Theo dõi trên

Giảm nghèo bền vững ở Hàm Thuận Nam: Sức mạnh của thủy lợi

19/12/2023, 05:15

Nhắc đến vùng khô hạn, có lẽ Hàm Thuận Nam là một trong những địa phương của tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Từ khi hệ thống các công trình thủy lợi, kênh mương được tỉnh quan tâm đầu tư, đời sống của người dân nơi đây, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đổi thay đáng kể nhờ phát huy nguồn nước để sản xuất.

Vùng chuyên canh giá trị

Về huyện Hàm Thuận Nam những ngày đầu tháng 12, đi đâu cũng nghe bà con nông dân bàn về giá thanh long đang ở mức cao. Đây đang là thời điểm bà con chong đèn cho thị trường tết, nên sản lượng thường thấp hơn vụ mùa. Tuy nhiên, giá thanh long đang nhích dần khiến thị trường thanh long nơi được xem là vùng trồng lớn nhất tỉnh trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Hiện tại giá thanh long ruột trắng bán xô tại vườn đang ở mức từ 14.000 – 18.000 đồng/kg tùy loại. Riêng với thanh long ruột đỏ được các doanh nghiệp xuất khẩu thu mua dao động từ 25.000 – 40.000 đồng/kg tùy loại. Với giá bán trên phần lớn nhà vườn đều thu được lợi nhuận, nên nông dân đầu tư chăm sóc kỹ phục vụ cho thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024.

ho-1.jpg
Khi hệ thống thủy lợi nhất là dự án hồ Ka Pét được đưa vào sử dụng, 2 xã miền núi được phủ xanh sẽ không còn là chuyện xa vời. Ảnh: Ngọc Lân

Có được niềm hy vọng ấy, cũng xứng đáng cho những nhà nông kiên trì bền bỉ với trái "rồng xanh" dù thị trường những năm qua trồi sụt theo biểu đồ hình sin, khiến diện tích trồng thanh long nhiều nơi phải thu hẹp. Chưa kể, để trở thành "thủ phủ" rồng xanh, chính quyền huyện Hàm Thuận Nam đã trải qua bao khó khăn, biến vùng đất khô hạn ngày nào trở thành vùng trồng thanh long trọng điểm của tỉnh. Còn nhớ cứ đến tháng 3, cao điểm mùa khô, người dân huyện Hàm Thuận Nam lại không khỏi lo lắng vì thiếu nước sinh hoạt, sản xuất. Nhưng vài năm trở lại đây, nhờ có các hồ chứa thủy lợi được tu sửa, xây dựng bên cạnh các công trình chuyển nước đã đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt lẫn sản xuất nông nghiệp của người dân. Qua đó, hình thành các vùng chuyên canh đối với cây thanh long, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Nhờ thế, đời sống người dân từng bước khấm khá, tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương giảm dần qua từng năm. Theo UBND huyện, qua 5 năm (từ 2016 - 2020) thực hiện các chính sách giảm nghèo trên địa bàn toàn huyện đã có 700 hộ thoát nghèo. Trong giai đoạn này, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân hơn 178 tỷ đồng cho 5.256 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo vay phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh... Nhờ có thủy lợi, ngành nông nghiệp của huyện đã phát triển nhanh, góp phần tích cực vào xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực, tăng nhanh số hộ nông dân làm giàu chính đáng.

Có thể thấy, từ một huyện chưa có công trình thủy lợi nào đáng kể, đến nay hệ thống thủy lợi đã được đầu tư nhiều công trình lớn, với tổng lưu lượng nước tích được hàng năm trên 49 triệu m3 và tổng diện tích tưới chủ động nước hiện nay là trên 6.500 ha. Tuy nhiên, hiện nay còn 2 xã vùng cao Hàm Cần, Mỹ Thạnh hệ thống thủy lợi chưa tiếp nối được, nên đời sống bà con vùng đồng bào nơi đây gặp không ít khó khăn.

ho.jpg
Đời sống của người dân vùng cao khá dần lên nhờ cây trồng mới. Ảnh: Ngọc Lân

Khát khao có hồ Ka Pét

Trở lại vùng cao này những ngày cuối năm, có thể thấy thấp thoáng những mảng xanh từ rẫy thanh long, cao su, trôm của bà con, thậm chí có cả những vườn xoài trĩu quả. Nói thế, không phải nơi đây đã trù phú nguồn nước, câu chuyện nước tưới tiêu vẫn còn là nỗi lo cho vùng cao này. Ngoài 1 vụ bắp, vụ lúa, chính quyền địa phương đã hướng dẫn bà con chuyển đổi cây trồng phù hợp, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tận dụng nguồn nước mạch, nước ngầm hiệu quả nhất trong mùa khô. Vấn đề nước sản xuất lẫn sinh hoạt là sự khát khao cháy bỏng của người dân 2 xã này, nên việc họ mong ngóng sớm xây dựng hồ Ka Pét để có nước sản xuất, có cuộc sống mới là điều hiển nhiên. Khi dự án đầu tư hồ Ka Pét với dung tích chứa hơn 50 triệu m3 nước được triển khai, sẽ trở thành động lực quan trọng thúc đẩy nông nghiệp của huyện phát triển và đời sống của người dân 2 xã vùng cao này được đổi đời.

Từ 1 vụ bắp bấp bênh, chị Nguyễn Thị Mỹ Bông (xã Hàm Cần) đã chịu khó áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trong trồng trọt, nhờ thế năng suất nông sản hàng năm đều đạt khá. Gom góp qua nhiều năm, từ khi nước sản xuất trong vùng không còn khan hiếm, chị vay vốn, mượn thêm gia đình, mua được rẫy trồng thanh long cho năng suất cao. Chị chịu khó tiếp cận kiến thức sản xuất, áp dụng công nghệ để tiết giảm chi phí, tiết kiệm nước, tiết kiệm công lao động... Nhờ thế đời sống gia đình chị cải thiện rõ, đầu tư cho con cái học lên đại học.​

Theo UBND xã Hàm Cần, tính đến nay toàn xã có hơn 547 ha thanh long đang tiếp tục sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong năm 2023, địa phương đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai dự án SACCR của tỉnh Bình Thuận cho 325 hộ dân được hưởng lợi từ dự án, thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người có hoàn cảnh khó khăn và già neo đơn. Theo đó, nhiều hộ dân được hỗ trợ hệ thống tưới tiết kiệm với 3.900.000 đồng/hộ; hỗ trợ vật tư nông nghiệp là 22.000.000 đồng/hộ; hỗ trợ xây ao, đào ao là 24.000.000 - 35.000.000 đồng/hộ. Trong đó, tổng số hộ tham gia hưởng lợi ao 24 hộ, tổng số hộ hưởng lợi vật tư nông nghiệp là 301 hộ. Nhờ đó, đời sống của người dân nơi đây đỡ khó khăn, chăm lo sản xuất và có nhiều hộ vươn lên thoát nghèo.

Khi đã có điều kiện cần, nghĩa có đất sản xuất, nguồn nước tưới tiêu ổn định, thì các hộ dân nơi đây phải nỗ lực sản xuất, chăm chỉ làm ăn để sớm ổn định cuộc sống, thông qua sự hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng CSXH đã giải quyết cho 1.757 hộ vay với tổng vốn cho vay hơn 58 tỷ đồng, trong đó, 45 hộ nghèo vay vốn sản xuất, nguồn vốn thực hiện 2.883 triệu đồng; 142 hộ cận nghèo vay vốn sản xuất, nguồn vốn thực hiện 9.790 triệu đồng; 1 hộ mới thoát nghèo vay vốn sản xuất, nguồn vốn thực hiện 70 triệu đồng; 9 hộ gia đình vùng khó khăn vay sản xuất kinh doanh với tổng vốn cho vay là 420 triệu đồng. Ngoài ra, còn cho vay vốn nước sạch vệ sinh 994 hộ với tổng vốn 18.960 triệu đồng; 45 hộ đồng bào DTTS vay hơn 4 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển sản xuất…

Với nhiều chính sách dành cho hộ nghèo, cận nghèo vùng đồng bào DTTS, tin rằng đời sống của nhân dân, bộ mặt nông thôn của huyện ngày càng khởi sắc. Đặc biệt, khi hệ thống thủy lợi nhất là dự án hồ Ka Pét được đưa vào sử dụng, câu chuyện 2 xã miền núi được phủ xanh sẽ không còn là chuyện xa vời.

  Theo kết quả tổng rà soát hộ nghèo giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn huyện có 839 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 2,73% và 1.186 hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 3,87%.

MINH VÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Khởi nghiệp thành công nhờ mô hình nuôi ong Ý lấy mật
Khởi nghiệp ban đầu chỉ với 10 thùng ong Ý, nhưng sau 3 năm nỗ lực, anh Hồ Văn Tuấn ngụ tại thôn Phước Tiến, xã Tân Phước, thị xã La Gi đã nhân đàn thành công được hơn 200 thùng. Mỗi năm, sau khi trừ các chi phí, mô hình nuôi ong Ý lấy mật này đã mang lại lợi nhuận cho chàng trai trẻ sinh năm 1987 từ 300 đến 400 triệu đồng.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giảm nghèo bền vững ở Hàm Thuận Nam: Sức mạnh của thủy lợi