Theo dõi trên

Các quốc gia trên thế giới phát huy hiệu quả mô hình kinh tế tập thể

05/09/2024, 05:12

LTS: Mô hình kinh tế tập thể (KTTT) đã thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt ở một số nước như Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan, Hàn Quốc và Hà Lan.

Tại Nhật Bản, hợp tác xã nông nghiệp chiếm lĩnh trong việc cung cấp đầu vào sản xuất và tiêu thụ nông sản. Các hợp tác xã ở đây không chỉ bảo đảm đầu vào cho nông dân mà còn giữ vai trò quan trọng trong phân phối, với khoảng 90% sản lượng lúa gạo được tiêu thụ qua hợp tác xã. Ở Ấn Độ, mô hình hợp tác xã đã trở thành lực lượng chủ chốt trong nông nghiệp, đặc biệt là qua hợp tác xã Amul, nơi sản xuất sữa chiếm khoảng 42,6% thị trường. Thái Lan nổi bật với hợp tác xã nông nghiệp và tín dụng, giúp nông dân tiếp cận vốn và tiêu thụ sản phẩm một cách hiệu quả, với 39% số hợp tác xã tham gia sản xuất nông nghiệp. Hàn Quốc qua Liên đoàn Quốc gia Hợp tác xã Nông nghiệp (NACF) đã phát triển mạng lưới hợp tác xã mạnh mẽ, chiếm lĩnh khoảng 40% thị phần nông sản. Trong khi đó, mô hình hợp tác xã ở Hà Lan được coi là tiên tiến nhất, với trên 30 triệu thành viên trong lĩnh vực hợp tác, tạo ra khoảng 18% GDP quốc gia…

che-bien.jpg
Hợp tác xã chế biến thực phẩm của Nhật Bản. Ảnh minh họa.

Thực tiễn, ưu thế và xu hướng KTTT ở châu Á

Ở Nhật Bản, hợp tác xã là nhân tố tích cực, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế. Các loại hình tổ chức hợp tác xã bao gồm: Hợp tác xã nông nghiệp và hợp tác xã tiêu dùng. Hợp tác xã tiêu dùng (JCCU) là tổ chức cấp cao của khu vực hợp tác xã ở Nhật Bản. JCCU có các chức năng và nhiệm vụ như: Tăng cường hướng dẫn quản lý và hỗ trợ hoạt động kinh doanh cho các hợp tác xã thành viên; lập kế hoạch; phát triển và cung cấp sản phẩm, các chương trình bảo hiểm và mạng lưới thông tin đáp ứng nhu cầu của các xã viên; tổ chức các khóa học và hội thảo về công tác quản lý và đào tạo cho các hợp tác xã thành viên; xuất - nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng... Các hợp tác xã thành viên của JCCU sản xuất trên 10.000 sản phẩm khác nhau mang nhãn hiệu “Co-op”, bao gồm lương thực, thực phẩm và hàng hóa tiêu dùng.

Với hợp tác xã nông nghiệp, năm 1972, Liên hiệp các hợp tác xã quốc gia Nhật Bản (BEN-NOH) chính thức thành lập và được Chính phủ giao thực hiện các mục tiêu về phát triển nông nghiệp, nông thôn. Các hợp tác xã nông nghiệp Nhật Bản có mặt ở hầu hết các làng mạc, thành phố, thị trấn. Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của loại hình này là hợp tác trong phân phối chứ không hợp tác trong sản xuất. Hợp tác xã nông nghiệp thực hiện hai nhiệm vụ chính: Một là, cung cấp cho nông dân các yếu tố “đầu vào” phục vụ sản xuất nông nghiệp, như phân bón, hóa chất nông nghiệp, trang thiết bị, kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi gia súc...; hai là, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm bằng cách thu gom, bảo quản, dự trữ, bán các nông sản, vật tư dựa vào mạng lưới tiêu thụ sản phẩm quốc gia và quốc tế. Hợp tác xã nông nghiệp là kênh tiêu thụ nông sản chính: 90% lúa gạo; trên 50% rau, hoa quả, sữa tươi... Nông dân Nhật Bản chủ yếu mua hàng qua hợp tác xã.

Ấn Độ là nước công nghiệp, tuy nhiên sự phát triển kinh tế của quốc gia này phụ thuộc rất lớn vào phát triển nông nghiệp. Hợp tác xã ra đời từ rất lâu và trở thành lực lượng vững mạnh, tham gia hầu hết các hoạt động kinh tế của đất nước. Người nông dân coi hợp tác xã là phương tiện để tiếp nhận tín dụng, các yếu tố “đầu vào” và các dịch vụ cần thiết cho sản xuất nông nghiệp. Khu vực hợp tác xã có phạm vi hoạt động rất rộng, trong các lĩnh vực tín dụng, chế biến nông sản, hàng tiêu dùng, hàng thủ công mỹ nghệ và xây dựng nhà ở với tổng vốn hoạt động khoảng 18,33 tỷ USD. Nổi bật nhất là các hợp tác xã tín dụng nông nghiệp, chiếm tới 43% tổng số tín dụng trong cả nước; các hợp tác xã sản xuất đường chiếm tới 62,4% tổng sản lượng đường trên cả nước; hợp tác xã sản xuất phân bón chiếm 34% tổng sản lượng phân bón được sản xuất trong nước. Liên minh hợp tác xã quốc gia Ấn Độ (NCUI) là tổ chức cao nhất, đại diện cho toàn bộ hợp tác xã ở Ấn Độ. Mục tiêu chính của NCUI là hỗ trợ và phát triển phong trào hợp tác xã ở Ấn Độ, đào tạo và hướng dẫn nông dân xây dựng và phát triển hợp tác xã.

Ở Thái Lan, mô hình hợp tác xã tiêu biểu là hợp tác xã nông nghiệp và hợp tác xã tín dụng. Hợp tác xã nông nghiệp được thành lập nhằm đáp ứng nhu cầu của xã viên trong các lĩnh vực vay vốn, gửi tiết kiệm và tiền ký quỹ, tiêu thụ sản phẩm, tiếp thu, hỗ trợ phát triển nông nghiệp và các dịch vụ khác. Thông qua sự trợ giúp của Chính phủ Thái Lan, ngân hàng nông nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp, xã viên được vay vốn với lãi suất thấp, thời hạn ưu đãi, thích hợp cho việc kinh doanh hoặc sản xuất của họ. Hiện nay, số hợp tác xã tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh này chiếm khoảng 39%. Hợp tác xã tín dụng nông thôn được thành lập từ lâu nhằm đáp ứng nhu cầu xã viên về các lĩnh vực: Khuyến khích gửi tiền tiết kiệm của các xã viên; góp cổ phần; cung cấp các dịch vụ vay cho xã viên... Do hoạt động của hợp tác xã trong lĩnh vực này có hiệu quả, nên hàng loạt hợp tác xã tín dụng đã ra đời trên khắp đất nước. Bên cạnh đó, sự phát triển của hợp tác xã tiêu dùng, các loại hợp tác xã công nghiệp cũng phát triển mạnh và trở thành một trong những yếu tố quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Thái Lan.

Ở Hàn Quốc, từ khi thành lập vào năm 1961, Liên đoàn quốc gia hợp tác xã nông nghiệp Hàn Quốc (NACF) lập mạng lưới hợp tác xã từ Trung ương đến cơ sở. Trải qua nhiều thăng trầm, cho đến nay, hệ thống hợp tác xã phát triển nhanh, đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của nông dân về hỗ trợ dịch vụ, chiếm lĩnh toàn bộ thị trường và kinh tế nông thôn, lan ra, đan xen vào kinh tế đô thị và từng bước hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Với gần 1.400 hợp tác xã thành viên, hoạt động của NACF rất đa dạng, bao gồm từ tiếp thị sản phẩm, chế biến, cung cấp vật tư và hàng tiêu dùng, tín dụng và ngân hàng, bảo hiểm, kho tàng, vận tải, khuyến nông, xuất bản và các dịch vụ hỗ trợ cho 5 triệu nông dân và cộng đồng nông thôn. NACF nắm giữ 40% thị phần nông sản trong nước và là một ngân hàng có số tiền gửi lớn nhất Hàn Quốc. Trong khâu chế biến, NACF sở hữu một hệ thống hạ tầng và trang thiết bị giúp tăng thêm giá trị cho hàng nông sản. Trong hoạt động tín dụng ngân hàng, NACF điều hành cả hệ thống ngân hàng nông nghiệp và các quỹ tín dụng của hợp tác xã, cung cấp nhiều loại dịch vụ: Giao dịch ngân hàng, dịch vụ thẻ tín dụng, tín dụng cho vay, đầu tư, bảo hiểm, giao dịch quốc tế... Hệ thống bảo hiểm của NACF chiếm lĩnh toàn bộ thị trường nông thôn.

Châu Âu và châu Mỹ phát triển KTTT vừa rộng, vừa sâu

Châu Âu có gần 290.000 hợp tác xã với 140 triệu thành viên và khoảng 4,9 triệu người làm thuê, cho thấy mô hình kinh tế này phát triển không chỉ về quy mô mà còn đạt tốc độ mạnh mẽ và sự tăng trưởng chiều sâu. Liên minh châu Âu (EU) có khoảng 30.000 hợp tác xã nông nghiệp với doanh số khoảng 210 tỷ ơ-rô. Các hợp tác xã nông nghiệp lớn nhất hoạt động trong các ngành chế biến bơ, sữa, thịt và thương mại nông nghiệp. Lĩnh vực ngân hàng cũng là nơi hợp tác xã các có thị phần lớn (chẳng hạn Rahobank của Hà Lan, Credit Agricole của Pháp và các ngân hàng Raiffsisen của các nước nói tiếng Đức). Các hợp tác xã bán lẻ rất mạnh ở các nước Bắc Âu (S Group và Scandinavian Coop Norden của Phần Lan) và Thụy Sĩ.

Ở châu Mỹ, riêng nước Mỹ (USA) có gần 50.000 hợp tác xã với khoảng 150 triệu thành viên. Các hợp tác xã nông nghiệp (3.500 hợp tác xã) đóng vai trò quan trọng, đảm nhận gần 1/3 công việc thu hoạch, chế biến và thương mại nông nghiệp. Tổng doanh thu của các hợp tác xã này vào khoảng 105 tỷ USD, trong đó 1/3 thuộc về 100 hợp tác xã lớn nhất. Hợp tác xã rất mạnh trong ngành công nghiệp sản xuất bơ sữa, ví dụ như Dairy Farmers of America (DFA) với doanh số khoảng 10,5 tỷ USD. Trong những năm gần đây, vị trí của DFA đang bị đe dọa bởi sự nổi lên của khối hợp tác xã Farmland Industry và Agway. Một điểm đặc biệt của hợp tác xã là sự thành công của các hợp tác xã sản xuất chuyên ngành. Chẳng hạn, Blue Diamond (hợp tác xã của những người trồng hạnh nhân, chiếm khoảng 1/3 thị phần thế giới về sản phẩm này), Sunmaid (hợp tác xã chế biến nho khô, một trong những nhãn hiệu uy tín), và Ocean Spray (hợp tác xã của những người trồng việt quất, một liên minh chiến lược có sức sống mạnh mẽ). Trong vòng 20 năm qua, ở Mỹ nổi lên một thế hệ các hợp tác xã nông nghiệp mới dựa trên việc đánh giá lại các nguyên tắc hợp tác xã. Các hợp tác xã thế hệ mới ở các bang đều là những công ty lớn với tổng đầu tư khoảng 2,1 tỷ USD. Sự ra đời của thế hệ hợp tác xã mới này xuất phát từ nhu cầu tạo thêm nguồn sinh lực mới cho các hợp tác xã nông nghiệp để nâng cao sức cạnh tranh.

HUỲNH LÊ (TỔNG HỢP)


(0) Bình luận
Bài liên quan
Hỗ trợ vốn vay phát triển kinh tế tập thể từ nguồn vốn 120 của Trung ương Đoàn
BTO-Sáng 30/8, Huyện đoàn và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Tuy Phong phối hợp cùng Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện tổ chức trao vốn vay từ kênh 120 của Trung ương Đoàn cho chị Kinh Thị Mỹ Mạnh - thanh niên dân tộc Chăm ở xã Phong Phú. Dự án “Tổ hợp tác trồng táo bao lưới” của chị đã được hỗ trợ vay vốn 150 triệu đồng.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các quốc gia trên thế giới phát huy hiệu quả mô hình kinh tế tập thể