Theo dõi trên

Sớm giải quyết đơn khiếu nại của ông Trương Tuấn Kiệt?

21/09/2022, 05:28

Những ngày qua, ông Trương Tuấn Kiệt (SN 1970, hộ khẩu thường trú tại Thôn Hồng Lâm, xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, nơi ở hiện nay: số 153, Huỳnh Thúc Kháng, khu phố 1, phường Mũi Né, TP Phan Thiết) rất bức xúc khi đất canh tác của gia đình bị doanh nghiệp tác động nhưng chưa thỏa thuận đền bù.

Ông Kiệt cho biết: Vào năm 2003, tôi mua lại đất của các hộ dân với diện tích khoảng 50.000m2 thuộc các thửa đất số 06, số 07 tờ bản đồ số 103. Khu đất này tọa lạc tại Thôn Hồng Thanh, xã Hồng Phong. Sau khi mua đất, tôi đã tiến hành canh tác trên đất và làm hàng rào. Sau này do tình hình nước tưới gặp nhiều khó khăn nên tôi có liên hệ với Điện lực Tuy Phong hạ bình điện. Tiếp đó tôi đầu tư hệ thống tưới và sử dụng canh tác cho đến nay. Từ trước đến nay chưa có một ai liên hệ với tôi để trao đổi về việc đất của tôi nằm trong dự án. Mặc dù trên bản đồ địa chính của huyện, khu đất này vẫn đứng tên của tôi. Bất ngờ vào ngày 4/9, có một nhóm người xưng danh là người của dự án đến ngăn cản không cho công nhân của tôi trồng trọt, tưới tiêu trên đất. Họ cho rằng, đây là đất đã được cấp cho dự án. Khi chúng tôi yêu cầu có chính quyền làm việc, để có bản đồ đối chiếu thì họ hẹn đến thứ hai là ngày 5/9/2022. Tuy nhiên lúc 9 giờ, ngày 5/9/2022, trên đất tôi đang quản lý, sử dụng xuất hiện 1 nhóm thanh niên hung hãn xông vào nhổ bảng hiệu Công ty TNHH sinh thái Gió Biển, nhổ hàng rào, nhổ cây trồng trên đất, phá hỏng hệ thống tưới tiêu của tôi và đưa lên xe đi mất.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khu đất mà ông Kiệt đang sử dụng được mua lại của gia đình ông Lê Đê (SN 1970) và bà Nguyễn Thị Hương (SN 1975, cùng trú tại thôn Hồng Chính, xã Hòa Thắng) với giá 95 triệu đồng vào ngày 5/4/2003. Việc mua bán được ông Nguyễn Văn Danh làm chứng. Ông Nguyễn Văn Danh, hiện sống tại thôn Hồng Chính, xã Hòa Thắng cho biết: Gia đình tôi cũng có một khu đất sản xuất cách khu đất của ông Kiệt mua không xa. Khu đất này do gia đình ông Đê bà Hường khai hoang từ lâu rồi đến năm 2003 thì bán lại cho ông Kiệt. Sau đó ông Kiệt có dựng chòi và trồng cây dài ngày như dương, xoan. Những người có đất sản xuất ở gần khu vực đất của ông Kiệt đều biết điều này.

Những người có đất canh tác tại khu vực này cho biết: Khu vực này mặc dù là đất nằm trong địa giới hành chính của xã Hồng Phong nhưng người trực tiếp canh tác, sản xuất ở khu vực này là người dân ở thôn Hồng Chính cũ (nay tách thành thôn Hồng Chính và thôn Hồng Hải), xã Hòa Thắng canh tác. Bởi người dân khu vực này sống ven biển ở gần vị trí đất hơn người dân ở xã Hồng Phong. Lúc đó, người dân canh tác chủ yếu dựa vào nước mưa nên thường chỉ trồng được một vụ. Đến sau này, khi tuyến đường nhựa được thi công thì việc canh tác của người dân gặp nhiều khó khăn. Có người bán cho người khác và vẫn có người giữ đất lại canh tác. Vào những năm 2009 – 2010, người dân làm đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nộp lên xã Hồng Phong. Sau đó, các hộ dân được cán bộ xã Hồng Phong đến khu vực đất sản xuất của mình đo đạc và ký giáp ranh tứ cận. Nhiều năm sau đó không thấy được cấp sổ thì người dân lên UBND xã Hồng Phong hỏi. Tại đây người dân được biết vị trí đất của họ đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho các doanh nghiệp làm dự án du lịch. UBND xã Hồng Phong đề nghị người dân chờ khi dự án triển khai thì sẽ thỏa thuận đền bù cho người dân. Nhưng đến nay, doanh nghiệp vẫn chưa gặp người dân để thỏa thuận.

z3700485423847_4eee6119679448da92cb2520e90e9136.jpg

Trao đổi về vụ việc này, ông Huỳnh Đông Dược, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Phong cho biết: Vị trí đất trên đã được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp từ những năm 2011 - 2012. Mới đây, ông Trương Tuấn Kiệt đã có đơn tranh chấp gửi UBND xã. Hiện nay, UBND xã đang chỉ đạo cho cán bộ đến kiểm tra hiện trạng, kiểm tra vị trí tọa độ khu đất mà ông Kiệt có đơn khiếu nại. Sau đó xã sẽ đề nghị ông Kiệt cung cấp các tài liệu, chứng cứ có liên quan để tiếp tục giải quyết theo quy định của pháp luật.

"Đề nghị các cấp chính quyền cần vào cuộc làm rõ để bảo vệ quyền lợi của người dân”, ông Kiệt kiến nghị.

NGUYỄN LUÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
“Sốt đất” nghĩa địa ở Lương Sơn
Không chỉ đất nền, đất nghĩa địa nhiều nơi cũng “sốt”, là thực trạng đã và đang diễn ra ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, nhất là ở thị trấn Lương Sơn (huyện Bắc Bình), khi diện tích đất nghĩa trang bị bao chiếm.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sớm giải quyết đơn khiếu nại của ông Trương Tuấn Kiệt?