Theo dõi trên

Khi vay vốn thành lớn chuyện

18/03/2022, 06:02

Lúc vay vốn, người đi vay lẫn bên cho vay đều hướng đến sự chung sức cho sản xuất kinh doanh phát triển. Nhưng thực tế diễn ra trong những tháng qua cho thấy không ít người đi vay từ nông dân, ngư dân cho đến doanh nghiệp vận tải hành khách, kinh doanh du lịch rơi vào nợ xấu. Trong khi đó, Nghị quyết số 42/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng cũng gần đến thời điểm hết hiệu lực thi hành đã tạo ra cục diện nóng trong hoạt động tiền tệ.

Thời điểm nhiều gút mắc

Trong khi công tác huy động vốn, cho vay trong 2 tháng qua trên địa bàn tỉnh vẫn tăng với vốn huy động đạt 49.922 tỷ đồng và tổng dư nợ là 74.936 tỷ đồng thì công việc tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vẫn tiếp tục. Các giải pháp giúp khách hàng có thể cầm cự để qua giai đoạn khó khăn, tránh rơi vào nợ xấu, tính đến đầu tháng 3/2022 đã lần lượt thay bằng những con số mới so với ngày 31/1/2022. Cụ thể như cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, từ 2.641 tỷ đồng/11.628 khách hàng thì nay đã lên 2.650 tỷ đồng/12.311 khách hàng. Còn miễn, giảm, hạ lãi suất, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã thực hiện cho khách hàng với tổng số tiền 153,86 tỷ đồng, tăng khoảng 2 tỷ đồng so thời điểm tháng trước. Riêng cho vay mới đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với lãi suất thấp hơn so với trước khi dịch bệnh xảy ra thì đã lũy kế lên 55.341 tỷ đồng/89.376 khách hàng. Hay chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Quyết định 23/2021/QĐ-TTg và Quyết định 33/2021/QĐ-TTg thì có tăng thêm 1 doanh nghiệp so cuối tháng 1/2022, tức đã giải ngân cho vay 44.747 triệu đồng cho 10 doanh nghiệp để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 13.689 người lao động.

xang-nl-1-(1).jpg
Xăng dầu tăng giá nhiều tàu thuyền nằm bờ. Ảnh: N.Lân

Nhưng đồng thời đó, nợ xấu ở các tổ chức tín dụng cũng tăng rất nhanh. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Thuận, nếu cuối năm 2021 nợ xấu (nội bảng) trên địa bàn là 1.040 tỷ đồng, chiếm 1,41% tổng dư nợ, tỷ lệ nợ xấu tăng 0,35% so với đầu năm 2021 và tốc độ tăng trên 37% thì sang cuối tháng 1/2022, con số này đã lên 1.115 tỷ đồng, chiếm 1,5% tổng dư nợ với tỷ lệ nợ xấu tăng 0,66% so với đầu năm. Và hiện tại, sau những biến động liên quan đến giá cả xăng dầu tăng cao, giá thanh long xuống thấp kéo dài mấy tháng nay, con số nợ xấu không dừng lại ở đó. Trong khi người đi vay vốn sụt giảm doanh thu, mất khả năng thanh toán các khoản nợ thì ngân hàng cũng rơi vào thế lúng túng, khi không thể thu hồi nợ như kế hoạch. Lúc này, doanh nghiệp, cá nhân có lý lẽ cho sự bất lực khi để khoản vay rơi vào nợ xấu là vì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động bất lợi, chứ không phải do nguyên nhân chủ quan của cá nhân, tổ chức. Trong khi đó, phía ngân hàng thì có lý lẽ của bên kinh doanh đồng vốn, phải thu hồi vốn lẫn lãi từ chính tài sản đã thế chấp. Từ chuyện vay vốn cho sản xuất kinh doanh đã đẩy thành lớn chuyện, khi phải hầu tòa, phải bị cưỡng chế tài sản... nếu theo tinh thần thực hiện của Nghị quyết số 42/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, nghị quyết trên cũng gần đến thời điểm hết hiệu lực thi hành sau 5 năm áp dụng nên vài ngày trước các ngành chức năng có buổi thẩm định và tất cả đã nhất trí đề nghị kéo dài thêm thời gian.

Ông Phạm Văn Trịnh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Thuận cho biết 5 năm qua, tại tỉnh chưa có trường hợp nào áp dụng xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, vì lực lượng tham gia thực hiện cũng có nhiều vướng mắc. Tuy nhiên, chính việc trao pháp lý trong thu hồi tài sản để xử lý nợ xấu của Nghị quyết 42, đã hỗ trợ các ngân hàng có căn cứ vận động khách hàng tính toán tự nguyện trả nợ, thay vì bị cưỡng chế tài sản hoặc chính quy định ấy tác động khách hàng có ý thức trả nợ và hợp tác với ngân hàng. Vì vậy, việc kéo dài thêm thời gian thực hiện Nghị quyết 42 là giải pháp chính quyết định việc giảm nợ xấu, vốn là tình trạng chung đang diễn tiến trên cả nước hiện nay.  

HẢO CHI


(0) Bình luận
Bài liên quan
Trồng rau, quả trên ruộng lúa một vụ
Mạnh dạn chuyển đổi các diện tích đất lúa vào mùa khô hạn để trồng rau các loại đang là hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập cho nhiều hội viên, phụ nữ ở xã Hồng Sơn (Hàm Thuận Bắc).
Nổi bật

Phê duyệt hơn 9,6 tỷ đồng sửa chữa Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và thi đấu tỉnh
BTO-Chiều 1/11, ông Huỳnh Ngọc Tâm - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cho hay, Sở kế hoạch và đầu tư đã ký quyết định phê duyệt dự án Sửa chữa Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và thi đấu Thể dục thể thao tỉnh (cơ sở 2, đường Hải Thượng Lãn Ông). Dự án này sẽ do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi vay vốn thành lớn chuyện