Theo dõi trên

Nâng cao chất lượng bậc giáo dục mầm non

07/08/2023, 05:33

Quy mô, mạng lưới trường lớp cấp học mầm non không ngừng phát triển, chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ được nâng cao đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đưa trẻ đến trường.

Lấy trẻ làm trung tâm

Xác định giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Thời gian qua, mạng lưới trường lớp bậc giáo dục mầm non trong tỉnh được quan tâm mở rộng, quy hoạch, sắp xếp lại theo hướng tập trung để nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ toàn diện về thể chất, trí tuệ, tình cảm, đạo đức… Đặc biệt, trẻ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn ngày một tốt hơn.

5aec54b8-c33a-46a6-9857-51b0fc6340be.jpeg
trẻ mầm non được trải nghiệm các hoạt động ngoài trời (ảnh tư liệu)

Năm học 2017 - 2018, Trường mẫu giáo Phong Phú (xã Phong Phú, huyện Tuy Phong) là một trong các đơn vị được Sở Giáo dục và Đào tạo chọn làm điểm để triển khai chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”. Đây là điểm trường nằm ở vùng miền núi trong diện khó khăn. Việc đầu tiên nhà trường bắt tay thực hiện là đầu tư cơ sở vật chất trên tinh thần xã hội hóa. Theo đó, nhà trường đã huy động tất cả các nguồn lực để tôn tạo lại 5/5 điểm trường. Từ đó, khuôn viên, sân chơi được cải tạo, nâng cấp bằng bê tông hóa và có nhiều cây xanh tỏa bóng mát. Các khu vực trong nhà trường được quy hoạch lại tổng thể hơn và tận dụng tối đa các không gian cho trẻ hoạt động phù hợp. Trang bị đồ dùng, đồ chơi trong và ngoài lớp học, nhất là đồ chơi tự làm phong phú, đa dạng, nhiều chủng loại, mang tính mở đáp ứng với nhu cầu vui chơi, học tập của trẻ… Cùng với đó, nhà trường còn tập trung đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng lấy trẻ làm trung tâm. Trong đó, chú trọng xây dựng các mô hình trải nghiệm tại góc sân trường như khu trở về tuổi thơ, hoạt động nhóm, xây dựng môi trường trong và ngoài lớp học để tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số. Đặc biệt, nhà trường rất quan tâm tổ chức các hoạt động để trẻ được trải nghiệm. Tương tự, tại các trường mầm non Phú Thuỷ (TP. Phan Thiết), mẫu giáo La Dạ (huyện Hàm Thuận Bắc)...đã triển khai thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” đạt hiệu quả giúp trẻ phát triển toàn diện.

Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội thảo chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” tại các mô hình điểm cho đội ngũ cốt cán cấp học mầm non trong tỉnh tham quan học tập, chia sẻ kinh nghiệm. Đến nay, chuyên đề được tiếp tục triển khai thực hiện đạt hiệu quả tại các trường mầm non trên địa bàn tỉnh, huy động được nhiều nguồn lực tham gia, góp phần làm thay đổi diện mạo nhiều trường mầm non, mẫu giáo, nhất là các trường vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số trong việc đầu tư, cải tạo khuôn viên, xây dựng môi trường trong và ngoài lớp học từ các nguyên vật liệu địa phương đáp ứng dần nhu cầu vui chơi, học tập của trẻ.

Chuẩn hóa mạng lưới trường lớp

Mặc dù những năm qua, các địa phương đã quan tâm đầu tư cho giáo dục mầm non (GDMN) nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn. Đó là cơ sở vật chất, phòng học, trang thiết bị, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu cho toàn cấp học mầm non vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ dưới 5 tuổi. Một số địa phương đặc biệt là khu thị trấn, thị xã, thành phố, khu đông dân cư thiếu quỹ đất, thiếu trường, lớp nên số trẻ/lớp vượt cao so với quy định. Một số huyện giáo viên mầm non làm việc theo chế độ hợp đồng lao động nhiều năm nhưng chưa được huyện tổ chức thi tuyển nên giáo viên không an tâm công tác. Các cơ sở GDMN ngoài công lập thiếu giáo viên ảnh hưởng đến việc thực hiện Chương trình GDMN và việc đảm bảo an toàn cho trẻ (toàn tỉnh còn thiếu 316 giáo viên)…

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Toàn Thắng, để nâng cao chất lượng giáo dục bậc mầm non, năm học 2023 -2024 ngành giáo dục tỉnh sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong GDMN. Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới trường lớp theo hướng chuẩn hóa, bảo đảm mỗi huyện, thành phố, thị xã đều có quy hoạch chi tiết và mỗi xã, phường phải có ít nhất 1 trường mầm non. Huy động nguồn lực, lồng ghép kinh phí từ các chương trình, dự án và nguồn lực xã hội hóa để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ chơi, nhất là ưu tiên các vùng đặc biệt khó khăn, miền núi, hải đảo... Đồng thời, kiến nghị Bộ GD&ĐT tăng định mức biên chế cho các phòng GD&ĐT, tăng số lượng nhân viên cho các trường... nhằm đảm bảo đủ giáo viên để thực hiện đảm bảo chương trình GDMN.

Năm học 2022 - 2023, số trường mầm non công lập trong tỉnh đạt chuẩn quốc gia 55 trường/142 trường (đạt 38,73%), tăng 4 trường so năm học trước; có 124/124 đơn vị cấp xã và 10/10 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi.

THANH THUỶ


(0) Bình luận
Bài liên quan

Trao tặng 5 chiếc tivi cho các trường mầm non huyện Tánh Linh
BTO-Sở Giáo dục và Đào tạo cùng Công ty Bảo Việt Bình Thuận vừa trao tặng tivi cho các trường mầm non trên địa bàn huyện Tánh Linh.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nâng cao chất lượng bậc giáo dục mầm non