Theo dõi trên

Giữ gìn và phát huy giá trị thương hiệu Lễ hội Nghinh Ông

02/08/2022, 16:40

Khi nói về chùa Ông và Lễ hội Nghinh Ông ở Phan Thiết, người ta biết ngay đây là di sản văn hóa quý báu đã tồn tại hàng trăm năm, đồng hành và tạo nên ký ức văn hóa lâu đời của người Hoa. Vượt qua thời gian, Lễ hội Nghinh Ông đã lan tỏa hệ thống giá trị và có sức sống bền bỉ trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Phan Thiết.

Tiếp cận Lễ hội nghinh Ông

Năm 1998, Lễ hội Nghinh Ông của người Hoa Phan Thiết được Viện Văn hóa Nghệ thuật lựa chọn để nghiên cứu, xây dựng phim tư liệu khoa học về di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, nằm trong chương trình mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của Bộ Văn hóa Thông tin. Đây là một trong những lễ hội tiêu biểu của các dân tộc thiểu số được nghiên cứu điểm trong thời kỳ đổi mới về chiến lược văn hóa của Đảng và vừa mới ra đời Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

le-hoi-nghinh-ong-anh-nl-1-.jpg

Xác định là lễ hội điểm nên Viện Văn hóa Nghệ thuật trực tiếp đưa các nhà nghiên cứu về lễ hội và máy móc, trang thiết bị hiện đại phối hợp với Sở VHTT thực hiện. Chúng tôi đã làm việc nhiều lần với Ban quản lý Quan Đế Miếu (Chùa Ông) để sưu tầm các loại tư liệu. Từ chữ Hán, chữ Nôm và tài liệu nghiên cứu trước giải phóng nói về chùa Ông và Lễ hội Nghinh Ông. Gần nữa tháng nghiên cứu tư liệu từ những người thuộc dạng “già làng” của người Hoa ở các Hội quán, họ am hiểu sâu về nội dung lễ hội để quay phim tư liệu nên nhiều nội dung được làm sáng tỏ về niên đại, nguồn gốc, chương trình lễ hội trong lịch sử, các giá trị được lưu giữ phát huy; tín thiêng của lễ hội và trách nhiệm của cộng đồng…

Về niên đại: Nhiều tài liệu của các Hội quán và tại chùa Ông cho biết, Lễ hội Nghinh Ông có hơn 160 năm trở về trước. Cụ thể thì không nói rõ năm nào, chỉ biết có từ đời vua Minh Mạng, Thiệu Trị và được tự do hơn dưới triều vua Tự Đức. Thời kỳ này Triều đình nhà Nguyễn chỉ cấm hoạt động của Công giáo. Năm 1832 vua Minh Mạng ra đạo dụ, theo đó vua cho rằng Kitô giáo là tà đạo, không thờ cúng tổ tiên là đi ngược với chính đạo… Nhờ các nguồn tài liệu đó chúng tôi được biết được Lễ hội Nghinh Ông ở Phan Thiết là một trong những lễ hội có niên đại sớm và rõ ràng hơn cả.

Về nghi thức và chương trình: Theo Ban quản lý Quan Đế miếu thì trước giải phóng, lễ hội nghinh Ông được tổ chức vào hạ tuần tháng 7 (Âl) và diễn ra liên tiếp bốn ngày. Hơn 20 năm sau giải phóng (1975) mãi đến năm 1996 lễ hội mới được thực hiện trở lại, do nhiều lý do khác nhau cả về chủ quan và khách quan. Sau hơn 20 năm lễ hội mới được mở lại, đã đáp ứng được đòi hỏi khát khao của nhân dân về nhu cầu tâm linh.

Năm 1998 lễ hội diễn ra vào các ngày 9, 10, 11 tháng 9 (tức là ngày 19, 20 và 21 tháng 7 Âl) với quy trình gồm 17 lễ nghi. Các năm sau có thay đổi các trò diễn nhưng về cơ bản nội dung và hình thức được dựa trên bản gốc của lễ hội đã có hơn 2 thế kỷ trước.

Sau lễ hội năm 1998, khi dự án nghiên cứu khoa học về Lễ hội Nghinh Ông ở Phan Thiết giữa Sở VHTT với Viện Văn hóa Nghệ thuật hoàn tất. Phim tư liệu khoa học được phát trên Truyền hình và báo cáo nghiên cứu khoa học được công bố. Rất nhiều người trong và ngoài nước biết đến. Người dân Phan Thiết càng tự hào và trân quý hơn các giá trị của lễ hội trên quê hương mình. Coi đó như là tài sản quý báu cần lưu giữ và bảo vệ. Và từ đây, cứ đến thời gian đáo lệ 2 năm một lần, thì sau nghiên cứu của các cơ quan chức năng và với kết quả đó như giấy thông hành cho các năm sau khi tiến hành các thủ tục mỡ lễ hội.

Nhận diện thương hiệu Lễ hội Nghinh Ông

Dưới góc độ văn hóa nghệ thuật dân gian chúng ta có thể nhận thức được ở Lễ hội Nghinh Ông có nhiều giá trị như một di sản văn hóa dân tộc và chính từ trong nội dung của lễ hội, chúng ta nhận ra một chiều sâu văn hóa dân gian những nét đặc sắc để giữ gìn và góp cho kho tàng văn hóa dân tộc những nội dung mới có giá trị. Sở dĩ Lễ hội Nghinh Ông ở Phan Thiết được nhiều người biết đến và nổi tiếng trong và ngoài nước, bởi nó có thương hiệu riêng. Theo chúng tôi không khó để nhận diện các tiêu chí sau đây cấu thành thương hiệu:

Một là về Niên đại: Lễ hội đã tồn tại hơn 200 năm (tính từ đời vua Minh Mạng 1820 đến nay là 2022). Tiếp theo là Chùa Ông đang thờ tượng Quan Công có niên đại hơn 300 năm, tượng làm bằng gỗ quý và được đưa từ Trung Quốc sang.

Hai là ở Việt Nam có rất nhiều nơi thờ Quan Công: Từ miền Bắc, miền Trung, miền Nam với hàng trăm đền thờ. Mỗi nơi có những nghi lễ riêng. Một số nơi cũng có lễ hội, nhưng không có nơi nào có lễ hội quy mô lớn và hoành tráng như ở Phan Thiết. Và một điều được khẳng định từ lâu nay là chỉ có ở Phan Thiết mới có lễ hội Nghinh Ông như vậy.

Ba là lễ hội Đường phố: Ở Bình Thuận có những lễ hội truyền thống khác, như Lễ hội Katê của người Chăm Bàlamôn, Lễ hội Dinh Thầy Thím, Lễ hội Cầu ngư… mỗi lễ hội có những giá trị với tính năng riêng và diễn ra ở những không gian và thời gian quy định. Nhưng không có lễ hội nào được mệnh danh là lễ hội Đường phố như lễ hội Nghinh Ông như ở Phan Thiết.

Thứ tư là lễ hội có số lượng người tham gia biểu diễn lớn: Lễ hội được sự tham gia cổ vũ của hàng vạn người ở Phan Thiết và các khu vực phụ cận cùng du khách ở một số nơi khác đến. Riêng lực lượng biểu diễn đã có gần 1000 người được huy động từ các Hội quán và các nơi khác tham gia luyện tập cả tháng trước khi lễ hội chính thức diễn ra. Với các trò diễn như trình tấu nhạc cụ truyền thống, gánh hoa, biểu diễn các điệu múa dân gian, múa lân sư rồng, đóng giả các anh hùng hay các nhân vật anh hùng trong điển cố Trung Hoa; đặc biệt là màn biểu diễn rồng Thanh Long với đầu rồng có gần 100 năm tuổi, phải có 150 vũ công mới vận hành được.

Đó là những tiêu chí có thực của Lễ hội Nghinh Ông như ở Phan Thiết. Còn nhiều tiêu chí khác nữa, nhưng có một tiêu chí làm nên thương hiệu lễ hội nữa đó là sự tham gia nhiệt tình của công chúng với hàng ngàn người đi theo cổ vũ cho đoàn rước. Hàng trăm gia đình bất kể người Việt hay người Hoa dọc các cung đường đoàn rước đi qua đều quét dọn sạch sẽ; dựng bàn thờ với các loại lễ vật. Mỗi khi đoàn rước đi qua đều dừng kiệu Ông trước bàn thờ từng gia chủ, gia chủ đứng chờ và bái Ông, cầu mong cho những điều tốt đẹp sẽ đến.

Từng xem lễ hội này nhiều năm, để ý thấy nhiều phụ huynh đi theo các đoàn rước để tiếp nước và thức ăn cho các em thiếu nhi và những người diễu hành. Vì tham gia diễu hành và trình diễn từ lúc 5 giờ sáng, nhiều người không kịp ăn sáng mà diễu hành đến 4-5 tiếng nên họ luôn được tiếp tế. Nhìn các em mũm mĩm vui tươi trong trang phục với sắc màu rực rỡ, như thấy được kết quả tốt đẹp của lễ hội và sự trao truyền lễ hội cho các thế hệ trẻ đã có tự bây giờ.

NGUYỄN XUÂN LÝ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Đề xuất Lẩu thả và Mực một nắng vào thương hiệu Văn hóa ẩm thực Việt Nam
BTO- Mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có giới thiệu và đề xuất món Lẩu thả và Mực một nắng Phan Thiết là các món ăn tiêu biểu của Bình Thuận để xây dựng thương hiệu Văn hóa ẩm thực Việt Nam.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giữ gìn và phát huy giá trị thương hiệu Lễ hội Nghinh Ông