Đặt mục tiêu cụ thể
Ngay từ đầu năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong đã có quyết định ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 10/9/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XI) về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao. Trong đó, mục tiêu chung là phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, sạch, an toàn, bảo vệ môi trường sinh thái, có khả năng chống chọi với dịch bệnh và biến đổi khí hậu.
Để đạt được những mục tiêu này, UBND tỉnh đã đề ra những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu quan trọng. Trong đó, có việc hoàn thiện quy hoạch và cơ cấu lại sản xuất các lĩnh vực. Một trong các giải pháp là phương án phát triển nông nghiệp đảm bảo phát triển bền vững, bao gồm quy hoạch phát triển các vùng sản xuất trồng trọt, vùng chăn nuôi đối với cây, con chủ lực để xác định không gian phát triển. Xây dựng phương án kết cấu hạ tầng thủy lợi phòng, chống thiên tai. Đảm bảo liên vùng, đáp ứng yêu cầu sản xuất bền vững, tập trung phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Riêng ở lĩnh vực trồng trọt, đẩy mạnh cơ cấu lại cây trồng phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường. Cơ cấu lại quy mô sản xuất, hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn. Phấn đấu giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên 1 ha đất trồng trọt đạt khoảng 130 triệu đồng. Ngoài ra, khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân hoán đổi, tập trung ruộng đất theo quy hoạch, phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, có sức cạnh tranh cao. Đồng thời ưu tiên tập trung đầu tư, phát triển đối với cây trồng chủ lực, quan trọng của tỉnh…
Quy hoạch các loại cây trồng chủ lực
Tại Bình Thuận, thanh long là cây ăn trái chủ lực. Do đó, tỉnh đề ra nhiệm vụ phát triển diện tích thanh long phù hợp quy hoạch và nhu cầu của thị trường, ổn định diện tích thanh long đến năm 2025 khoảng 34.000 ha. Tập trung nâng cao chất lượng, hình thành các vùng thanh long ứng dụng công nghệ cao, vùng thanh long hữu cơ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước. Mua bản quyền một số giống thanh long mới, có năng suất, chất lượng cao, chống chịu cao với sâu bệnh hại, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu để nhân giống đưa vào sản xuất. Riêng cây lúa, tỉnh kêu gọi doanh nghiệp có năng lực mạnh liên kết phát triển vùng sản xuất lúa giống tập trung. Xây dựng vùng sản xuất lúa thương phẩm tập trung, chất lượng cao, hướng đến xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao và lúa gạo đặc sản mang thương hiệu của tỉnh ở vùng sản xuất trọng điểm lúa tại các huyện Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình. Phấn đấu đưa cây dược liệu trở thành một trong những sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp Bình Thuận, có các sản phẩm dược liệu được công nhận là sản phẩm OCOP, phục vụ khách du lịch đến tỉnh…
Việc quy hoạch phát triển lĩnh vực trồng trọt đang mở ra tương lai về nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp Bình Thuận, nâng cao thu nhập cho người dân.
Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành nông nghiệp đạt bình quân 2,8 - 3,3%/năm; năng suất lao động nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân từ 7 - 8% năm; giá trị kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng bình quân khoảng 5%/năm…