Theo dõi trên

Mùa gặt xôn xao!

10/04/2024, 05:05

Gần 12 giờ trưa những ngày đầu tháng 4, cánh đồng Vĩnh Hanh vẫn rộn rã tiếng người, tiếng máy gặt đập liên hợp xoành xoạch không ngưng nghỉ… Trước mắt tôi, cánh đồng lúa bao la đang mùa thu hoạch đẹp như một bức họa đồng quê. Ở đó, tôi ngửi thấy mùi hương thơm ngát của lúa mới, của rơm rạ và là “mùi” của quê hương, với sự xôn xao của những người lao động chân chất, lam lũ…

Bức họa đồng quê

Cánh đồng Vĩnh Hanh nằm trên địa bàn Phú Lạc - huyện Tuy Phong, một xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Chăm hiện lên trước mắt tôi không lớn, chỉ khoảng 70 ha, được bao quanh bởi những hàng cây xanh, khu dân cư của xã. Đồng lúa này được lấy nguồn nước tưới từ hồ Sông Lòng Sông. Nhìn từ xa, dưới bầu trời trong xanh, đầy nắng là những mảnh ruộng lúa đã chín đỏ, trĩu hạt, với một khoảng không gian nhuộm màu vàng rực rỡ, mùi lúa thơm mang hơi thở của đất trời. Có 3 - 4 chiếc máy gặt đập liên hợp cùng nhóm lao động đang hăng say làm việc. Máy gặt xong đến đâu, lúa thành phẩm đã được đóng bao tập kết chờ xe tải đến tận ruộng chở về. Trời nắng gắt, nên tôi đã “thủ” cho mình bộ đồ kín mít và chiếc mũ tai bèo làm bùa hộ mệnh. Tôi bước chân đi qua những hàng rơm còn xanh mới đang được rải đều xuống nền đất, hứng nắng, nghe xào xạc.

z5324789096473_cdbfca01eb844a7d6cf875d33705a288.jpg
Máy gặt trên cánh đồng Vĩnh Hanh.

Hương lúa, mùi thơm ngào ngạt của rơm rạ quá đỗi quen thuộc với tôi thuở thiếu thời, khiến bản thân không ngần ngại kéo nhanh chiếc khẩu trang xuống để hít hà. Những vùng lúa máy gặt đã đi qua, một nhóm phụ nữ trong xã mang theo thau để mót lúa. Lơ lửng trên không trung, đàn chim hạ cánh dập dìu chỉ quá đầu người, sà xuống cánh đồng dồi dào thức ăn. Tiếng nói cười, í ới nhau của những người lao động vẫn chưa dứt…Trên cánh đồng ấy, còn có đến cả trăm con bò của người dân địa phương đang chăn thả đi thong dong vì được một bữa no nê bởi vô số rơm rạ mới thơm nức trải dài dưới ruộng.

z5324801212874_c513145e77a6b11198c16b47facd364c-1-.jpg
Đàn bò được chăn thả trên cánh đồng.

Đứng trên bờ ruộng, anh Đàng Quốc Đại ở thôn Vĩnh Hanh là chủ của đám ruộng đang thu hoạch mồ hôi nhễ nhại. Anh đang hướng dẫn cho nhóm người vận chuyển số lúa vừa đóng bao lên xe tải chở về. Anh Đại chia sẻ, gia đình trồng 1,1 ha lúa và đây là đợt thu hoạch cuối của vụ đông xuân 2023 – 2024, với sản lượng trung bình hơn 8 tạ/sào. Riêng một số ruộng lúa ở Vĩnh Hanh, do gặp đợt sâu đục thân hại lúa nên năng suất có giảm hơn so mọi năm.

z5324796635642_24a7e25a41ecd8488378500141628063.jpg
Vận chuyển lúa sau thu hoạch.

Đứng ngắm nhìn cánh đồng và trò chuyện trong thoáng chốc, chúng tôi đã thấy từng mảnh ruộng vàng ươm đã nhanh chóng được gặt hạ, lúa được chất vào bao gọn ghẽ tự bao giờ. Thấy tôi nhìn chằm chằm vào máy gặt, anh Đại chia sẻ thêm: “Nông dân giờ không còn quá vất vả gặt tay, gánh lúa như trước nữa. Đến mùa gặt, bà con thuê công máy gặt đập liên hợp với giá 220.000 đồng/sào. Riêng những lao động phụ theo máy được trả công 12.000 đồng/sào. Trong 1 ngày mỗi máy gặt có thể thu hoạch từ 1 – 4 ha”. Khác với nhiều năm về trước với nghề trồng lúa ở quê tôi, nay nhờ cơ giới hóa nên mỗi sào chỉ gặt và tuốt mất khoảng hơn 10 phút, sau đó người dân chỉ việc chở lúa về nhà…

z5324818793737_304dbadcd4638ec647547a2a1ba6a2c2.jpg
Vận chuyển lúa từ ruộng về nhà.

Kỳ vọng về thương hiệu lúa

Trải qua hơn 3 tháng cải tạo đất, gieo trồng và chăm sóc, thì mùa gặt chính là lúc họ nhận lại được thành quả, công sức đã bỏ ra. Thế nhưng nghề nông vốn bấp bênh khi giá cả nông sản không ổn định. Với cây lúa cũng vậy! Nếu như vào cuối năm ngoái, giá lúa trên địa bàn cả nước nói chung và Bình Thuận nói riêng đã tăng lên từ 9.500 – 10.000 đồng/kg khiến bà con vui mừng vì có lãi khá, thì vào thời điểm này giá lúa lại chững lại, đang ở mức từ 7.200 – 8.500 đồng/kg (lúa khô), sau khi trừ chi phí nông dân lãi khoảng trên 20 triệu đồng/ha. Ngay cả mặt hàng rơm so vài năm gần đây giá bán mỗi cuộn rơm trên 25.000 đồng thì nay chỉ còn lại khoảng 18.000 đồng/cuộn, nên lời lãi không nhiều.

z5324799642100_425780606a64290f68e8df59cb7d8c24.jpg
Phơi rơm sau khi thu hoạch lúa.

Tôi được anh Đại lý giải, vào cuối vụ thu hoạch do sản lượng lúa nhiều, nên giá cả có biến động giảm so với đầu vụ. Riêng mặt hàng rơm trước đây tiêu thụ nhiều do người dân mua đầu tư ủ gốc thanh long, nhưng nay đã giảm nhu cầu kéo theo giá rẻ hơn. Do đó, lượng rơm sau thu hoạch vụ này, gia đình anh Đại và các hộ dân khác trong vùng đang rải phơi tại ruộng, sau 1 ngày thuê máy cuộn thành bó, mang về nhà dự trữ để phục vụ chăn nuôi…

z5324805352539_11bc208cdfc211a08c23d88cc0e4b66c.jpg
Vùng lúa chín vàng  ở Tuy Phong.

Quả thực, nếu so với các vùng lúa trọng điểm lớn của tỉnh như Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh, Đức Linh, thì nơi tôi đang đứng không phải là địa phương có diện tích trồng lúa lớn. Tuy Phong hiện chỉ có hơn 2.200 ha đất sản xuất lúa, mỗi năm 3 vụ. Từ một vùng đất khô hạn, khắc nghiệt, nhưng trong những năm gần đây, nhờ nguồn nước thủy lợi đảm bảo tưới tiêu, nên năng suất lúa bình quân của huyện vẫn đạt trên 7,2 tấn/ha. Trong đó có không ít hộ nông dân nhờ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác, chăm sóc tốt nên lúa luôn đạt năng suất cao, trên 9 tấn/ha. Theo như lời đánh giá của ông Nhữ Quốc Thích – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuy Phong, vụ đông xuân này bà con chủ yếu gieo các loại giống N25, Đài Thơm 8, ML 48, ML 217, ML 57, trong đó giống ML 48 chiếm đến 70% diện tích toàn đồng. Tuy nhiên khu vực lúa của Long Điền 1 trong giai đoạn trổ thì bị sâu đục thân đã ảnh hưởng đến năng suất. Kế hoạch của huyện, ngay khi vụ đông xuân kết thúc, địa phương sẽ họp bàn thống nhất việc gieo hạn chế diện tích, khi tiếp tục có mưa tùy vào lượng nước về hồ nhiều hay ít thì tiếp tục cho sản xuất, tuy nhiên thời gian xuống giống phải đảm bảo khung thời vụ của tỉnh.

z5324829020404_715f3aa8153951912d5f913bf8d7894e.jpg
Hạ du hồ Sông Lòng Sông.

Nắng lên quá đỉnh đầu, thời tiết nắng nóng cao điểm nhất trong ngày, ấy vậy mà không khí lao động trên cánh đồng Vĩnh Hanh vẫn chưa tạm dừng. Cách đó không xa, ở những ô ruộng được gặt trước đó, nông dân đã bắt đầu cày ải, phơi đất để chuẩn bị cho sản xuất vụ hè thu khi có nước tưới thủy lợi và kế hoạch cụ thể của địa phương.

gao_3505.jpg
Gạo "Sông Lòng Sông" là sản phẩm OCOP 3 sao của huyện Tuy Phong.

Chia tay bà con trên cánh đồng Vĩnh Hanh, tôi cảm nhận được nét đẹp yên bình, ấm no ở một vùng quê và cảm nhận rõ hơn cuộc sống muôn màu. Ở nơi đó là xã nông thôn mới Phú Lạc, bà con đang từng ngày hăng say lao động, sản xuất. Cũng ở vùng đất nắng ấy, tôi lại dấy lên kỳ vọng xa hơn về một vùng lúa gạo chất lượng cao, về thương hiệu “Gạo Sông Lòng Sông” đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của huyện từ năm 2020.

“Ai ơi bưng bát cơm đầy, dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”- câu ca dao tôi được nghe từ thuở thiếu thời, ca ngợi đức tính cần cù, chịu khó và tinh thần sáng tạo của người nông dân chợt hiện lên trong trí não. Ký ức về mùa gặt trong tôi lại tiếp tục rộn ràng, xôn xao...

KIỀU HẰNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tuy Phong - mùa “biển êm”, biển lở
Những ngày này, theo bờ biển huyện Tuy Phong, cảm nhận sóng gió của tố thanh minh mà ngư dân cho rằng rất lớn và dữ dằn hơn bình thường ập vào bờ.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mùa gặt xôn xao!