Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng trên địa bàn, UBND các huyện, thị, thành phố triển khai các giải pháp kiểm soát an toàn thực phẩm theo phân cấp quản lý trong sử dụng, tiêu dùng sản phẩm nông sản, sử dụng các loại nấm, cây, củ, quả rừng tự nhiên làm thực phẩm; đặc biệt các nhóm nguy cơ cao hoặc đặc điểm vùng miền.
Các địa phương, Phòng An toàn vệ sinh thực phẩm – Sở Y tế, các trung tâm y tế huyện, thị, thành phố tăng cường tuyên truyền, giáo dục kiến thức an toàn thực phẩm và biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên cho cộng đồng bằng cả tiếng Kinh và tiếng dân tộc ít người khác, đặc biệt chú ý đến người dân vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa thông qua các buổi nói chuyện, tọa đàm, phát thanh, tờ rơi, poster… Khuyến cáo người dân không sử dụng các thực vật lạ, có nguy cơ gây ngộ độc như nấm rừng, cây củ, quả rừng lạ... Hướng dẫn biện pháp chế biến đảm bảo an toàn đối với các sản phẩm mang tính truyền thống hoặc tập quán của địa phương. Đồng thời, hướng dẫn người dân các biện pháp sơ cứu ban đầu khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ ngộ độc thực phẩm và chuyển đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời. Chuẩn bị sẵn sàng phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, trang thiết bị chuyên môn trong hoạt động điều tra, giám sát ngộ độc thực phẩm; phát hiện sớm, sẵn sàng xử lý nhanh các sự cố về ngộ độc gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Theo Cục An toàn thực phẩm, qua số liệu giám sát ngộ độc và yếu tố dịch tễ hàng năm, thời điểm mùa xuân và đầu mùa hè thường xảy ra các vụ ngộ độc do người dân sử dụng các thực phẩm có chứa độc tố tự nhiên. Cụ thể, nấm độc, hoa quả rừng, cây rừng... đặc biệt tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Trong đó đã có những trường hợp tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề cho những người bị ngộ độc, dù đã được cứu chữa kịp thời.