Theo dõi trên

Phong Phú: Hiệu quả từ xây dựng, phát triển các chi hội, tổ hợp tác cây táo

17/09/2024, 05:10

Nông dân xã Phong Phú huyện Tuy Phong tích cực tham gia các chi hội nghề nghiệp, tổ hợp tác cây táo. Từ nguồn vốn vay của nhiều tổ chức, nông dân có thêm điều kiện trồng và chăm sóc cây táo trong nhà lưới góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Tập hợp nông dân cùng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất

Phong Phú là xã vùng cao của huyện Tuy Phong có 95% nông dân sinh sống chủ yếu bằng nghề sản xuất nông nghiệp. Ngoài lúa, táo là cây trồng thế mạnh, với diện tích gần 100 ha và khoảng 300 hộ dân tham gia canh tác. Nhờ đầu ra ổn định, cây táo mang lại thu nhập khá cho nông dân trong vùng. Năm 2023, sản phẩm táo tươi của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Phong Phú được công nhận đạt chuẩn 3 sao OCOP. Bên cạnh đó, người dân địa phương cũng bắt đầu đầu tư chế biến sản phẩm táo sấy khô và táo sấy dẻo.

Cây táo giúp nông dân xã Phong Phú thu nhập ổn định

Chính quyền xã Phong Phú đã chủ động thành lập các tổ hội nghề nghiệp cây táo từ đó thành lập tổ hợp tác và phát triển hợp tác xã trồng táo để hỗ trợ nông dân chia sẻ kinh nghiệm canh tác, tuyên truyền nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như trồng táo trong nhà lưới, nhà màng theo quy trình VietGAP, nâng cao năng suất và chất lượng. Đầu năm 2024, xã đã ra mắt tổ hợp tác cây táo ở thôn 2 và tổ hội nghề nghiệp cây táo ở thôn Tuy Tịnh 1. Việc nỗ lực xây dựng mô hình kinh tế tập thể trên địa bàn, nhằm đưa cây táo trở thành sản phẩm chủ lực của xã.

Theo Hội Nông dân xã Phong Phú, nhận định thời gian tới, diện tích trồng táo sẽ tăng và xác định là cây chủ lực, đến nay xã Phong Phú đã thành lập các mô hình kinh tế tập thể gồm 4 tổ nghề nghiệp cây táo ở 4 thôn, 1 tổ hợp tác cây táo và Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Phong Phú. Tất cả kỹ thuật, kinh nghiệm trồng táo nhà lưới được bà con chia sẻ nhau qua điện thoại thông minh... Ngoài ra, xã còn có 1 tổ nghề nghiệp cây bưởi. Những mô hình này không chỉ thúc đẩy phong trào thi đua sản xuất trong nông dân mà còn góp phần tích cực vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhờ đó, nhiều hộ dân đã thoát nghèo, mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Kinh tế nông nghiệp và nông thôn của xã từng bước phát triển theo hướng bền vững.

Chị Kinh Thị Mỹ Mạnh - hội viên chi hội nghề nghiệp cây táo thôn Tuy Tịnh 2 chăm sóc vườn.

Vốn vay “trợ lực” giúp nông dân

Hội Nông dân xã Phong Phú đã xây dựng quỹ hỗ trợ nông dân và kết hợp các nguồn vốn vay từ Trung ương, Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, giúp nông dân có thêm nguồn lực để phát triển sản xuất.

Chị Kinh Thị Mỹ Mạnh, một thanh niên người Chăm ở thôn Tuy Tịnh 2, xã Phong Phú, vừa được hỗ trợ vay 120 triệu đồng từ nguồn vốn Trung ương Đoàn thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tuy Phong. Chị Mạnh, thành viên Tổ nghề nghiệp cây táo của xã, chia sẻ rằng việc tham gia tổ đã giúp chị và bà con nông dân học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm canh tác cây táo, nhất là khi sản phẩm táo của xã đã được công nhận là sản phẩm OCOP. Để phát triển bền vững, nông dân luôn chú trọng canh tác theo hướng an toàn, trong đó có việc đầu tư trồng táo giàn bao lưới để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Nhờ nguồn vốn vay hộ chị Thủy đầu tư lưới bao vườn táo mới trồng được 1 năm.

Vườn táo hơn 2 sào của gia đình chị Mạnh hiện đang trong năm thứ 2 thu hoạch. Nhờ chăm chỉ học hỏi và áp dụng kinh nghiệm chăm sóc, vườn táo của chị cho thu hoạch liên tục, với giá bán ổn định từ 12.000 - 14.000 đồng/kg, mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình. Chị Mạnh cho biết, khoản vay đã giúp chị đầu tư vào hệ thống màng lưới cho vườn táo. Màng lưới không chỉ giúp che chắn khỏi côn trùng, đặc biệt là ruồi vàng đục trái, mà còn giúp hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, màn lưới còn có tác dụng bảo vệ trái táo khỏi ánh nắng gay gắt, sương muối và gió bấc, giúp tăng năng suất và chất lượng thu hoạch. Chị Nguyễn Thị Thu Thủy ở thôn 1, xã Phong Phú, cũng đã đầu tư vào diện tích táo của gia đình nhờ khoản vay từ Trung ương Đoàn. Chị Thủy áp dụng mô hình nhà lưới để cải thiện năng suất và chất lượng sản phẩm cây táo để cung cấp táo tươi an toàn đến người tiêu dùng.

Theo Hội Nông dân xã Phong Phú, thông qua xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể như tổ hội nghề nghiệp, tổ hợp tác cây táo bước đầu khẳng định hiệu quả các mô hình kinh tế tập thể trên địa bàn. Qua đó, giúp nắm bắt được quy trình sản xuất và học hỏi được nhiều kinh nghiệm với nhau. Theo kế hoạch, xã phát triển cây táo trở thành cây trồng chủ lực, nâng chất lượng sản phẩm táo đạt chuẩn OCOP có đầu ra ổn định, tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

THANH DUYÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tuy Phong: Tập trung giám sát những vấn đề liên quan đến đời sống của người dân
Nhiệm kỳ (2019 - 2024), Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong huyện đã phối hợp với các tổ chức thành viên, các ban, ngành liên quan hướng dẫn duy trì, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân (TTND), Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ) và các Tổ hòa giải ở cơ sở.
Nổi bật
Cả nước phát hiện vi phạm hơn 157.000 tỷ đồng qua công tác thanh tra
BTO-Sáng 28/12, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác thanh tra năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình. Tại điểm cầu Bình Thuận có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Văn Đăng.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phong Phú: Hiệu quả từ xây dựng, phát triển các chi hội, tổ hợp tác cây táo