Cạnh tranh với thanh niên này còn có mấy người nữa, đa số là đàn ông. Nếu là phụ nữ thì có thanh niên đi kèm (để leo hái cau). Anh thanh niên quan sát mấy cây cau bên bờ vườn nhà chị Bốn, đề nghị chị bán cau với giá 65.000 đồng/kg. Anh tự leo hái lấy. Chị Bốn có chút phân vân rồi đồng ý vì so với giá cau cô H, người cùng thôn mua vào ngày 28 âm lịch, tăng 15.000 đồng/kg. Sau một hồi leo hái, người thanh niên cân ký, trả cho chị Bốn 1.200.000 đồng. Người lái cau đi rồi, chị Bốn nói: “Tôi trồng cau trong bờ ranh vườn để giữ đất. Ở đây, nhiều nhà đều làm vậy. Bờ ranh vườn không có cau, đất dễ sạt lắm. Có chừng 50 cây trong vườn nhà thôi. Phần lớn vườn, tôi trồng thanh long. Nay thanh long xuống giá, đang túng kẹt thì bán được số cau như anh thấy. So với mùa cau chính vụ vào tháng 4 dương lịch, khi giá cau chừng 20.000 đồng/kg… số cau vừa bán là được giá !”.
Cách chị Bốn không xa, nhà của anh Nguyễn Tươi. Anh Tươi có vợ là người đảo Phú Quý. Vợ anh Tươi cho hay: “Trước tết năm nay, tôi bán cau cho cô H, giá chỉ 50.000 đồng/kg. Cô ấy trả tiền liền nên có thêm ít tiền sắm tết?”. “Nhà chị có bao nhiêu cây”- tôi hỏi. “Chừng 60 cây 10 năm tuổi. Một năm tiền cau được vài chục triệu đồng như năm 2020. Năm 2021, biết người ta còn mua giá cao nữa không? Hồi cuối năm 2020, có lúc họ mua giá 80.000 đồng/kg. Không biết mua làm gì, nghe nói xuất đi Trung Quốc”.
Tìm hiểu chuyện mua cau ở Tân Thành, đến nay nhiều lái cau cũng chỉ biết mua đi bán lại, kiếm lời. Cau chở đi đâu họ không biết. Chỉ biết khoảng mấy tháng cuối năm 2020, người ở Sài Gòn về cho giá, đặt vấn đề gom cau. Tìm hiểu qua mạng vài nơi trước Tết nguyên đán Nhâm Dần cũng xảy ra việc mua cau giá cao.
Cách đây 20 năm, cau tươi là nguồn huê lợi của nhiều người dân Tân Thành, bên cạnh một số cây trồng khác. Song từ khi thanh long được giá, cau lui về hàng thứ yếu. Nhiều gia đình chặt cau trồng thanh long. Nay diện tích cau ở Tân Thành không nhiều. Tuy nhiên, việc xuất hiện thương lái cau gợi lên vấn đề: Người dân chớ vì lợi trước mắt mà đổ xô trồng cau… lợi hại khó lường. Làm kinh tế cần phải nhìn xa, nhìn rộng, chỉ nên trồng một loại cây nào đó khi đầu ra chắc chắn, với số lượng lớn.