc Công ty CP Cấp thoát nước Bình Thuận) nhưng do hệ thống ống đấu nối không phù hợp, nước không thể bơm đi xa. Chỉ những hộ có nền đất thấp mới có nguồn nước ổn định hơn. Còn những hộ nào xây nhà mới, có nền cao hơn so mặt đường hiện tại, đều rơi vào cảnh nguồn nước lúc có lúc không.

z4254978381947_878f9fa67613ae4108285c6c4efcfaf1.jpg
Nhiều hộ dân trong xã Phan Hòa xây nhà cao hơn so nền đường gặp khó về nước sinh hoạt.

Đáng nói, chuyện thiếu nước của người dân địa phương không phải diễn ra mới đây, mà đã được bà con kiến nghị lên các cấp chính quyền mấy năm nay. Cụ thể, từ tháng 11/2021, UBND huyện Bắc Bình đã có Văn bản số 3170 /UBND-SX kiến nghị UBND tỉnh xem xét thống nhất chủ trương chuyển giao nhiệm vụ cấp nước sinh hoạt cho người dân xã Phan Hòa và 2 thôn Bình Lễ, Bình Thủy (xã Phan Rí Thành) từ Ban Quản lý công trình công cộng huyện sang Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Bình Thuận. Đồng thời hướng dẫn thủ tục xử lý tài sản Nhà máy nước Phan Hòa trước khi chuyển giao theo quy định. Cũng liên quan việc cung cấp nước sinh hoạt tại xã Phan Hòa kéo dài mấy năm qua, UBND huyện Bắc Bình đề nghị các cơ quan, địa phương, đơn vị dịch vụ cung cấp nước có liên quan khắc phục, có giải pháp cung cấp nước sinh hoạt trên địa bàn huyện nói chung và tại xã Phan Hòa nói riêng được tốt hơn trong thời gian đến. Bởi thực tế hiện nay có một số hộ dân tại xã Phan Hòa ở cuối tuyến ống cấp nước, do áp lực nước yếu nên chưa đáp ứng đủ nhu cầu về nước sinh hoạt, nhất là trong những giờ cao điểm, dịp lễ, tết.

Theo UBND huyện Bắc Bình, Nhà máy nước Phan Hòa do Ban Quản lý công trình công cộng huyện quản lý, được đầu tư xây dựng từ năm 1992 và nâng cấp năm 2002 từ nguồn vốn ngân sách. Hàng năm được duy tu, bảo dưỡng và nâng cấp để cung cấp nước sinh hoạt cho 2.367 hộ gia đình, trong đó xã Phan Hòa 1.673 hộ; thôn Bình Thủy và thôn Bình Lễ (xã Phan Rí Thành) 694 hộ, với công suất khoảng 700 m3/ngày, đêm. Nhà máy chủ yếu sử dụng nước ngầm từ hệ thống giếng khoan để cung cấp nước thô cho nhà máy xử lý.

KIỀU HẰNG - MINH VÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Lãnh đạo tỉnh thăm, chúc tết Ramưwan tại Tuy Phong, Bắc Bình
Sáng nay 4/4, đồng chí Đặng Hồng Sỹ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn đến thăm và chúc tết Ramưwan đồng bào Chăm theo đạo Hồi giáo Bà Ni tại Tuy Phong, Bắc Bình.
Nổi bật
Giao thông “mở lối” cho người nghèo
Phần lớn các xã trong huyện Hàm Thuận Nam đều đạt chuẩn tiêu chí về giao thông, trong khi các tiêu chí khác về hạ tầng như trường học, nước sinh hoạt …đang cần thêm thời gian cho đầu tư hoàn thiện. Vì thế, có thể nói ở góc độ nào đó, giao thông tạo điều kiện cho các hạ tầng khác xuất hiện, mang tính như hạ tầng nền.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giải quyết bức xúc “khát” nước ở Phan Hòa. Bài 1