Theo dõi trên

Nghị quyết 26 NQ/TW: Tạo bước chuyển mới, phát triển toàn diện cho vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ

17/11/2022, 05:24

Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.

Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 26 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ, xứng đáng với vị thế, vai trò của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.

z3887249011900_66d2b78d2b595413a33fe5c01e5b475f.jpg

Những mục tiêu chiến lược

Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung bao gồm 14 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa 9); được sự quan tâm của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, các tỉnh trong vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đã khai thác tốt tiềm năng, lợi thế sẵn có, có sự chuyển mình mạnh mẽ, trở thành vùng phát triển năng động, đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước. Kinh tế tăng trưởng bình quân 7,3%/năm giai đoạn 2005 - 2020, cao hơn mức trung bình cả nước. Quy mô kinh tế của vùng năm 2020 (theo giá hiện hành) tăng gấp 9,1 lần so với năm 2004, chiếm 14,5% GDP cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt mức 56,9 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ và công nghiệp là chủ đạo…

Tuy nhiên, Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ vẫn là vùng có chỉ số phát triển ở nhiều lĩnh vực thấp hơn mức trung bình cả nước. Tiềm năng, lợi thế của vùng, nhất là kinh tế biển chưa được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả. Quy mô kinh tế vùng còn nhỏ, GRDP bình quân đầu người thấp. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm, chưa có đột phá...

Chính vì vậy, ngày 3/11/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu của Nghị quyết đến năm 2030, Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ là vùng phát triển năng động, nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn của cả nước với các khu kinh tế ven biển và hệ thống đô thị ven biển đạt chuẩn quốc gia và khu vực. Vùng là cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên và nước bạn Lào; là nơi các giá trị văn hóa, lịch sử và hệ sinh thái biển, đảo, rừng được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc; các tổ chức Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường.

Nghị quyết số 26 đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện các mục tiêu đề ra gồm: Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế biển. Tập trung phát triển mạnh hệ thống đô thị, nhất là hệ thống đô thị ven biển; đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng, nhất là hạ tầng giao thông.

Nhiều cơ hội cho Bình Thuận

Tham dự Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW được Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức vào sáng 16/11 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến kết nối từ thủ đô Hà Nội đến các điểm cầu cấp tỉnh, cấp huyện và cơ sở, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An nhấn mạnh: Việc xác định đúng đắn hướng đi cho vùng sẽ giúp khơi thông các nguồn lực, tận dụng tối đa các dư địa phát triển, đưa vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ phát triển năng động hơn, nhanh hơn, bền vững hơn trong thời gian tới.

an.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Với nội dung tham luận “Một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển nông nghiệp tỉnh Bình Thuận theo hướng sinh thái, đặc hữu có khả năng chống chịu cao với thời tiết khắc nghiệt, thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, liên kết theo chuỗi giá trị và có giá trị gia tăng cao”. Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An cho hay: Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhận thức rất rõ về vai trò, vị trí của phát triển nông nghiệp đối với sự phát triển của tỉnh. “Nghị quyết chuyên đề đầu tiên được Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2020 - 2025 ban hành ngay sau Đại hội là Nghị quyết về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao. Là vùng đất có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, nơi khô hạn nhất nước, và do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán ngày càng trầm trọng hơn, cùng với sự sụt giảm các nguồn lợi thủy sản, nên việc phát triển nông nghiệp của tỉnh rất khó khăn, cần có hướng đi, tư duy mới, phù hợp. Với nhận thức đó, chúng tôi thống nhất rất cao với giải pháp nêu trong Nghị quyết 26 là cơ cấu lại và đổi mới mô hình phát triển nông nghiệp, chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, “phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, đặc hữu có khả năng chống chịu cao với thời tiết cực đoan, thích ứng với biến đổi khí hậu; liên kết theo chuỗi giá trị và có giá trị gia tăng cao”, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nói.

Theo đó, Bình Thuận tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tập trung hoàn thiện hệ thống thủy lợi, đảm bảo cung ứng đủ nước cho sản xuất nông nghiệp; tập trung nâng cao chất lượng, giá trị của một số sản phẩm nông nghiệp lợi thế của tỉnh, nhất là 2 lĩnh vực: Trồng trọt và khai thác - chế biến thủy sản và phát triển công nghiệp chế biến đáp ứng yêu cầu hàng hóa quy mô lớn trong nông nghiệp; tập trung các sản phẩm nông nghiệp lợi thế của tỉnh (như hải sản, nước mắm, thanh long, cao su,...) với công nghệ hiện đại gắn với phát triển thị trường.

Bí thư Tỉnh ủy cũng cho rằng, Nghị quyết của Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu là vùng phát triển năng động, nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển. Để sớm đạt được mục tiêu này, vùng cần sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương. Bí thư Tỉnh ủy bày tỏ mong muốn Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm chỉ đạo, sớm hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam (phía đông); đầu tư đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao, đầu tư hoàn thành tuyến đường ven biển tại các địa phương trong vùng và các tuyến đường kết nối Đông - Tây, nối vùng với vùng Tây Nguyên, để tăng cường khả năng liên kết, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng và các vùng khác…

Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Trung ương tiếp tục hỗ trợ các địa phương trong vùng về cơ chế, chính sách và cả kinh phí để đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, kinh tế ven biển, cảng biển và sân bay, ở những nơi hội đủ các điều kiện, để vừa thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế như: công nghiệp, dịch vụ vận tải, dịch vụ logistics… vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các tỉnh trong vùng thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước để phát triển mạnh mẽ hơn, sớm đạt được mục tiêu và các chỉ tiêu Nghị quyết đã đề ra.

“Phải nhận thức thật đúng và giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa phát triển vùng và phát triển chung của cả nước: “Cả nước vì vùng và vùng vì cả nước”. Tạo sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng và liên kết vùng. Liên kết vùng phải trở thành tư duy chủ đạo dẫn dắt sự phát triển toàn vùng và từng địa phương trong vùng” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị.

THANH NHÀN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Chương trình giao lưu “Thăm trường xưa nhớ Bác”
Chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), gắn với kỷ niệm 112 năm thầy giáo Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh) dừng chân dạy học tại Trường Dục Thanh – Phan Thiết (1910 – 2022), Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh Bình Thuận vừa tổ chức chương trình giao lưu, với chủ đề “Thăm trường xưa nhớ Bác”.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghị quyết 26 NQ/TW: Tạo bước chuyển mới, phát triển toàn diện cho vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ