Theo dõi trên

Hợp tác xã miền núi Tánh Linh thành công với lối đi riêng

09/09/2024, 05:10

Ở Tánh Linh có nhiều mô hình kinh tế tập thể mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình đó là Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Đức Bình, được công nhận là vùng trồng lúa VietGAP hữu cơ có đến 3 sản phẩm gạo được công nhận OCOP 3 sao và 4 sao. Với con đường đi khác biệt và tiên phong, sản phẩm của HTX làm ra đã nhận được sự tín nhiệm cao từ khách hàng.

z5808511201019_9813f32043346e686ed498677cd9c6b1.jpg
Ông Đức bên ruộng lúa sản xuất theo phương pháp hữu cơ

Với suy nghĩ bảo vệ sức khỏe của mình và cho cộng đồng, đồng thời tạo ra một nguồn sản phẩm an toàn đến với người tiêu dùng, năm 2016, ông Nguyễn Anh Đức thôn 3, xã Đức Bình, huyện Tánh Linh đã bắt đầu tự mày mò, nghiên cứu và tìm thấy mô hình sản xuất gạo hữu cơ và ông đã quyết định thực hiện mô hình này. Theo đó, từ khâu chọn giống, làm đất, gieo trồng, chăm sóc đến khi thu hoạch, đóng gói sản phẩm được ông Đức theo dõi sát sao và thực hiện đúng quy trình. Tuy nhiên, vạn sự khởi đầu nan, khi mới bắt đầu trồng lúa hữu cơ, ông Đức gặp không ít khó khăn trong việc kiểm soát bệnh dịch và sâu bệnh gây hại. Nhất là bệnh rầy nâu làm cho cây lúa kém phát triển và cho năng suất thấp. Không nản chí, ông đã tiếp tục tìm hiểu những nguồn phân vi sinh, thuốc vi sinh hữu cơ hiệu quả để phòng, chống bệnh. Vụ mùa đầu tiên năng suất đạt thấp chỉ tầm khoảng 3 - 4 tấn/ha, những vụ lúa sau đó lên 4,5 – 5 tấn/ha. “Trong bối cảnh thực phẩm không an toàn tràn lan như hiện nay, người tiêu dùng rất ngại khi chọn phải gạo kém chất lượng. Chính vì vậy, tôi đã chọn sản xuất gạo theo hướng hữu cơ. Chăm bón theo cách này, cây lúa phát triển hơi chậm hơn phân bón hóa học, nhưng khi kết tinh, hạt sẽ chắc, căng đầy… Sau khi thu hoạch và chế biến gạo trắng như sữa, có mùi thơm nhẹ. Nếu nấu cơm sẽ dẻo, thơm ngon”, ông Đức chia sẻ.

z5808511201003_3758244d206509ba7fbba84925fd39d1.jpg
Các thành viên của HTX thăm ruộng.

Và rồi năm 2017, HTX dịch vụ nông nghiệp Đức Bình được thành lập. HTX chỉ tập trung sản xuất lúa hữu cơ cho dòng lúa gạo cao cấp ST 25, sử dụng phân bón hữu cơ và vi sinh. Tuy nhiên, với nhiều biến động, gian khó, liên tiếp thua lỗ 3 năm, vài thành viên rút khỏi HTX nhưng ban lãnh đạo vẫn nung nấu quyết tâm làm thành công thương hiệu gạo hữu cơ mang chỉ dẫn địa lý gạo Tánh Linh. Chấp nhận bỏ vụ khi thời tiết xấu, chọn mùa vụ thuận lợi để sản xuất nhằm nâng cao chất lượng thương hiệu sản phẩm gạo Đức Lan. Hiện HTX quản lý 22 thành viên, canh tác 60 ha lúa hữu cơ, cung ứng ra thị trường khoảng 9.000 tấn lúa mỗi năm. Sản phẩm gạo sạch không đủ cung cấp cho khách hàng Phan Thiết, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.

z5808511201004_eabdd8ba8d3385a7c3d47d5bbdb50a92.jpg
z5808511200988_3fe18f9378dfc4727be03d780131e1b0.jpg
Sản phẩm của HTX được thị trường ưa chuộng.

Trong vụ hè thu năm 2024, thời tiết diễn biến thất thường, nhiều ruộng lúa xạ lan truyền thống dễ xảy ra dịch bệnh và đổ ngã. Tuy nhiên, những ruộng lúa của các thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp Đức Bình, huyện Tánh Linh vẫn phát triển tốt. Xạ thưa, cộng với canh tác theo phương pháp SRI ướt khô xen kẽ làm cho cây lúa nở bụi to, gốc lúa chắc khỏe, ít sâu bệnh, chống độ ngã. Ông Hứa Huỳnh - thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp Đức Bình, huyện Tánh Linh cho biết: Canh tác lúa theo phương pháp này, năng suất có giảm 30% so với canh tác truyền thống, song bù lại nông dân sản xuất an toàn, giá bán nhỉnh hơn vài ngàn đồng mỗi ký, lao có thị trường tiêu thụ tốt, lợi nhuận tăng cao.

Giờ đây, sản phẩm gạo của HTX dịch vụ nông nghiệp Đức Bình đã nhanh chóng chinh phục phân khúc thị trường khó tính bằng chữ tín. Ở nhiều thời điểm trong năm, lúa gạo hữu cơ của HTX nguồn cung không đủ cầu bởi luôn đặt uy tín lên hàng đầu.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Tánh Linh có 15 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với tổng số 273 thành viên, tổng số vốn đăng ký là 12.296 triệu đồng. Doanh thu bình quân 500 triệu đồng/HTX/năm, thu nhập bình quân của mỗi thành viên từ 4 - 8 triệu đồng/tháng. Diện tích HTX sản xuất nông nghiệp được liên kết hàng năm khoảng 2.700 ha lúa, 45 ha đậu các loại và 10 ha rau. Nhìn chung, các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn huyện Tánh Linh thời gian qua đã hướng trọng tâm vào phục vụ lợi ích của các thành viên bằng nhiều loại hình dịch vụ ngày càng đa dạng hơn, nhờ đó đã giúp doanh thu của nhiều HTX ổn định hơn trước…

BẢO NGỌC


(0) Bình luận
Bài liên quan
Cần “đòn bẩy” cho phụ nữ phát triển kinh tế trong cách mạng chuyển đổi số
Thời gian gần đây hội viên phụ nữ được tiếp cận với chuyển đổi số trong phát triển kinh doanh, phát triển kinh tế tập thể. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với bà Phan Thị Vi Vân – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh với vai trò chủ chốt của Đề án 939, để hiểu thêm về vai trò của phụ nữ khi làm kinh tế tập thể hiện nay…
Nổi bật
Chờ đợi… đường hoa xuân
Như mọi năm, đường hoa xuân luôn được mong đợi, như một địa điểm để người dân vui chơi, có những kỷ niệm cùng với gia đình. Đường hoa xuân năm nay cũng đang được trông đợi. Không chỉ người dân mong đợi, những người đang tạo ra nó cũng chịu nhiều áp lực để có một sản phẩm đáp ứng cho mọi người vui xuân.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hợp tác xã miền núi Tánh Linh thành công với lối đi riêng