Theo dõi trên

Làm gì để ngăn rác thải đại dương tấp vào bờ biển Bình Thuận?

23/01/2024, 15:43

Rác thải nhựa đang là vấn nạn toàn cầu, tình trạng “ô nhiễm trắng” này được xem là thách thức môi trường lớn thứ 2 thế giới, sau biến đổi khí hậu. Cần phải làm gì để không có những “bãi rác ngầm dưới biển” là một câu hỏi đang được nhiều người quan tâm.

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khiến biển Việt Nam đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm nghiêm trọng. Trong đó, nguồn gây ô nhiễm chính là nguồn thải trên đất liền và các nguồn thải trên biển (hoạt động vận tải trên biển, đánh bắt, sự cố thiên nhiên, chất thải trôi nổi trên biển và các hoạt động khác)…

hinh-rac-1.jpg
Đoàn viên thanh niên xã Thắng Hải (huyện Hàm Tân) tham gia thu dọn rác thải ven biển Hồ Lân của huyện.

Tại buổi họp báo cuối năm do UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức mới đây, một số nhà báo đã quan tâm đến vấn đề rác thải đại dương, tấp vào bờ biển Bình Thuận. Đặc biệt vào thời điểm đầu mùa gió tây nam (tháng 6 - 7) và đông bắc (tháng 12, tháng 1) hàng năm tại một số khu vực bãi biển du lịch thuộc địa bàn các huyện, thị xã, thành phố giáp biển gây ô nhiễm môi trường, mỹ quan và hoạt động du lịch tại địa phương. Một trong những nguyên nhân tạo nên rác thải đại dương tấp vào các khu du lịch, đó là việc người sinh sống tại các địa phương ven biển của các huyện Tuy Phong, TP. Phan Thiết, thị xã La Gi chưa thay đổi thói quen vứt rác sinh hoạt hàng ngày xuống biển. Việc thay đổi thói quen này có nguyên nhân từ việc tổ chức hệ thống thu gom rác thải của các địa phương chưa xuống đến được các địa bàn. Do đó trả lời câu hỏi chất vấn về thực trạng hiện nay và giải pháp khắc phục tình trạng này trong thời gian tới, đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, ngoài nguyên nhân rác thải từ đại dương theo dòng nước tấp vào bờ, nguyên nhân chủ yếu phát sinh rác thải đại dương chủ yếu là do ý thức của người dân trong việc thu gom chất thải rắn, đặc biệt là chất thải rắn khó phân hủy chưa cao, chưa có giải pháp hiệu quả để thu gom chất thải rắn hoạt động từ hoạt động của tàu thuyền trên biển. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền địa phương chưa thật sự quyết liệt trong việc giải quyết vấn đề rác thải đại dương theo chỉ đạo của UBND tỉnh và Quy chế phối hợp kiểm soát, xử lý rác thải trôi dạt vào bờ biển ban hành Quyết định số 3315 ngày 28/11/2018 của UBND tỉnh.

hinh-rac-2.jpg

Theo đó, trong 2 năm (2020 - 2022), Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh (đơn vị chủ trì), Hiệp hội Du lịch tỉnh, UBND các huyện, thành phố: Phú Quý, Tuy Phong, Phan Thiết và chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu thuộc Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP/GEF SGP) triển khai thực hiện Dự án “Kết nối các nguồn lực trong việc giảm thiểu rác thải đại dương trên địa bàn huyện Phú Quý, Tuy Phong và thành phố Phan Thiết”. Dự án được triển khai tại 3 huyện, thành phố: Phú Quý, Tuy Phong, Phan Thiết gồm 7 mô hình thí điểm quản lý tổng hợp rác thải với nhiều hoạt động về quản lý, thu gom, phân loại, tái chế, tái sử dụng rác thải… Nhờ đó bước đầu đã dần thay đổi nhận thức, hành vi của cộng đồng người dân, doanh nghiệp hoạt động trên biển cùng với chính quyền và các tổ chức xã hội trong việc giảm thiểu rác thải từ các nguồn thải trên đất liền và các hoạt động trên biển ra môi trường… Tuy nhiên, theo nhìn nhận của các ngành chức năng, việc triển khai của các địa phương hiện còn bị động, chưa có giải pháp căn cơ để giải quyết triệt để rác thải đại dương, vẫn còn tình trạng rác tấp vào bờ nhưng chưa được thu gom, xử lý kịp thời gây mất vệ sinh và mỹ quan bãi biển. Do đó trong thời gian tới, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tiếp tục tăng cường chỉ đạo UBND các phường, xã tổ chức tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức gìn giữ vệ sinh môi trường trong khu dân cư, nhất là tại các dân cư vùng ven sông, ven biển. Tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử phạt các hành vi gây mất vệ sinh môi trường, đổ rác không đúng nơi quy định. Nhất là chỉ đạo Ban Quản lý công trình công cộng các huyện, thị xã, Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Bình Thuận và các đơn vị dịch vụ môi trường cần nâng cao hiệu quả công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt, mở rộng địa bàn thu gom rác thải. Đầu tư, cải tiến trang thiết bị, phương tiện thu gom, vận chuyển rác thải, đặc biệt là các phương tiện vận chuyển phù hợp để đi vào các hẻm nhỏ, khắc phục triệt để việc thu gom sót, thu gom không kịp thời rác thải sinh hoạt trên địa bàn dân cư. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các buổi ra quân, kêu gọi người dân tham gia thu gom rác thải, vệ sinh bãi biển. Phát động tổ chức dọn dẹp rác thải dọc các bãi biển, quán triệt các cơ sở kinh doanh du lịch và du khách chấp hành việc thu gom, vứt rác thải đúng nơi quy định... Trên thực tế, lộ trình giảm thiểu rác thải nhựa không hề ngắn, đơn giản mà cần hết sức nghiêm túc, kiên trì, quyết liệt của cả hệ thống chính trị với việc phải thực hiện đồng bộ các giải pháp có hiệu quả, lâu dài.

hinh-rac-4.jpg

Mới đây, UBND huyện Phú Quý đã có Công văn số 45 ngày 11/1/2024 vận động du khách không mang sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần lên đảo, các đơn vị vận tải, kinh doanh dịch vụ du lịch không sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần, không thải rác xuống biển. Đây là mô hình hay trong việc giảm thiểu rác thải nhựa đại dương cần tiếp tục được nhân rộng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các địa phương ven biển.

HỒNG TRINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Trao giải cuộc thi “Tuyên truyền bảo vệ rùa biển và tác hại của rác thải nhựa năm 2023”
Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau phối hợp các đơn vị chức năng vừa tổ chức buổi lễ tổng kết và trao giải cuộc thi “Tuyên truyền bảo vệ rùa biển và tác hại của rác thải nhựa năm 2023” cho các em học sinh.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làm gì để ngăn rác thải đại dương tấp vào bờ biển Bình Thuận?