Tại 4 điểm tham quan là Bảo tàng tỉnh (4 Bà Triệu), Di tích Tháp Pô Sah Inư (Phú Hài), Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm (Phan Hiệp - Bắc Bình) và Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ tại Sa Lôn (Đông Giang- Hàm Thuận Bắc), Bảo tàng tỉnh Bình Thuận đã tổ chức giới thiệu rộng rãi đến khách tham quan các bộ sưu tập hiện vật có giá trị về lịch sử - văn hóa, trưng bày tranh ảnh các lễ hội, danh lam thắng cảnh địa phương, biểu diễn văn nghệ, nghề truyền thống và phục vụ theo nhu cầu của khách.
Tính riêng quý I/2023, Bảo tàng tỉnh đón hơn 27.000 lượt khách đến tham quan, học tập và nghiên cứu tại các điểm, trong đó có gần 700 khách nước ngoài. Đồng thời, phối hợp với các trường triển khai giáo dục truyền thống cho học sinh thông qua hoạt động về nguồn, tìm hiểu di sản, với hàng ngàn lượt học sinh, giáo viên tham gia. Qua đó khơi gợi được niềm đam mê, tạo động lực để các em học tập, sáng tạo, phát triển kỹ năng và có ý thức trong việc bảo vệ di sản văn hóa, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của tỉnh.
Ngoài ra, các phòng nghiệp vụ đã tổ chức các đợt khảo sát, nghiên cứu, sưu tầm, tiếp nhận nhiều hiện vật có giá trị nhằm bổ sung vào bộ sưu tập hiện vật để nghiên cứu trưng bày phục vụ khách tham quan; kiểm kê, bảo quản tốt gần 30.000 hiện vật gốc bảo tàng; khảo sát, kiểm kê, lập hồ sơ xếp hạng và bảo vệ di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh trên địa bàn toàn tỉnh…
Dựa vào chủ đề mà Hội đồng Bảo tàng quốc tế (ICOM) đưa ra, hoạt động của Bảo tàng tỉnh Bình Thuận không tách rời với định hướng chung, đó là tiếp tục triển khai các hoạt động trưng bày, giáo dục di sản văn hóa và truyền thông của bảo tàng.
Tăng cường chuyển đổi số trong các hoạt động của bảo tàng, từ nghiên cứu, sưu tầm đến trưng bày, giáo dục di sản văn hóa và truyền thông quảng bá. Nghiên cứu ứng dụng đa dạng các loại hình công nghệ có thể ứng dụng trong trưng bày giới thiệu di sản văn hóa, phù hợp với xu thế phát triển công nghệ trong thời gian tới. Song song, chủ động sử dụng mạng truyền thông xã hội kết hợp với các trang thông tin trực tuyến và các hình thức truyền thông khác để giới thiệu các hoạt động, nội dung trưng bày của bảo tàng hiệu quả, đúng quy định. Thực hiện các nhiệm vụ được giao trong kế hoạch triển khai công tác giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên thông qua di sản văn hóa và chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa đến năm 2030”.
Được tổ chức từ năm 1977, Ngày Quốc tế bảo tàng 18/5 được Hội đồng Bảo tàng quốc tế - ICOM phát động hằng năm, với một chủ đề cụ thể để các bảo tàng trên thế giới cùng nhau hành động, không ngừng đa dạng hóa, nâng cao chất lượng và hiệu quả trên phương châm “Bảo tàng là một phương tiện quan trọng của giao lưu văn hóa, làm giàu nền văn hóa và phát triển hợp tác lẫn nhau, hiểu biết và hòa bình giữa các dân tộc, nâng cao nhận thức của công chúng về vai trò của bảo tàng trong sự phát triển của xã hội”.